Câu chuyện cảm động đằng sau một bức ảnh

Câu chuyện cảm động đằng sau một bức ảnh
TP - Năm năm trước, khi chưa đầy hai mươi tuổi, Thảo cưới chồng, sang Đài Loan, nhưng mới vài ngày đã phát hiện mình bước lên con đường gập ghềnh nhất của đời người.
Câu chuyện cảm động đằng sau một bức ảnh ảnh 1
Thảo (trái) và tác giả chụp ảnh tại Đài Loan

Khi Thảo ba tuổi bố vào ngục, mẹ lấy chồng. Rồi bố mẹ đều có gia đình riêng, cô từ nhỏ đã phải nếm đủ mùi khổ nạn, là một đứa bé mồ côi tuy còn cả cha mẹ, cô như con chó hoang, bốn tuổi khắp mình ghẻ lở đi ăn nhờ ở đậu khắp lượt nhà họ hàng. Cứ thế mười mấy năm sau.

Cô tưởng rằng khi kết hôn với người chồng Đài Loan thì sẽ bắt đầu cuộc sống êm đềm hạnh phúc. Khi lấy chồng, cô không còn lại mấy những ký ức vui vẻ về Hà Nội nơi cô sống hai mươi năm.

Nhưng người chồng hơn cô mười tuổi hóa ra bị bệnh trầm uất nên thường có ý tự sát và từng có hành vi tự tử. Sau khi cưới vợ, bệnh tình anh ta càng nặng hơn, dường như việc bên anh ta có thêm một cô gái xinh đẹp, trẻ trung càng chỉ làm tăng thêm cái cớ để tự tử. Hôn nhân biến thành giày vò và tàn khốc. Bố mẹ chồng quá thương con dâu, đành cho cô về Việt Nam, chờ chữa bệnh cho con trai khỏi rồi lại đón con dâu sang.

Nào ai ngờ đâu, lần thứ hai Thảo sang Đài Loan lại là để đưa ma chồng. Chồng cô tự tử mấy lần đều thất bại, nhưng lần cuối cùng anh ta đã thành công.

Vào đúng lúc đó, khi tang lễ xong xuôi, cảnh sát thành phố Trung Hòa đến nhà chồng Thảo, đòi cô phải về nước mà không cho gia hạn thêm thẻ cư trú. Chồng chết rồi, con chưa có, không được phép ở lại Đài Loan nữa, trước pháp luật Đài Loan thì Thảo không có cớ gì ở lại đây nữa.

Hơn hai mươi tuổi, không nhà, chết chồng, bị quy định khắt khe của Đài Loan đuổi về, về cũng không nơi nương tựa, Thảo không có hồi ức, không có hy vọng, từ nay về sau tương lai Thảo sẽ ra sao?

Nhiều đêm cô nằm khóc đỏ mắt, nghĩ đến con đường dài dằng dặc phía trước, không hơi ấm, không biết về đâu, cũng không nhà cửa, cô sẽ ra sao?

Ngày đó tôi vừa dọn nhà từ Cao Hùng lên Đài Bắc, trong công việc tôi cũng quen thân một số người tốt, tôi hứa với Thảo sẽ dẫn cô đến ông Nghị viên Viện Lập pháp của Đài Loan mà tôi quen để can thiệp giúp cô, chống lại quy định này của pháp luật, ít nhất cũng đòi lại cho cô ít quyền lợi ngoại lệ là những gì đáng lẽ cô phải được đàng hoàng hưởng.

Theo quan niệm của người Việt Nam, người con gái sau khi đã lấy chồng mà bị nhà chồng đuổi về nhà mẹ đẻ thì đó là một sự sỉ nhục rất lớn. Bố mẹ chồng Thảo đã không đuổi cô thì thôi, tại sao Chính phủ Đài Loan lại có thể đuổi con dâu nhà người ta đi?

