Cần bước chuyển mạnh hướng nghiệp cho thanh niên

Cần bước chuyển mạnh hướng nghiệp cho thanh niên
TPO - Anh Nguyễn Hoàng Hiệp - Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, tới đây Đoàn sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa giúp thanh niên chọn nghề, lập nghiệp.
Cần bước chuyển mạnh hướng nghiệp cho thanh niên ảnh 1

Anh Nguyễn Hoàng Hiệp (bên phải) trong chương trình Đối thoại trẻ số 9 của Đài Truyền hình Việt Nam. Ảnh: Lê Thơm.

Cùng với Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội Đàm Hữu Đắc, anh Nguyễn Hoàng Hiệp là khách mời của chương trình Đối thoại trẻ số 9 với chủ đề: “Làm gì để hỗ trợ thanh niên học nghề, lập nghiệp?”, được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam tối 30/9.

Đối thoại với các bạn trẻ, anh Hiệp cho rằng, thực tế hiện nay chúng ta thiếu cả thầy lẫn thợ giỏi, tuy nhiên thợ vẫn thiếu nhiều hơn. Trong khi đó, nhiều bạn tốt nghiệp đại học và các trường nghề lại khó xin việc làm.

“Dự nhiều hội chợ việc làm, tôi thấy không ít bạn học đại học xong nhưng phải xin việc làm phổ thông. Đó là điều rất lãng phí”.

Cần bước chuyển mạnh hướng nghiệp cho thanh niên ảnh 2Hiện nhiều bạn trẻ đang chọn nghề theo… phong trào, chứ chưa có nhiều thông tin tham khảo. Điều quan trọng là chúng ta phải trả lời được các câu hỏi: mình là ai?; mình nên làm gì? thì sẽ có sự lựa chọn nghề nghiệp đúng đắnCần bước chuyển mạnh hướng nghiệp cho thanh niên ảnh 3

Anh Nguyễn Hoàng Hiệp

Theo anh Hiệp, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức khá nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên như: hành trình về làng nghề cho học sinh THPT với 350 nghề được giới thiệu; Chương trình tư vấn mùa thi trên báo chí… Tuy nhiên, anh Hiệp cũng thừa nhận, những chương trình của Đoàn còn rải rác, chưa có điểm nhấn.

“Chúng ta cần một bước chuyển mạnh về hướng nghiệp cho thanh niên” - Bí thư T.Ư Đoàn khẳng định.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc giúp thanh niên chọn nghề, đề án “hỗ trợ thanh niên học nghề, lập nghiệp” được chính phủ phê duyệt và đang được tiến hành.

Đề án góp phần giải bài toán phân phân luồng học sinh THPT (trong đó 70% học nghề và 30% là trung cấp, cao đẳng), cũng như đào tạo tốt nguồn lao động trẻ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay.

Anh Hiệp cho biết, đối tượng của đề án trước tiên là cán bộ Đoàn. “Muốn thực hiện tốt đề án, việc đầu tiên cán bộ Đoàn phải nhận thức đúng. Rất cần những cán bộ Đoàn bước ra khỏi bàn làm việc để đến với thanh niên”.

Sau đó, đề án hướng tới thanh niên nông thôn, vùng sâu, xa. “Kể cả các doanh nghiệp cũng được hưỏng lợi từ đề án này nếu phối hợp chặt chẽ với chúng tôi trong việc đầu tư đào tạo nghề và tạo việc làm cho học viên sau khi học nghề” - Anh Hiệp nói.

Tính đến 15/8/2008, nước ta có 78 trường cao đẳng nghề; 204 trung cấp nghề; 684 trung tâm dạy nghề; 150 các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp tham gia dạy nghề.

Từ năm 2001 đến 2008, số lượng học viên liên tục tăng nhanh từ 887.300 người lên đến 1.764.000 người. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội Đàm Hữu Đắc, đến năm 2015, học nghề sẽ đáp ứng nhu cầu của thanh niên.

MỚI - NÓNG