Cầu siêu cho liệt sỹ Thanh niên Xung phong

Cầu siêu cho liệt sỹ Thanh niên Xung phong
TP - Đại lễ trai đàn cầu siêu chẩn tế vong linh các anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong (TNXP) và cầu nguyện quốc thái dân an được long trọng tổ chức tại nghĩa trang TNXP Thọ Lộc (Bố Trạch - Quảng Bình) trên đường 20 Quyết Thắng chiều qua, 10/7. 
Cầu siêu cho liệt sỹ Thanh niên Xung phong ảnh 1
Thắp nến tưởng niệm các liệt sỹ Thanh niên Xung phong

Trong cái nắng gắt nơi nghĩa trang TNXP Thọ Lộc (Bố Trạch, Quảng Bình) chiều 10/7, bà Tạ Thị Hoán - Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Kim Bảng (Hà Nam) tay cầm nén nhang, tay cầm danh sách đồng đội hy sinh trên Đường 20 Quyết Thắng, thỉnh thoảng lại đưa cánh tay chùi nước mắt. Bà cùng những cựu TNXP đến từ miền chiêm trũng lẩn mẩn dò đọc từng bia mộ.

Trong 545 nấm mộ nơi nghĩa trang này, riêng Đội TNXP N25 Hà Nam có 98 anh chị em. Bà dừng bên ngôi mộ liệt sĩ Đào Khả Gấm, rồi dò trong danh sách. Trên bia ghi anh Gấm sinh năm 1948 quê ở Nhân Hậu - Lý Nhân, nhưng thực ra anh ấy sinh năm 1942, quê Đồng Hoá - Kim Bảng, Nhưng anh được về nằm đây với anh em là mừng lắm rồi - bà Hoán nghẹn ngào.

Ông Mai Văn Khải - 64 tuổi, Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Hà Nam cùng đoàn năm cựu TNXP vào dự lễ cầu siêu cho đồng đội: “Anh em chúng tôi muốn đi vào thăm anh chị em nằm lại nơi đây lắm, nhưng ngặt điều kiện cuộc sống, sức khỏe nên rất khó. Chúng tôi cảm ơn Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông - Cienco 5, nếu không có Cty, anh em chúng tôi còn nằm rải rác khắp nơi - Ông Khải nghẹn lời - đến giờ, nhiều anh chị em còn nằm rải rác đâu đó không biết được”.

Toàn tỉnh Hà Nam có trên 14.000 TNXP, thì có 324 người nằm xuống trên chiến trường miền Trung. Đội TNXP N25 của Hà Nam được phong tặng Anh hùng Lao động từ năm 1972, giờ đây nguyện vọng của tất thảy anh chị em là danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang.

Đến từ Hà Nội, ông Dương Kim Thành - 76 tuổi, cựu TNXP, nguyên Bí thư Đoàn đầu tiên của Ban Xây dựng 67 anh hùng - tiền thân Cienco 5 bây giờ, xúc động: “Có được những nghĩa trang dành riêng cho anh chị em TNXP đã ngã xuống trên cung đường Hồ Chí Minh, đó quả là sự tri ân lớn lao mà những thế hệ sau đền đáp với người đi trước”.

Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 là đơn vị đã xây dựng, quy tập và quản lý bốn nghĩa trang dành cho TNXP, là Thọ Lộc, Tân Ấp, Vạn Ninh và Cục công trình I, với tổng số trên 1.370 liệt sĩ. Trước lễ cầu siêu tại nghĩa trang Thọ Lộc, hôm 9/7, lễ cầu siêu cũng đã được tổ chức tại các nghĩa trang Tân Ấp, Vạn Ninh và Cục Công trình I. 

Phía trước tượng đài TNXP bề thế và nghi ngút khói hương, cán bộ, đồng bào các tỉnh, cựu TNXP từ khắp cả nước cùng bà con trên rẻo Trường Sơn đổ về dự lễ mỗi lúc một đông, trang nghiêm kính cẩn. Những ngọn nến hồng được các đoàn viên thanh niên thắp lên trên từng nấm mộ, bắt đầu cho một đêm rực sáng trên đường Hồ Chí Minh lịch sử.  

Sáng nay (11/7), tại nghĩa trang liệt sĩ TNXP Thọ Lộc (Bố Trạch), T.Ư Hội TNXP Việt Nam, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5 - Bộ GTVT) long trọng tổ chức lễ Tri ân - Tưởng niệm và Tôn vinh các anh hùng liệt sĩ TNXP cũng như toàn thể lực lượng TNXP đã hy sinh tuổi trẻ, máu xương đóng góp lớn lao vào sự nghiệp giải phóng đất nước (truyền hình trực tiếp lúc 8 giờ trên VTV1).

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.