Càng giàu càng dễ cô đơn

Càng giàu càng dễ cô đơn
TP - Càng giàu có về vật chất càng khó kiếm bạn thân, khó có sự chia sẻ khiến không ít bạn trẻ rơi vào cô đơn và những hệ lụy - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết.
Tăng cường giao lưu, chia sẻ để tránh bị cô đơn Ảnh: Trọng Phú
Tăng cường giao lưu, chia sẻ để tránh bị cô đơn Ảnh: Trọng Phú.

Tâm sinh lý biến đổi nhanh

Ông nghĩ sao về xu hướng cô đơn trong giới trẻ?

Xã hội ngày một cởi mở, có nhiều thông tin, cạnh tranh cũng nhiều hơn và người ta đang lao vào guồng quay ấy khiến các giá trị cuộc sống thay đổi. Xu hướng cô đơn chỉ chiếm một bộ phận nhỏ trong giới trẻ.

Đây là vấn đề tâm lý lứa tuổi khi họ đang trải qua giai đoạn tâm, sinh lý với sự biến đổi rất nhanh, nhưng sự trưởng thành về mặt xã hội có thể bị chậm đi so với thế hệ trước. Nhiều em bước vào chuyện yêu đương khá sớm, nhưng lại bối rối khi xử lý các tình huống trong tình yêu.

Trên internet, không ít bạn trẻ than thở, họ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, thưa ông?

Đây là vấn đề của xã hội, khi những giá trị của cuộc sống, của cộng đồng đang thay đổi, nhưng sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau lại suy giảm. Tỷ lệ gia đình bị khủng hoảng, tan vỡ nhiều hơn và tất nhiên bạn trẻ trong những gia đình này dễ rơi vào trạng thái cô đơn.

Về phía giới trẻ, áp lực học hành lại rất lớn. Việc huấn luyện kỹ năng sống cho giới trẻ còn ít, bố mẹ ít am hiểu tâm sinh lý của con, ít chia sẻ những mối quan tâm của trẻ nên không ít bạn cô đơn trong gia đình.

Thiếu sự sẻ chia

Theo ông đối tượng nào trong giới trẻ dễ bị cô đơn nhất?

Tâm trạng này thường rơi vào những bạn trẻ có điều kiện sống tốt hơn và có thể ở thành phố nhiều hơn, thậm chí trong những gia đình dư thừa vật chất. Cuộc sống càng dư thừa có thể càng khó kiếm bạn tốt, khó kiếm được sự sẻ chia chân thành nên họ dễ cô đơn.

Trong khi đó, nhiều bạn trẻ phải lo cơm áo gạo tiền, chia sẻ các khó khăn với cha mẹ, có mục tiêu cuộc sống rõ ràng thì hiếm khi vấp phải tình trạng cô đơn.

Khi giới trẻ cô đơn, họ thường tìm đến ai để tâm sự? Có gì khác giữa 20 năm trước và bây giờ?

Thường các bạn tâm sự với bạn bè cùng lứa tuổi, cùng học, cùng nơi cư trú; Tiếp đến là gia đình, người thân, thầy cô giáo. Ngày trước thầy cô giáo gần gũi với chúng tôi hơn và có sự chia sẻ thực sự. Bây giờ, với gia đình nào bận lo cuộc sống, làm giàu sẽ thiếu chia sẻ với các em; thầy cô giáo nay cũng ít gần gũi với các em hơn trước nên sự chia sẻ khó hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam,
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam,.

Xã hội thay đổi nhanh và giới trẻ hứng chịu đầu tiên?

Khi xã hội thay đổi nhanh, tất cả các nhóm xã hội đều bị chi phối, nhưng giới trẻ chịu nhiều khó khăn hơn, bởi kinh nghiệm, vốn sống ít hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng hầu hết giới trẻ có thể đối phó được; nhiều em thành đạt, vươn lên từ khó khăn, khẳng định bản thân từ lúc ít tuổi.

Xét về mặt tâm lý cá nhân, người trẻ cô đơn thường có sức chịu đựng kém nhất và dễ bị sa ngã trước khó khăn, thử thách.

Bối rối trước giá trị mới

Điều giới trẻ hiện nay bối rối nhất theo ông là gì?

Dường như nhiều bạn trẻ chưa nắm được mục tiêu sống trong bối cảnh nhiều giá trị cuộc sống thay đổi nhanh theo hướng thực dụng hoặc bị đảo lộn, trong khi giá trị mới chưa hình thành. Con đường đi, định hướng tương lai thường khiến nhiều bạn bối rối.

Văn hoá phẩm bên ngoài tràn vào vẽ ra một số giá trị mới. Mặt khác những vấn đề xã hội cũng làm giới trẻ băn khoăn. Ví dụ, những gì nhà trường và gia đình trao truyền thì thực tiễn xã hội nhiều khi lại cho câu trả lời khác hẳn.

Những nhà tâm lý ở đường dây tư vấn khẳng định nếu chia sẻ được, có lẽ nhiều bạn trẻ đã không tìm đến cái chết?

Điều đó hoàn toàn đúng và đặt lại vấn đề là những giá trị xã hội, cộng đồng, gia đình, sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau đang mất đi, là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều bạn trẻ cô đơn. Thế nên, bạn trẻ cần sự chia sẻ và tìm kiếm người tâm sự đôi khi không phải là người thân trong gia đình.

Cảm ơn ông!

Đa số hay, giỏi, tốt

“Đối với giới trẻ cần có cái nhìn tích cực và lạc quan. Đa số bạn trẻ là hay, giỏi, tốt và chỉ bộ phận nhỏ kêu than. Tôi nghĩ, ở xã hội càng phát triển sự cô đơn càng phổ biến hơn. Sự phổ biến của lối sống cá nhân, sự suy giảm các giá trị xã hội, cộng đồng... khiến cho người ta cô đơn hơn” - TS Nguyễn Xuân Mai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG