Cậu học trò nhuyễn xương theo đuổi công nghệ thông tin

Sinh viên Nguyễn Bá Toàn đang theo học ngành công nghệ thông tin Ảnh: NGÔ TÙNG
Sinh viên Nguyễn Bá Toàn đang theo học ngành công nghệ thông tin Ảnh: NGÔ TÙNG
Nhiều lần gục ngã vì bệnh tật, Nguyễn Bá Toàn, cậu trò nghèo ở miền biên giới Tân Châu, tỉnh An Giang, vẫn quyết đứng lên theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. 

Năm học lớp 8, Toàn thấy sức khỏe yếu đi, hai chân hay đau nhức. Toàn được chẩn đoán mắc bệnh nhuyễn xương nhưng vì nhà nghèo, cha mẹ Toàn (làm mướn quanh năm) không có tiền đưa con đi chữa trị. Bệnh tình của Toàn ngày thêm nặng, bị hoại tử chỏm xương đùi, vẹo ngoài hai khớp gối. Dù đi lại rất khó khăn nhưng Toàn vẫn nỗ lực đến trường, hoàn thành chương trình trung học cơ sở và bước tiếp vào trung học phổ thông. Một hôm, Toàn bị ngã trên đường đi học về, gãy 3 đốt sống lưng. “Tai nạn bất ngờ ập tới buộc em phải nghỉ học dài ngày để điều trị. Suốt hai tháng trời, mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh đều gắn chặt trên giường bệnh”, Toàn kể. Sau 6 tháng điều trị tích cực, Toàn đã có thể đi lại, nhưng cơ thể bị biến dạng khá nhiều.


Toàn trở lại trường học, nhưng rồi lại trượt chân ngã, gãy cánh tay phải. “Đến tận 3 tháng điều trị em mới hồi phục và thêm một thời gian sau nữa tay mới cầm nắm đồ vật được. Việc học của em lại phải gián đoạn. Sức khỏe lúc này rất yếu. Phải tập luyện rất lâu mới đi lại được mà không phải nhờ vào gậy”, Toàn cho hay.

“Nếu bản thân mà buông xuôi, không tiếp tục theo đuổi ước mơ thì coi như cuộc đời mình chấm hết”.
 Nguyễn Bá Toàn, tân sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một 

Mong sớm kiếm tiền phụ giúp gia đình

Sau một năm gián đoạn chuyện học để điều trị, Toàn được thầy Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), nhận nuôi và hỗ trợ học hành. Tại đây, không chỉ được tạo điều kiện ăn ở, học tập, Toàn còn được thầy Vinh giúp chữa bệnh, cắt bỏ khối u tuyến cận giáp (nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý nhuyễn xương).

Không để bệnh tật đánh đổ tương lai mình, Toàn nỗ lực học tập gấp đôi, gấp ba để bù đắp kiến thức thiếu hụt trong thời gian nghỉ học trị bệnh. Một mặt nhờ bạn bè chép bài, giảng bài học trên lớp, mặt khác kiên trì đọc sách, tham khảo các bài giảng, kiến thức qua mạng. Điều gì chưa hiểu, Toàn tiếp tục hỏi thầy cô. “Sự động viên, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè cũng giúp em có động lực phấn đấu vươn lên”, Toàn thổ lộ. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, Toàn đã ngẩng cao đầu bước vào cổng Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương), bắt đầu hành trình trở thành kỹ sư công nghệ thông tin.

Toàn chia sẻ, chọn học ngành Công nghệ thông tin trước hết vì phù hợp với sức khỏe bản thân, sau đó là có thể kiếm một công việc thuận lợi để sớm kiếm tiền phụ giúp gia đình. “Học ngành này để trước tiên tự lo cho bản thân, cho cha mẹ. Ngoài ra, em cũng mong có thể góp phần báo đáp lòng tốt của những người giúp mình trước nay. Em càng phải cố gắng hơn nữa để từng bước đi lên. Em sẽ phấn đấu để đến năm 2, năm 3 đại học có thể đi làm được”, Toàn tâm sự.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.