Cậu bé làm đồ gỗ bằng... chân

Cậu bé làm đồ gỗ bằng... chân
Từ một người tàn tật học việc, đến khi tròn 19 tuổi, Sơn không những khẳng định được "chân nghề" của mình. Sơn còn trở thành một người "độc nhất vô nhị" làm mộc bằng chân ở Hà Tĩnh.
Cậu bé làm đồ gỗ bằng... chân ảnh 1

Lê Hồng Sơn và đôi chân thay tay. Ảnh: Công an Nhân dân 

Lê Hồng Sơn sinh năm 1979, là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh em ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Vừa lọt lòng chẳng được bao lâu thì một cơn sốt thập tử nhất sinh đã khiến thân thể Sơn trở nên tật nguyền.

Sau thời gian dài kiên trì tập luyện, kỳ diệu thay, một hôm cậu bé cũng có những bước đi tập tễnh đầu tiên.

Thời gian mới biết đi, những lúc người nhà của anh đi vắng, Sơn thường lê sang xưởng mộc của bác hàng xóm bên cạnh, ngóng theo tiếng đục, tiếng cưa. Sơn kể: "Ban đầu cũng chỉ là để cho đỡ buồn, nhưng rồi tui đã thực sự bị lôi cuốn bởi thứ âm thanh ấy".

Và, cuối cùng anh nài nỉ bác chủ xưởng mộc kia cho được học nghề. Nhìn những động tác kì dị bằng chân của Sơn lúc anh mới nhập nghề, ai cũng ái ngại. Tuy nhiên, thấy anh chăm chỉ học hành, bác thợ cả trong xưởng mộc dần dần cũng bày cho cách tập cưa, đục.

Sơn tâm sự: "Tui tập làm cho khuây nhưng thấy tui làm bằng chân ai cũng ngạc nhiên. Khi về nhà nhiều hôm, tui khóc thầm vì đau mà không dám kêu lên, sợ bố mẹ la mắng. Đến lúc hai chân sưng tấy, gia đình phát hiện phải đưa đi bệnh viện điều trị, từ đó cấm không cho đến xuởng mộc nữa".

Bị mẹ cấm, nhưng những lúc ở nhà, Sơn lại lôi những cái bàn, chiếc ghế hay các vật dụng trong nhà bị hỏng đưa ra mày mò đóng lại. Dần rồi đôi chân trở nên chai sạn và không còn đau nữa. Trong xóm, hễ nhà nào có vật dụng bằng gỗ bị hỏng, cũng đến nhờ Sơn sửa giùm. Lúc thì cái bàn hư, khi cái giường hỏng, anh vui vẻ nhận lời và tuyệt đối không hề lấy tiền. Thấy gia đình hoàn cảnh vất vả nên bà con cho củ khoai, lon gạo để trả công anh.

Những việc làm của Sơn bắt đầu từ những chiếc bàn ghế đến những hàng cấp cao như giường, tủ ly… Nhận được hàng là Sơn lại lao vào công việc làm ngày làm đêm để kịp giao.

"Người ta làm bằng tay thì nhanh, còn mình làm bằng chân thì phải làm việc gấp 3, 4 lần. Nhiều khi làm thâu đêm mới kịp cho khách. Chưa hài lòng với những sản phẩm của mình, thế nên tui tìm đến những xưởng mộc lớn để nhìn theo rồi về làm lấy” - anh nói.

Tưởng học làm bằng chân đã khó nhưng học chạm trổ, hoa văn lại càng khó hơn, Sơn quyết tâm khắc phục để vừa có đường nét hoa văn vừa chất lượng không kém những thợ chuyên nghiệp từ Hà Nam vào.

Từ một người tàn tật học việc, đến khi tròn 19 tuổi, làm mộc bằng chân đối với Sơn trở nên điêu luyện, không những khẳng định được "chân nghề" của mình mà trở thành một người "độc nhất vô nhị" làm mộc bằng chân ở Hà Tĩnh.

19 tuổi, với sự nỗ lực để chiến thắng bản thân, Sơn đã tự tạo cho mình có một nghề tự lập không phải phụ thuộc vào bố mẹ, người thân nhưng cái xưởng gỗ nơi anh dựng tạm không mấy khá giả. Hơn nữa, cũng không có điều kiện để anh khẳng định bản thân.

