Cảnh báo các kiểu lừa sinh viên

Cảnh báo các kiểu lừa sinh viên
Gần đây, xung quanh các trường học, thường xuất hiện những kẻ xấu lừa gạt tân sinh viên. Không chỉ trên đường phố, nhiều trò lừa gạt đã đi vào tận các dãy phòng trọ của SV.
Cảnh báo các kiểu lừa sinh viên ảnh 1

Thoạt nhìn thì giống như điện thoại thật nhưng bên trong chỉ là "đồ chơi"

M. (SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) ấm ức kể lại:

"Hôm đó mình về trễ, gặp trời mưa nên ở lại trú mưa gần cổng trường. Bất thình lình có hai "thằng" cũng ghé đến trú.

Đứng một lát, tụi nó bỗng kéo tay áo lên, chỉ cho mình những vết kim tiêm trên người rồi bảo: bây giờ tụi tao đang cần tiền gấp.

Rồi tụi nó gạ gẫm mình đổi chiếc điện thoại N70 của tụi nó cho mình. Còn mình đưa chiếc điện thoại thường của mình cho tụi nó với bao nhiêu tiền cũng được. Về nhà, kiểm tra lại chỉ là điện thoại giả. Bên trong toàn đồ nhựa...".

Kể xong, M. còn đưa cho tôi xem chiếc điện thoại đã bị đổi. Hỏi thăm nhiều người, tôi phát hiện ra trường hợp của M. không phải là quá hiếm. Hóa ra, những kẻ xấu ấy thường cầm hai chiếc điện thoại, một thật, một giả đi lừa gạt các SV nhẹ dạ.

Gần đây, ở khu vực gần làng ĐH (Thủ Đức, TP.HCM), các tay lừa đảo nhắm vào những người thường không rành về xe cộ như nữ SV.

Thông thường họ đi thành nhóm khoảng 3-4 người để thay phiên nhau chạy theo xe của các nữ SV đang đi trên đường để nhắc nhở "xe của em bị cháy rồi kìa"!

Trước đó, họ đã dùng chiêu lừa gạt bằng cách ném một miếng cao su đang cháy dính vào xe của người đi đường, do xe đang chạy nên miếng cao su vừa dính bị gió thổi tắt nhưng vẫn còn bốc khói. Rồi có hai người đón đầu phía trước vờ sửa xe để lừa tiền. "Thân chủ" vì không biết nhiều về xe cộ nên lo sợ và rơi vào "bẫy".

T. (SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) cho biết: "Mình cũng từng gặp trường hợp như vậy. Có tới mấy người chạy theo mình la cháy trên đường mình về ký túc xá. Nhưng lúc đó, mình không quan tâm vì đinh ninh rằng: xe mới mua lại là xe xịn thì sao lại cháy chứ!

May mà mình không quan tâm, cũng chẳng thèm nhìn lại xe cộ, chạy một mạch về ký túc xá. Chứ nếu mà nhìn xuống thấy khói chắc mình cũng... bị lừa lắm!".

Không chỉ trên đường phố, nhiều trò lừa gạt đã đi vào tận các dãy phòng trọ của SV. Thường thấy nhất là việc giả dạng nhà sư hay người đại diện các trung tâm mồ côi đi bán nhang, bán tăm, quyên góp.

Hầu hết các SV là những người có "sẵn tiền" ở phòng và nhất là tốt bụng, thích giúp đỡ người khác. Kết quả không ít bạn SV sẵn sàng bỏ ra hàng chục ngàn đồng để đổi lấy vài bó tăm hay một bó nhang.

N. (SV Trường ĐH Giao thông vận tải) cho biết: "Mình vừa "ủng hộ" xong, thấy sư cô đó đi vào dãy nhà trọ bên cạnh. May thay, lúc đó chú chủ nhà trọ có nhà, ra hỏi: đi đâu đó? Và sau khi bị chú vặn hỏi đủ điều, không giải thích được, cuối cùng "sư cô" bảo rằng đi tìm bà con trọ ở đây.

Mình đứng nghe thấy, tức mình vì bị lừa. Lát sau, chú chủ nhà còn cho biết thêm là có nhiều trường hợp giả danh như vậy, rồi nhân lúc vắng người "chôm đồ" bỏ đi".

Mong rằng các bạn SV hãy thật tỉnh táo khi gặp những trường hợp như trên. Và cũng rất mong các bạn đừng vì xấu hổ mà giấu giếm, hãy công khai những "cú lừa" mà bạn gặp để mọi người cảnh giác và cùng nhau giải quyết.

Theo Bảo Thủy
Thanh Niên

MỚI - NÓNG