Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 18 khóa X:

Cần đưa ra giải pháp, mục tiêu sát với thanh niên

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Ngày 13/4, tại Lào Cai, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ mười tám, khóa X nhiệm kỳ 2012-2017 dưới sự chủ trì của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cho biết: T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị nhằm trao đổi, thảo luận cho ý kiến về 5 nội dung Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa X tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa X; Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Dự thảo Đề án phân bổ đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI; Dự thảo Đề án Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa XI.

Anh Lê Quốc Phong nêu rõ, đây là lần thứ 2 thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo báo cáo chính trị của BCH T.Ư Đoàn khoá X tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Các đại biểu cần nhận định kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, đánh giá nguyên nhân, hạn chế; đề ra các nhóm giải pháp, mục tiêu sát với tình hình thực tế và nhu cầu của thanh niên. Bốn nội dung thảo luận còn lại lần đầu tiên thảo luận tại hội nghị BTV T.Ư Đoàn, cần đánh giá kết quả và vai trò của lãnh đạo trong công tác Đoàn, đánh giá đúng, trúng về nhiệm vụ vừa qua để đúc rút được bài học kinh nghiệm, trao nhiệm vụ cho khóa mới. Đây là bước để tạo thành công cho đại hội.

Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo

Tại hội nghị, đa số các đại biểu đồng tình với tên gọi của dự thảo báo cáo chính trị là “Xây dựng Đoàn vững mạnh; giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi; phát huy và chăm lo thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, tập trung, thảo luận, cho ý kiến về nội dung của báo cáo chính trị.

Theo dự thảo, nhiệm kỳ 2017-2022 có khẩu hiệu hành động là “Tiên phong, gương mẫu, đoàn kết, sáng tạo”. Trong nhiệm kỳ, Đoàn sẽ có 3 phong trào: Thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ sáng tạo, tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc. Ba chương trình đồng hành, hỗ trợ thanh niên: Đồng hành với thanh niên trong học tập; Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; Đồng hành với thanh niên phát triển kỹ năng thực hành xã hội, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần. Nhiệm kỳ tới Đoàn cũng sẽ có một số chương trình, đề án trọng điểm: Chương trình thanh niên khởi nghiệp; Đề án tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên; Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em…

Trao đổi tại hội nghị, nhiều đại biểu đề nghị tập trung phân tích những hạn chế và nguyên nhân trong nhiệm kỳ trước; bổ sung, điều chỉnh nội dung chương trình, phong trào, chỉ tiêu trong giai đoạn mới. Anh Đỗ Văn Bình - Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Trị cho rằng, báo cáo cần thẳng thắn đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của hạn chế công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Theo anh Đỗ Văn Bình, nguyên nhân khách quan là nguồn lực đầu tư cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi còn hạn chế, đặc biệt là các thiết chế vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi. Chưa có cơ chế, chính sách có tính đặc thù riêng cho cán bộ Đoàn. Cấp ủy một số địa phương chưa có sự quan tâm, hoạt động sâu sát.

Nhiều đại biểu cũng kiến nghị làm rõ khái niệm thanh niên chậm tiến, thay thế bằng cách gọi khác. Anh Giàng Quốc Hưng - Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai cho rằng việc làm rõ khái niệm, tiêu chí xếp loại thanh niên chậm tiến để có sự đồng nhất trong đánh giá xếp loại giữa các cấp bộ Đoàn.

Anh Phạm Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh Đoàn Phú Thọ đề nghị, mục tiêu nhiệm kỳ tới, vấn đề phát huy thanh niên cần bổ sung thêm lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc cùng với lĩnh vực lao động, học tập, khởi nghiệp. Anh Nguyễn Minh Triết - Trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu sáng tạo vào hệ thống chỉ tiêu toàn nhiệm kỳ để đánh giá mức độ hiệu quả của phong trào tuổi trẻ sáng tạo. Anh Nguyễn Văn Vũ Minh - Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp đề xuất trong chương trình, đề án trọng tâm nhiệm kỳ tới có thêm đề án đưa trí thức trẻ về hợp tác xã hỗ trợ công tác điều hành, quản lý.

Giải pháp đồng hành, hỗ trợ thanh niên

Hội nghị đã có nhiều ý kiến thẳng thắn cần làm rõ vai trò của tổ chức Đoàn và đề xuất thêm các nhóm giải pháp đồng hành, hỗ trợ sát với tình hình, nhu cầu thanh niên về học tập, lao động việc làm, sáng tạo… Chị Trần Thị Vĩnh Nghi - Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ góp ý Đoàn cần tổ chức tuyên truyền, định hướng tư vấn, giới thiệu việc làm cho ĐVTN. Đồng thời, cần phối hợp với các cấp bộ ngành tuyên truyền cho các bậc phụ huynh trong việc lựa chọn nghề nghiệp, việc làm cho ĐVTN. “Nhiều ĐVTN sau khi tham gia các chương trình, được tư vấn giới thiệu kỹ năng, nhưng nhiều câu trả lời cuối cùng đều để về hỏi thêm ý kiến gia đình”, chị Nghi nêu.

Anh Nguyễn Minh Triết nêu ý kiến trong thời đại hội nhập quốc tế, Đoàn đã có nhiều chương trình giúp thanh niên bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng hội nhập quốc tế. Đề án hỗ trợ nâng cao trình độ tiếng Anh là kỳ vọng tạo ra bước đột phá công tác Đoàn. Theo anh Nguyễn Minh Triết, việc Đoàn tham gia nâng cao trình độ tiếng Anh, ngoại  ngữ sẽ tạo điều kiện để thanh thiếu nhi có môi trường sử dụng tiếng Anh thường xuyên bằng nhiều cách thức khác nhau trong môi trường tình nguyện, hoạt động giao lưu quốc tế hoặc các cuộc thi tiếng Anh.

Thực tế và khả thi

Phát biểu kết luận các vấn đề thảo luận tại hội nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong đề nghị báo cáo cần có minh hoạ để dễ tiếp thu, trong đó số liệu cần ấn tượng thuyết phục, mô hình được nêu phải tiêu biểu, có thể không mới nhưng kết quả phải điển hình, hiệu quả. Những mô hình, giải pháp, cách làm hay từ các cơ sở có thể đưa vào minh họa.

Ghi nhận các ý kiến thảo luận về hệ thống chỉ tiêu, giải pháp trong phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ tới, anh Lê Quốc Phong cho rằng hệ thống chỉ tiêu cần được phân thành nhóm chỉ tiêu, hoặc lưu ý thành một số vấn đề quan trọng. Song vấn đề quan trọng là chỉ tiêu như thế nào, có thực tế hay không? “Việc xây dựng chỉ tiêu cần bám sát thực tế và có tính khả thi để thúc đẩy chúng ta phấn đấu và đạt được những giá trị cụ thể phục vụ cho tổ chức Đoàn. Chỉ tiêu phải có cơ sở để đánh giá, kiểm đếm”, anh Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Anh Lê Quốc Phong cũng nêu rõ: Đoàn cần thể hiện vai trò trách nhiệm trong việc có các giải pháp phổ cập bơi, phòng chống đuối nước và phòng chống tai nạn thương tích cho thanh thiếu nhi; giải pháp thay thế khái niệm thanh niên chậm tiến, cũng như tiêu chí đánh giá, xếp loại và mô hình, phương pháp thực hiện; tập hợp đoàn kết thanh niên. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cũng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến về nội dung triển khai chương trình, dự án đồng hành, hỗ trợ và phát triển thanh thiếu nhi.

Hội nghị cũng đã trao đổi, cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo kiểm điểm của BCH T.Ư Đoàn khóa X trên tinh thần thẳng thắn đánh giá kết quả lãnh đạo, điều hành, vận hành của Ban Thường vụ, Ban Bí thư để chỉ ra đúng, trúng kết quả đạt được, nguyên nhân hạn chế. Đối với Dự thảo Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hội nghị có các ý kiến về sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú; kiện toàn nhân sự; nhiệm kỳ đại hội Đoàn tại các trường đại học, cao đẳng… Ghi nhận các ý kiến, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cho biết, Đoàn sẽ tiếp tục có các đánh giá, phân tích và khảo sát để đưa ra giải pháp.

MỚI - NÓNG