Sơn hy vọng một ngày nào đó mình có tiền mở một xưởng mộc to, có đủ trang bị đồ nghề. Rồi một lần tình cờ bên chiếc đài thu thanh, anh nghe thông tin ở Trung tâm Xúc tiến việc làm tỉnh cần người dạy mộc, niềm hi vọng của anh lại được nhen nhóm.

Sáng sớm, anh cơm gói thuê xe xuống trung tâm để xin thử việc. "Nhìn thấy tui, họ từ chối ngay. Tôi nằng nặc xin thử việc rồi họ cũng cho" - Sơn nói. Sau ngưỡng cửa đó, Sơn lại là người lấy được nhiều cảm tình với các thầy cô, bạn bè trong hội.

Khi được nhận vào Trung tâm làm hướng dẫn dạy nghề, anh vừa học hỏi bạn bè vừa đem kinh nghiệm bao năm tự học được để áp dụng cho từng học viên. Nhờ thế ai cũng khâm phục trước phương pháp của anh. Những học trò do anh đào tạo khi ra trường có tay nghề ổn định.

Thời gian dạy nghề tại Trung tâm, Sơn luôn trăn trở vì phần lớn những người mà anh đào tạo là trẻ em mồ côi, người lang thang cơ nhỡ không có ai nương nhờ… Đào tạo xong, ra nghề lại không có việc làm thế nên có nhiều trường hợp đành quay về con đường sống bụi đời.

"Những lúc rảnh ngồi nhìn đám học trò của mình mà trong lòng tôi trỗi lên khát khao có một xưởng mộc để nhận chúng vào làm" - anh Sơn nói. Rồi anh tranh thủ những lúc rảnh rỗi, một mình trên chiếc xe lăn tìm đến các quán mộc để liên hệ, tìm việc làm cho các em. Anh băn khoăn, trăn trở cho học trò của mình mà không ngủ được.

Anh quyết định bỏ dạy về quê bàn tính với gia đình mình, thế chấp mảnh vườn đang ở để lấy tiền mở xưởng gỗ. Nhưng số tiền làm vốn chẳng được bao nhiêu. Cái xưởng nhỏ mà anh thuê mặt bằng dưới thị xã cũng chỉ giúp được cho trên dưới 10 người có việc. Chẳng bao lâu thì xưởng gỗ cũng giải tán. "Xưởng mộc đóng cửa làm không phải vì thiếu hàng, thiếu khách mà chỉ vì ít vốn không sắm nổi thiết bị máy móc" - anh Sơn bùi ngùi kể.

Xưởng đóng, công việc tại Trung tâm cũng dở dang, anh đành về quê rồi mua một mảnh đất nhỏ tại làng Phú Hưng dựng quán nhận đóng bàn ghế cho học sinh các trường trong tỉnh. Dù vậy xưởng mộc của anh hàng ngày cũng tạo được cho khoảng hơn 30 lao động, hầu hết từ cảnh đời éo le bất hạnh trong làng có công ăn việc làm.

Những sản phẩm bằng mộc do xưởng anh làm ra có uy tín nên không chỉ phục vụ nhu cầu trong huyện mà lan rộng ra ngoài tỉnh. Thế nên, khách đến đặt hàng càng lúc nhiều hơn.

Đáng trân trọng, năm 2004 đến nay, Sơn liên tục đón nhận Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, và cấp tỉnh, huyện. Trên chiếc xe lăn do anh tự tạo lấy, ngày ngày Sơn lại tranh thủ sau giờ lao động, lăn lội tìm đến các cơ quan, cá nhân để giao dịch nhận đặt hàng.

Khi chúng tôi hỏi về những vất vả của bản thân thì anh cười và câu trả lời lại là: canh cánh nỗi niềm có được một nguồn vốn để mở xưởng gỗ lớn hơn. "Tui khát khao vay mượn được số tiền mở lại xưởng gỗ để tạo việc làm cho chúng, được người nào quý người đó - đời tui khổ nhiều rồi, nhìn chúng bơ vơ tui thực sự không thể cam lòng" - anh Sơn ước vọng

Theo Công an nhân dân

MỚI - NÓNG