Câu lạc bộ nói 'Không' với lý thuyết suông

Câu lạc bộ nói 'Không' với lý thuyết suông
TP - Tổ chức thành từng nhóm rất chuyên nghiệp (có nhóm việc làm, thực hành, thực tế, học kỹ năng mềm…), Fobic được giới sinh viên biết đến và phong là “pro” từ những năm đầu thành lập.
Câu lạc bộ nói 'Không' với lý thuyết suông ảnh 1
Các thành viên Fobic trong giờ thực hành làm bánh Trung thu

Nguyễn Minh Thực, Nguyễn Minh Cương và nhiều sinh viên chuyên ngành thực phẩm được biết đến với những nghiên cứu khoa học thành công và có tính ứng dụng cao.

Dự án Dầu gấc của Thực giành giải Nhất trong chương trình Khởi nghiệp của VTV3 với số vốn hỗ trợ 200 triệu đồng, dự án Cider Việt của Cương lọt vào vòng 2 của Khởi nghiệp. Hầu hết họ ra trường đều có việc làm tốt, đúng ngành và cùng chung một điểm là từng trưởng thành từ CLB Fobic (Food and biology club) của Khoa Công nghệ sinh học thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nơi ươm mầm tài năng

Minh Thực “nổi tiếng” trong giới sinh viên từ chương trình Khởi nghiệp năm 2005 với dự án Dầu gấc có tính ứng dụng và tính khả thi cao, Thực đã thuyết phục được ban giám khảo ủng hộ cho dự án của mình. Thành công bước đầu ấy giúp anh có thêm động lực, anh mạnh dạn đầu tư vài chục triệu đồng cho đồ án tốt nghiệp của mình, nghiên cứu công nghệ sản xuất dầu gấc, phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện dự án sau này. Song song với quá trình ấy, anh tổ chức thu mua gấc, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nguyên liệu khi tiến hành dự án.

“Hồi mới bắt đầu chuyển sang học chuyên ngành thực phẩm mình rất lo lắng bởi không biết học ngành này sau ra trường sẽ làm gì. Và Fobic đã cho mình câu trả lời. Lớn lên và trưởng thành từ Fobic, cái lớn nhất mà Fobic mang lại cho mình đó là lòng yêu nghề, không ngại khó, ngại khổ” - Thực chia sẻ. Hiện tại, Thực làm việc ở Cty Sữa quốc tế (ngay sau khi ra trường năm 2006, Thực được nhận vào làm việc tại Cty này).

Fobic là CLB sinh viên chuyên ngành sinh học thực phẩm của trường Đại học Bách khoa, là diễn đàn giao lưu học hỏi của hơn 100 thành viên. Những thành quả mà các thành viên đạt được phần nào khẳng định hiệu quả của Fobic trong thúc đẩy và hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học.

Hầu như sinh viên ngành thực phẩm năm thứ nhất, năm thứ hai của Khoa Công nghệ sinh học thực phẩm, ĐHBK HN đều có chung một thắc mắc “học ngành này ra sau mình làm gì”.

Đáp ứng nhu cầu lớn của hầu hết sinh viên ngành, Fobic đã tổ chức những buổi đi thực tế, đến từng nhà máy thuộc ngành công nghệ sinh học thực phẩm. Mỗi thành viên được tận mắt nhìn dây chuyền sản xuất, được hỏi chuyện quản đốc và biết được vị trí công việc của mình sẽ như thế nào trong nhà máy, biết được sau ra trường sẽ làm gì.

Và mỗi bạn sẽ định hình được mình thích làm ở nhà máy nào, biết mình cần phải học thêm điều gì và chuyên tâm nghiên cứu về nó (như tìm hiểu thị trường, tình hình sản xuất....). Giúp mỗi thành viên có định hướng nghề nghiệp và yêu nghề hơn đó là thành công lớn nhất mà Fobic đã làm được trong những năm qua.

Bí quyết: Siêng thực hành + trau dồi kỹ năng mềm

Tổ chức thành từng nhóm rất chuyên nghiệp (có nhóm việc làm, thực hành, thực tế, học kỹ năng mềm…), Fobic được giới sinh viên biết đến và phong là “pro” từ những năm đầu thành lập.

