Cây đời trên đảo Bạch Long Vĩ

Cây đời trên đảo Bạch Long Vĩ
...Trời nhá nhem tối, tại nhà khách huyện đảo thanh niên Bạch Long Vĩ, người phụ nữ da sạm đen vì nắng gió luôn tay, luôn chân phụ giúp những cô gái trẻ việc cơm nước tiếp đón đoàn khách từ đất liền cập cảng hồi chiều.

Chị là Nguyễn Thủy, thuộc lứa thanh niên xung phong đầu tiên ra xây dựng đảo Bạch Long Vĩ năm 1993. Thằng cu 16 tháng tuổi chạy quanh chân chị luôn miệng gọi các cô bằng mẹ khiến tôi thắc mắc không biết ai là mẹ của cháu.

Thấy vậy, chị Thủy nhoẻn miệng cười: “Cháu là “thanh niên xung phong” tý hon của tôi đấy. Nhà chỉ có 2 mẹ con nên chiều nào tôi cũng cho cháu lên Tổng đội chơi với các mẹ nuôi, bố nuôi cho vui”.

Đứa trẻ ấy có cái tên nghe cũng đoán là được ghép từ họ của cả mẹ và bố: Nguyễn Phan Thanh Lâm. Thế nhưng nó chưa bao giờ được cất tiếng gọi cha...

Đã 13 năm trôi qua - chị Thủy bồi hồi nhớ lại ngày đầu tiên cô gái 18 tuổi ngây thơ bước chân lên đảo. Sự hoang vu, trống vắng và khắc nghiệt xen lẫn nỗi nhớ nhà khiến cô khóc suốt 3 ngày. Cô chỉ mong con tàu xuất hiện để quay về đất liền.

Thế rồi lòng tự nhủ: “Mình là thanh niên xung phong, cớ sao lại lùi bước?” đã khiến cô mạnh mẽ hơn để động viên những bạn gái khác cùng nhau ở lại. 1 năm, 5 năm rồi cả đến chục năm trôi qua, nhiều người phụ nữ cống hiến xây dựng đảo bước vào cái tuổi “đã toan về già” và sự thiệt thòi, cũng đến với họ: duyên không đậu, tình thì bay đi.

Chị Thủy cũng như mấy người bạn cùng lứa buồn tủi nhìn gia đình người ta sớm tối ríu rít tiếng trẻ thơ. Chị quyết định trở lại đất liền tìm người ấy, người không ra đảo và đã lập gia đình với cô gái khác để... xin một đứa con.

“Đó là những ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi. Tôi cứ ngỡ quyết định của mình sẽ bị gia đình, bạn bè chê trách. Nhưng đáp lại sự lo lắng ấy, những đồng đội đã dang rộng vòng tay giúp đỡ tận tình mẹ con tôi ngay từ lúc cháu mới biết máy chân, máy tay trong bụng”- chị Thủy tâm sự.

Khi cái thai được 24 tuần thì xảy ra sự cố có nguy cơ cướp đi sinh mạng đứa bé bấy lâu chị mong chờ. Mặc ngoài khơi đang nổi bão cấp 6, cấp 7 những người đồng đội lập tức thuê chiếc tàu tốt nhất đưa chị vào đất liền cấp cứu.

Tàu đi được 2 hải lý thì chết máy, lại phải hô hào nhau kéo vào... Nửa đêm nhận được tin khẩn, nữ Tổng đội trưởng TNXP Hải Phòng Đào Thị Vinh quyết định cho tàu Bạch Long rời đất liền ra khơi và thức trắng đêm chỉ đạo việc cấp cứu mẹ con chị Thủy.

Vật lộn suốt đêm, tàu tới đảo lúc 5 giờ sáng. Những tưởng chị Thủy sẽ dễ dàng vào tới bệnh viện vì theo dự kiến tàu sẽ vào đất liền lúc 9 giờ thì trời nổi giông, biển động thét gào dữ dội lại tiếp tục thử thách chị và những đồng đội. Tàu bị sóng đánh lạc tới vùng biển Thanh Hóa và mãi 4 giờ chiều mới về được cảng Hải Phòng.

Chị Thủy may mắn giữ được cháu bé và ở lại đất liền tới khi thằng cu được hơn 2 tháng mới trở lại đảo… Giờ đây, mặc dù không có người đầu gối, tay ấp sớm tối nhưng chị Thủy luôn cảm nhận và tận hưởng một hạnh phúc trọn vẹn bởi chị được làm mẹ, cháu Lâm con chị có nhiều bố, mẹ với tất cả tình thương yêu hơn mọi mong đợi.

Những khi chị bận bịu hay ốm đau, những cô gái, chàng trai TNXP trên đảo thay nhau đón đưa, chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho cháu bé… Đó chỉ là một trong rất nhiều nghĩa cử tốt đẹp mà những người thanh niên trên đảo dành cho nhau.

Giờ phút chia tay với đảo thật lưu luyến. Những cánh tay của TNXP thô ráp, mạnh mẽ và chân tình đang giơ lên vẫy mờ dần khi sóng biển cứ đầy lên. Biển ôm lấy đảo, đảo ôm trong mình những người con nghĩa tình, chọn cho mình lý tưởng “không chịu sống đời nhỏ nhoi”, hy sinh một đời xây dựng đảo đẹp tươi giữa biển khơi. ở nơi xa xôi và còn nhiều khó khăn, thiếu thốn ấy, tình người thật chứa chan…

MỚI - NÓNG