Thật may, bố mẹ chồng của Thảo cũng rất thương cô, nói nếu chúng tôi còn sống, thì không ai có thể đuổi cô dâu Việt Nam nhà chúng tôi ra khỏi nhà. Con cứ yên tâm, người Đài Loan chúng tôi cũng rất hiểu đạo lý làm người, chồng chết không phải là tội của con, con về Hà Nội cũng không còn nơi nào nương tựa, thế thì nhà chúng tôi sẽ tìm mọi cách để giữ con lại, cho con học đại học, cho con đi làm, nếu con tìm được người đàn ông tử tế khác, thì gia đình cũng sẽ chúc phúc con, vui vẻ tác thành cho con.

Ba năm nay có thể nói là thời gian hạnh phúc nhất trong đời Thảo.

Bố mẹ chồng bảo lãnh cho cô làm giấy tờ, thậm chí ông bố chồng hơn chín mươi tuổi, bán thân bất toại, cũng nửa nằm nửa ngồi trên xe lăn để cùng vợ và Thảo ra phòng Ngoại vụ của Sở cảnh sát, chứng minh cho cảnh sát là cả gia đình đều vui lòng giữ cô lại, giúp cô gia hạn thẻ cư trú. Rồi tôi hướng dẫn Thảo vào xin học tại Đại học Văn hóa Đài Loan, bố mẹ chồng nuôi cô hoàn toàn, cho cô học phí, còn mua xe máy mới và máy tính xách tay mới cho cô, hy vọng cô học giỏi.

Sau giờ học, Thảo ra cửa hàng ăn của nhà chồng giúp việc, mỗi giờ được trả 150 tệ (72.000 VND), mỗi tháng thu nhập hơn chục triệu đều cất hết vào tài khoản riêng, nhà chồng giúp cô tích luỹ tiền chuẩn bị cuộc sống sau này.

Cuộc sống hiện nay đã bù đắp những thiệt thòi trước đây của cô.

Chữ “Thảo” trong tên cô, ở trong tiếng Việt có nghĩa là “hiếu thảo, hiền thuận” (đâu phải chỉ xấu như nghĩa “ngọn cỏ” trong tiếng Hoa mà người Đài Loan hay chế nhạo). Cô không còn là một lá cỏ vô danh và bất hạnh nữa, mà đã trở thành lá cỏ may mắn, là Hạt Dẻ Cười vui vẻ trong gia đình.

Sau khi hết khóa học tiếng Hoa ở Đại học Văn hóa ra, giờ Thảo là nhân viên trực đường dây nóng của một công ty thuộc Bưu chính Đài Loan, giúp đỡ những cô dâu khác vượt qua khó khăn cuộc sống xứ người. Cô tin cô sống ở Đài Loan, bằng sức lực chính cô, xây dựng được cuộc sống mới tốt hơn, sống cho ra sống, cũng hy vọng ngày tháng sau này hạnh phúc hơn.

Hôm đó, cô gọi điện cho tôi, nói, chị ơi, em cảm ơn chị mấy năm nay an ủi động viên em, chìa cánh tay giúp em, giúp em trưởng thành trong lúc học và lúc đi làm. Giờ em có một nguyện vọng.

- Còn nguyện vọng gì nữa?

- Em đi sang đây lâu quá rồi, chưa gửi tấm ảnh nào về Việt Nam, cho bố mẹ thấy em ra sao, bố mẹ em cũng không biết lên mạng. Chị chụp cho em mấy tấm, có được không?

Tan học, tôi khoác ba lô phi ngay xe từ Cảnh Mỹ thuộc Đài Bắc đi thành phố Trung Hòa, giúp cô chụp vài tấm ảnh. Trong ảnh cô đều rất tươi tắn xinh đẹp, vui vẻ, tràn đầy sức sống.

Tôi từ sau biến cố 2004 cũng khép cửa chính mình với người quen, bạn bè cũ, nên đã lâu chưa có ảnh nào, thế là hai chúng tôi chụp chung và chụp cho nhau.

Tấm ảnh này không còn chỉ là tấm ảnh nữa, nó đánh dấu lại việc một con người đã nỗ lực sống, khi gặp những người tốt, sẽ tự mình làm chủ thời gian và cuộc đời mình.

MỚI - NÓNG
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
TPO - Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau vừa kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp treo biển hiệu tiệm vàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là trang sức kim loại màu vàng (vàng nữ trang).