Hai tuần một buổi thực hành trực tiếp tại phòng thí nghiệm của Viện Công nghệ sinh học thực phẩm, cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô, tay nghề của các thành viên ngày một vững vàng. Những sản phẩm mà các bạn làm rất phong phú như: Dưa chuột dầm dấm, sữa chua, tương ớt, xúc xích, giò, mứt táo...

Thực hành trên công nghệ, khi mỗi sản phẩm hoàn thành, em thấy mình tự tin hơn nhiều, những sản phẩm chúng em làm đều gắn với thực tế đầu ra thị trường”. Nguyễn Thị Ngà - Trưởng nhóm thực hành chia sẻ.

Hầu hết các thành viên Fobic mà tôi gặp đều hồ hởi khoe “chiến tích” làm bánh Trung thu vừa qua: “Hì hụi học, hì hụi làm, chân tay lấm lem bột, mồ hôi lăn dài trên má, nhưng ai nấy đều vui. Không kịp làm trứng muối nhưng những chiếc bánh nhân đậu xanh, đậu đỏ xinh xắn đầu tiên đã ra đời. Tiếc là không kịp mua mật mía để làm cho vỏ bánh mềm.

Chiếc bánh có vỏ cứng, nhưng vẫn hấp dẫn, vì chúng em chưa có kinh nghiệm chuẩn bị mật mía để làm mềm vỏ bánh. Bánh được bày bán ở hội chợ ẩm thực đêm Trung thu của Viện Công nghệ sinh học thực phẩm. Chưa bao giờ chúng em bán hàng lại chạy như đợt này” - Các thành viên Fobic vui vẻ kể.

Những buổi giao lưu doanh nghiệp thực phẩm với sinh viên, hay hoạt động tổ chức hội chợ BKfood hai năm một lần của Fobic đã thu hút cả thành viên “ngoài ngành” tham gia.

Nguyễn Đức Hiển- khoa Công nghệ thông tin, nhưng đã là thành viên của Fobic được 3 năm nay tâm sự: “Khi tham gia hội chợ thực phẩm BKfood do Fobic tổ chức em thực sự ấn tượng. Ngay từ hôm đó em đã xác định mình sẽ là thành viên của câu lạc bộ này, đây thực sự là sân chơi lý thú và học hỏi được nhiều điều. Và qua vòng sát hạch phỏng vấn, em chính thức trở thành thành viên Fobic dù em không thuộc chuyên ngành sinh học thực phẩm”.

Fobic đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, như đến nhà máy chè Thanh Ba– Phú Thọ, nhà máy chè Kim Anh, Nhà máy bia Á Châu (Hà Tây), Nhà máy hoa quả Bắc Giang, Hà Nội milk, Cty bánh kẹo Hải Châu... với tần suất một kỳ hai lần. Đi nhà máy, cảm thấy lớn hơn, có nhiều bài học thiết thực hơn, những kiến thức tổng hợp từ nhiều môn học được soi chiếu và làm sáng tỏ.

Dạy kỹ năng mềm cũng là một trong những chương trình hoạt động quan trọng của Fobic. Đó là các kỹ năng: Giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, tư duy hiệu quả và quản lý thời gian. Mỗi buổi học, có nhiều tình huống được đưa ra để các bạn có cách ứng xử và giải quyết với tình huống ấy. Không có một đáp án duy nhất đúng nào, mà luôn để mở và kích thích sự tư duy.

“Học ở lớp dạy kỹ năng mềm, em thấy mình tự tin hơn khi nói chuyện trước đám đông. Em rút ra bài học là hãy nói từ từ, truyền đạt hết ý tưởng của mình và nhìn thẳng vào đối tượng mình hướng tới. Trước đây em không làm được như thế vì em rất nhút nhát”-Nguyễn Thị Bích Liên - Trưởng nhóm thực tế chia sẻ.

Học lý thuyết là cần thiết, nhưng kiến thức học được từ sách vở sẽ còn hiệu quả hơn nếu được gắn với thực tế. Mô hình hoạt động của Fobic đã đáp ứng được nhu cầu của đa phần sinh viên hiện nay đó là được “mắt thấy, tai nghe” những gì thu nhận được từ giảng đường.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.