Cầu nối với bà con người Mông

Cầu nối với bà con người Mông
TP- Chị Sa Thị Tâm (người dân tộc Thái) - Bí thư Huyện Đoàn Sốp Cộp, Sơn La, khoe: “Tôi nói tiếng Mông khá tốt rồi đấy. Lát nữa anh nghe chúng tôi hát bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng bằng tiếng Mông nhé".
Cầu nối với bà con người Mông ảnh 1
Các học viên hát bằng tiếng Mông bài "Như có Bác trong ngày vui đại thắng". Ảnh: PV

"Hai thầy giáo của chúng tôi dịch lời bài hát này sang tiếng Mông đấy” - Chị Tâm nói.

Trong tiếng nhạc âm vang rộn rã, đại úy Hà Văn Tuyên và trung úy Lý A Tú bắt nhịp cho gần 40 học viên của lớp học tiếng dân tộc Mông tại Đồn biên phòng 449 cùng hát vang bài hát Như có Bác trong ngày vui đại thắng bằng tiếng Mông. Đoạn điệp khúc Việt Nam Hồ Chí Minh vang xa cùng rất nhiều tiếng vỗ tay hoan hô...

Cuối tháng 3/2009, phóng viên Tiền Phong lên đây, chứng kiến buổi khai giảng lớp học này. Khi đó, hầu hết những người tham gia khóa học không biết tiếng Mông, những ai khá hơn cũng chỉ bập bẹ được vài ba câu như “Pủa mua lềnh nho chế?” (có nghĩa là có ai ở nhà không?) hay “Tị lầu kọ lu be hu chà?” (anh tên là gì?).  

Thiếu tá Hà Văn Kiên, Chính trị viên Đồn 449 và cũng là lớp trưởng lớp học cho biết, ban đầu, lớp chỉ có 28 học viên, sau đó tăng lên 39 người.

“Phải học vào buổi tối vì ban ngày còn bận công tác nhưng mọi người học hăng say lắm. Đi tuyên truyền, vận động bà con mà không biết tiếng thì dở lắm, không thể thành công được” - Anh Kiên nói.

Trong ba tháng liên tục, mỗi tuần ba tối, 26 bài học được cả lớp cùng nhau ôn luyện miệt mài. Ai cũng cố tranh thủ từng giây phút trên lớp học, vì biết rằng đây chính là cầu nối tốt nhất giữa họ với bà con dân tộc Mông ở địa bàn Nậm Lạnh, Sốp Cộp này.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Hoàng (chồng của chị Sa Thị Tâm), giáo viên trường THCS xã Mường Và, tâm sự: “Vợ chồng tôi nói tiếng Mông cũng tạm ổn rồi. Trước đây không biết tiếng, giao tiếp với học sinh và cha mẹ các em không mấy hiệu quả. Cứ vài tuần lại phải nhờ người biết tiếng đi cùng đến nhà học sinh vận động các em trở lại trường”.

Có một chi tiết khá thú vị là, sau khi lớp học bắt đầu được ít ngày, có ba người cùng được “thăng quan tiến chức”, theo cách nói vui của những học viên. Đó là Bí thư Huyện Đoàn Sốp Cộp Sa Thị Tâm (trước là Phó bí thư), đại úy Hà Văn Tuyên (trước là thượng úy) và trung úy Lý A Tú (trước là thiếu úy).

Thiếu úy Vũ Ngọc Quang, nhân viên vận động quần chúng Đồn 449 - một trong những học viên xuất sắc nhất khóa học, chia sẻ: “Một tháng, chúng tôi xuống địa bàn với bà con trong 42 bản của hai xã Nậm Lạnh và Mường Và ít nhất 20 ngày. Biết tiếng rồi, sẽ bớt khó khăn trong việc vận động bà con không học và truyền đạo trái phép, không trồng cây thuốc phiện và buôn bán, vận chuyển ma túy”.

Có mặt tại buổi bế giảng lớp học, Đại tá Hà Duy Hom - Chính ủy Bộ đội Biên phòng Sơn La, cho biết, những năm trước đây, đã có ba lớp học dạy tiếng đồng bào dân tộc cho cán bộ chiến sĩ biên phòng theo giáo trình của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, lớp học tại Đồn 449 là lần đầu tiên được tổ chức theo mô hình mới, dựa trên đặc điểm cụ thể của từng khu vực và nhận được sự ủng hộ của nhiều ban ngành, trong đó có T.Ư Đoàn.

“Sau khi bế mạc lớp học này, chúng tôi sẽ đề xuất để có thêm nhiều lớp học tương tự cho lực lượng biên phòng cũng như đội ngũ cán bộ cơ sở trên khu vực biên giới” - Đại tá Hom nói.

Cuối tháng Sáu, lớp học tiếng dân tộc Mông thí điểm đầu tiên ở Sơn La do Bộ đội Biên phòng Sơn La tổ chức tại Đồn 449 theo mô hình tự dạy và tự học bế mạc.

Ban đầu, lớp học có 28 học viên tham gia, sau tăng lên 39 người (trong đó có 19 cán bộ, chiến sĩ của Đồn 449; còn lại là các giáo viên, cán bộ Đoàn, cán bộ y tế, Hội Phụ nữ, văn phòng HĐND huyện…).

Kết thúc khóa học, 100 phần trăm học viên có thể giao tiếp, trao đổi đơn giản nội dung sinh hoạt hàng ngày bằng tiếng dân tộc Mông; mức độ nghe, nói đạt khoảng 40 - 50 phần trăm ngôn ngữ của đồng bào.    

MỚI - NÓNG