Cậu học trò được các thầy cô “tranh giành”

Cậu học trò được các thầy cô “tranh giành”
TP- Với số điểm 29,5 Phạm Văn Phúc trường PTTH Nghi Lộc 3, Nghệ An đã là một trong 4 thủ khoa của Đại học Y Hà Nội. Nhiều năm học phổ thông, các thầy cô đã phải “tranh giành” Phúc mỗi khi thi học sinh giỏi môn của mình.

Tìm đến xóm 12, xã Nghi Phong (Nghi Lộc, Nghệ An) hỏi nhà Phúc ai cũng biết  bởi thành tích học tập từ lâu của em đã là niềm tự hào của cả làng. Phúc không chỉ đậu thủ khoa trường Đại học Y Hà Nội mà còn đậu cả Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa Công nghệ Sinh học với 27 điểm (cả 2 trường đều chưa tính điểm ưu tiên).

Chúng tôi đến nhà gặp bố mẹ Phúc đang làm vườn dưới cái nắng oi ả của những ngày cuối hè. Bố mẹ Phúc gầy, nhỏ nhắn trông thật chất phác, phúc hậu. Bố mẹ bảo Phúc đang đi học lớp Tập huấn nghiệp vụ công tác Đoàn, “Phúc thích hoạt động Đoàn nhưng vì gia đình nhiều việc quá không có thời gian, còn lại ít ngày hè em nó hoạt động để dạy các em thiếu nhi trong xóm”.

Ngôi nhà cấp bốn trống trải, chỉ có 2 chiếc xe đạp đã rất cũ dựng ở góc nhà và một giá sách lại chỉ toàn là sách cũ, có những quyển đã nhàu nát. Thấy tôi cầm mấy cuốn sách, bố mẹ Phúc bảo: “Không có tiền mua sách mới, ai cho thì học, còn không Phúc chỉ mua sách cũ chứ gia đình không đủ tiền mua sách cho em học. Bao nhiêu tiền thưởng học sinh giỏi đều nằm trên giá sách ấy hết”. Mẹ Phúc tâm sự: “Gia đình nghèo quá, mà có lẽ là nghèo nhất cả xã này. May là Phúc từ nhỏ đã ham học”.

Hơn 5 giờ chiều thì Phúc về đến nhà, dáng người cao, gầy và đôi mắt sáng trong ánh lên vẻ thông minh, nhanh nhẹn. Phúc vui vẻ, cười nói rất thân thiện.

Sinh ra và lớn lên ở miền đất chỉ có cát trắng và rừng phi lao, gia đình có tới  6 người con, bố mẹ Phúc đã nhiều tuổi, lại hay đau ốm nên hoàn cảnh càng khó khăn hơn. Gia đình thuần nông, tất cả chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Mẹ Phúc tuy hay đau ốm nhưng hàng ngày cũng cố làm thêm nghề buôn bán đồng nát, chẳng được là bao nhưng cũng đỡ phần nào cho gia đình.

Thương bố mẹ vất vả nên Phúc chỉ học vào ban đêm, có thời gian rảnh lại ra đồng làm việc. “Những ngày học lớp 12  phải học đến 2 giờ, 3 giờ sáng thương con lắm mà không có gì bồi dưỡng, cao 1m66, nặng 48 cân… gầy quá, không thì đã đủ tiêu chuẩn để thi Học viện Quân y cho bố mẹ đỡ khổ rồi”- mẹ Phúc nói.

Tháng 6, trước khi Phúc thi Đại học mẹ đau phải vào bệnh viện đã bán mất mấy tạ lạc. Đến lúc Phúc đi thi lại lăn ra ốm, cả nhà chẳng có đồng nào, nhìn đi ngoảnh lại, lại phải bán lạc để có tiền mua thuốc tiêm chữa trị, “vậy là bao nhiêu lạc mà gia đình dành dụm, tính bán cho Phúc đi học đại học đã không còn” (mẹ Phúc ngậm ngùi kể).

Lần thi đầu tiên vào khối A, Đại học Bách khoa, sáng 2 cha con đạp xe đi thi mà Phúc vẫn trong tình trạng mệt mỏi, đau hết cả người phải bỏ thuốc trong túi để vào phòng thi uống. Đến lần thi khối B, Đại học Y Hà Nội thì cái đầu của Phúc lại không quay, ngoảnh, trở gì được chỉ nghiêng một bên, vào phòng thi phải nhờ giám thị đỡ dậy sau khi làm bài xong. “Giám thị coi thi phải phì cười khi thấy em cứ ngoẹo cổ một bên như vậy” -Phúc nói.

Thi đâu đậu đó

Gia đình khó khăn nhưng từ nhỏ Phúc đã hăng say học tập. Năm nào cũng dự thi hết huyện lại lên tỉnh. Không ít lần các thầy cô phải “rủ rê, níu kéo, tranh giành” để Phúc đi thi môn của mình, bởi mỗi lần thi chỉ được 1 đến 2 môn mà thầy cô nào cũng muốn Phúc thi môn của mình.

Thành tích học tập của Phúc thật đáng khen ngợi: lớp 4, lớp 5 đều đậu học sinh giỏi tỉnh, lớp 9 thi học sinh giỏi cấp tỉnh 2 môn Hóa học và môn Sinh học đạt giải 2 (không có giải nhất), năm lớp 10 đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học, năm lớp 12 đạt giải 2 cả 2 môn Sinh học và môn Hóa học, “thi đâu đậu đó” là biệt danh mà các thầy cô thường gọi Phúc. Không chỉ vậy kỳ thi tốt nghiệp PTTH Phúc đã khẳng định sức học của mình với 3 điểm 10 các môn: Toán, Lý, Sinh.

Thầy Hưng (giáo viên dạy môn hóa, đồng thời là chủ nhiệm) nhận xét về Phúc: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Phúc có ý chí nghị lực, đam mê học. Đặc biệt em luôn tìm những cách giải mới, nhanh, ngắn gọn”. Khi hỏi về bí quyết học Phúc thổ lộ: “Lúc học em rất tập trung, tìm phương pháp làm bài nhanh, ngắn gọn nhất. Đối với những môn thi trắc nghiệm thì làm câu nào phải chắc chắn câu đó. Em thích đọc sách nhưng sách của em còn ít quá…”.

Đậu cả 2 trường với số điểm cao nhưng Phúc chẳng phải đắn đo khi chọn trường Đại học y Hà Nội làm điểm dừng chân của mình. Ông nội vốn là nhà thuốc Đông y nên từ lúc bé Phúc đã thích tìm tòi, khám phá cây thuốc. Gia đình lại hay có người đau ốm nên ước mơ từ những ngày thơ bé  của Phúc là có thể chữa lành bệnh cho những người thân.

Khi được hỏi ngoài ước mơ thành bác sĩ thì Phúc còn muốn điều gì nữa không, Phúc tâm sự: “ Mong cho những ngày học làm một bác sĩ lành nghề của em sẽ không phải là gánh nặng của bố mẹ”…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.