“Cau già khéo bổ thì non...”

“Cau già khéo bổ thì non...”
TPCN - Trước đây, việc lập gia đình muộn thường bị coi là một trong những tội “bất hiếu”, bây giờ, cái sự “bất hiếu” ấy đang biến tướng ở dạng “lười yêu”, và chẳng  biết là nó đã vô tình trở thành một căn bệnh hay chưa.
“Cau già khéo bổ thì non...” ảnh 1
Ảnh minh họa

Tôi nhận thấy hai từ “Lười yêu” mà thế hệ @ đang dùng để nói lên hiện trạng phổ biến của giới trẻ hiện nay thật thú vị. Nghĩ đến thế hệ ông bà, cha mẹ mình ngày trước, tôi tự hỏi không biết trước đây có “cụ”nào nghĩ ra những câu từ độc đáo ấy ?

Chắc chắn là không, vì thời xưa các cụ đâu có cho phép hai từ “lười yêu” kia xuất hiện, có chăng chỉ là chuyện anh này, chị kia lười làm, biếng việc hoặc dày ăn, mỏng làm chứ đời nào các cụ để yên cho một anh chàng mặt mũi sáng sủa, “vai năm tấc rộng thân mười thước cao”, hay một chị mặt trái xoan, mũi dọc dừa, lông mày lá liễu, có hàm răng “cười như mùa thu tỏa nắng”… phải than trời rằng tại sao đến giờ này chẳng thấy (ai) yêu…!

Có lần, tôi được nghe bà nội bảo: “Ngày trước bà đến được với ông mày cũng là nhờ mai mối đấy !”, rồi bà kể, hồi đó ông tôi “tán” bà hay lắm, ngày đầu để bà mối dẫn đến, rồi hôm sau cứ… ngồi lì đấy, cả buổi chẳng nói được một câu.

Khi bố tôi, rồi các chú, các cô đến tuổi cập kê, ông bà tôi cũng lần lượt “áp dụng” biện pháp nhờ người giới thiệu để không ai được phép quá tuổi 22 mà chưa lập gia đình.

Cái cách “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy” của các cụ kể cũng khá… máy móc, nhưng đem so sánh với những cuộc tình theo dạng “mì ăn liền” rồi tiến tới hôn nhân của không ít thanh niên thời nay thì còn có khối điều phải học các cụ!

Cũng phải công nhận một điều, tuy nhờ đến mai mối nhưng hầu hết những người đáng tuổi ông, tuổi bà chúng ta đều có cuộc sống gia đình khá êm ả, hạnh phúc.

Có lẽ một phần do các cụ trọng cái tình, cái nghĩa vợ chồng, một phần do kinh nghiệm và cả…trách nhiệm của những người làm mai, cho dù đấy chỉ là những công việc bất đắc dĩ bởi trong chuyện trăm năm chẳng ai muốn là người “ôm rơm cho rặm bụng” (dân gian có câu: “ở đời có 4 cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” là vì thế!).

Thông thường, trong các vụ mai mối, người giới thiệu cũng có quá trình tìm hiểu khá kỹ càng, những thông tin về nhà trai, nhà gái thường được hai bên gia đình “thông vanh vách”.

Dĩ nhiên là cho tới khi cặp vợ chồng trẻ kia đến được với nhau thì bà mối cũng còn phải… bở hơi tai, và thường thì sau khi tác thành cho cả đôi, các cặp vợ chồng luôn coi bà mai như một thành viên trong gia đình, dòng họ mình…

Chẳng thế mà ông bà, bố mẹ tôi khi đã “lên chức” và cháu chắt đầy nhà vẫn không quên dặn con cháu nhớ đến thăm và biếu quà các ông tơ, bà nguyệt vào các dịp lễ, tết. Bây giờ, phong tục đẹp đẽ ấy hiện vẫn còn được khá nhiều gia đình  duy trì như một nét thuần phong trong các dòng họ.

Trước đây, việc lập gia đình muộn thường bị coi là một trong những tội “bất hiếu”, bây giờ, cái sự “bất hiếu” ấy đang biến tướng ở dạng “lười yêu”, và chẳng  biết là nó đã vô tình trở thành một căn bệnh hay chưa.

Theo người viết bài này, việc nhờ tới những người “mát tay” xe duyên biết đâu lại là một giải pháp tốt giúp cho những kẻ lười yêu tìm được “một nửa” để cùng nhau đi hết quãng đời còn lại.

Có thể lắm chứ, bởi các cụ (lại các cụ!) từng nói: “Cau già khéo bổ thì non. Nạ dòng trang điểm lại giòn hơn xưa” mà… Tại sao không?

MỚI - NÓNG