'Cây gậy dẫn đường' cho những mảnh đời éo le

Hội Sinh viên ĐH Đà Lạt tặng quà cho các em nhỏ ở lớp học tình thương. Ảnh: HSV
Hội Sinh viên ĐH Đà Lạt tặng quà cho các em nhỏ ở lớp học tình thương. Ảnh: HSV
TP - Câu lạc bộ (CLB) sinh viên tình nguyện của ĐH Đà Lạt duy trì hoạt động 2 lớp học tình thương hơn 10  năm nay, giúp nhiều em thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng- được ví như “cây gậy dẫn đường” cho những mảnh đời thiếu may mắn.

Ðồng hành cùng trẻ em lang thang cơ nhỡ

Quang Minh, cậu bé mồ côi phải vào tá túc ở Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Lâm Đồng ngày nào giờ đã là sinh viênkhoa Ngữ văn ĐH Đà Lạt. Ngay sau khi trở thành sinh viên khoa Ngữ văn, Minh liền đăng ký tham gia Câu lạc bộ (CLB) sinh viên tình nguyện và đầu quân vào nhóm Ngôi Sao Xanh để kèm cặp các em nhỏ ở Trung tâm BTXH Lâm Đồng. Trở lại “mái nhà xưa”, Minh được thấy lại hình ảnh của mình trong đám trẻ nghịch ngợm, phá phách, khó bảo và lười học. Một số đứa trẻ khác thì tự ti, mặc cảm và có phần tự kỷ.

'Cây gậy dẫn đường' cho những mảnh đời éo le ảnh 1 Sinh viên ĐH Đà Lạt dạy chữ cho trẻ em khiếm thính. Ảnh: HSV

“Tôi thường động viên các bạn hãy tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, sống một thời tuổi trẻ sôi nổi, cống hiến, qua đó rèn luyện bản thân, để khi thanh xuân qua đi, nhìn lại thấy luôn tự hào”.

Anh Phan Anh Tuấn, Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Đà Lạt

Từng trải qua hoàn cảnh như các em, Minh nhanh chóng biết cách tiếp cận, đồng hành cùng trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Trước mỗi buổi học, Minh và các bạn sinh viên thường kể chuyện cười hoặc tổ chức những trò chơi nhỏ, mới lạ để các em vui vẻ, xóa bỏ những mặc cảm. Nhờ vậy các em tự tin chia sẻ mọi chuyện với các anh chị,hào hứng học và tiếp thu bài vở nhanh hơn. Minh còn tận tình chỉ bảo cho các em những kỹ năng hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng giải quyết một vấn đề. Với cách tiếp cận gần gũi như một người anh trong gia đình với các em, Minh đã giúp các em hiểu được nhiều điều, cởi mở bày tỏ những khúc mắc trong lòng và siêng học hơn.

“CLB sinh viên tình nguyện ĐH Đà Lạt còn có tên là “Nhà mình”, khiến mỗi thành viên cảm thấy thân quen, gần gũi với nhau như người nhà. Sinh viên chúng em đã mang cái không khí “Nhà mình” ấy vào Trung tâm BTXH, thường xuyên trò chuyện để thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của các em. Từ đó có cách hỗ trợ phù hợp. Ngoài việc dạy học, nhóm Ngôi Sao Xanh còn tổ chức sinh hoạt văn nghệ, vui hội trăng rằm và tặng quà cho các em vào dịp lễ, Tết. Một khi đã thân tình, thoải mái thì các em sẽ mở lòng, ngoan hơn, mạnh dạn thổ lộ những khúc mắc và học tập tiến bộ hơn”, Vương Thị Thanh Hiền, khoa Quản trị du lịch (ĐH Đà Lạt), nói.

Mỗi năm, CLB sinh viên tình nguyện còn phân công nhau kèm cặp tất cả môn học cho hàng chục em ở Trung tâm BTXH, bất kể cấp học nào. Từ chỗ đa phần xếp loại học lực trung bình, các em đã vươn lên trung bình khá rồi khá tốt. Một số em học giỏi, đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hoặc đi học nghề và có việc làm ổn định, điều mà ngay cả các thành viên trong CLB cứ ngỡ như một giấc mơ...

“Cây gậy dẫn đường”

Vương Thị Thanh Hiền còn xung phong vào nhóm Sao Ánh Dương để hỗ trợ thanh thiếu niên khiếm thị của Hội Người mù. “Cũng có ước mơ, biết phấn đấu như bao đứa trẻ bình thường khác nhưng vì khiếm khuyết của bản thân nên các em gặp nhiều trở ngại. Từ lần đầu gặp trẻ khiếm thị, em đã thấy thương, thương lắm!Và chỉ mong có thể làm được điều gì đó giúp các em. Dạy chữ cho trẻ khiếm thị không phải dễ dàng. Bọn em đọc bài tập để các em viết chữ nổi rồi hướng dẫn cách làm bài. Sau đó, phải nhờ một bạn ở lớp lớn hơn dò lại chữ nổi xem viết có đúng không. Dù vất vả nhưng khi thấy các em học hành tiến bộ, bọn em như được truyền thêm lửa”, Hiền chia sẻ.

Bạn Hồ Thị Nhung (19 tuổi, khoa Kinh tế-Quản trị kinh doanh) cho biết sau các buổi học chiều thứ Ba và Năm, nhóm Sao Ánh Dương tập trung tại sân trường, rồi cùng đi bộ nhiều cây số để đến Hội Người mù dạy cho các em khiếm thị. Hội không có phòng học nên nhóm hướng dẫn cho các em học chữ ngay tại nhà bếp. Đối với các em đang học từ lớp 3 đến lớp 8 ở trường Phan Chu Trinh, nhóm dạy tất cả các môn học, còn những bạn lớn tuổi, không còn đến trường sẽ được hướng dẫn học tiếng Anh. Các học sinh khiếm thị đều ngoan và chăm chỉ học nên tiến bộ rất nhanh. Những dịp lễ tết, nhóm Sao Ánh Dương còn tặng quà, tổ chức chương trình văn nghệ cho các em và cô chú ở Hội Người mù.

“Đúng là ông trời không lấy hết cái gì của ai chị ạ. Tuy không nhìn thấy gì nhưng đổi lại trẻ khiếm thị là một bầu trời tài năng… âm nhạc. Các em chủ yếu dùng lời ca, tiếng đàn của mình để bộc lộ cảm xúc, tâm tư, tình cảm. Ở Hội Người mù có hẳn hai ban nhạc luôn. Có những em biết nhiều nhạc cụ và chơi tốt. Chẳng hạn như K’Kỷ và Nguyễn Văn Hoàng, học sinh lớp 7 có giọng hát rất nội lực, chơi guitar giỏi”, Hiền hào hứng nói.

May mắn được sinh ra lành lặn, các bạn sinh viên ĐH Đà Lạt tình nguyện làm “cây gậy dẫn đường” cho trẻ khiếm thị, giúp các em vượt lên những nghiệt ngã của số phận, vững bước hơn trên con đường học tập, mưu sinh... 

Sống một thời tuổi trẻ sôi nổi

Theo anh Phan Anh Tuấn, Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Đà Lạt,các hoạt động của CLB sinh viên tình nguyện đã tạo sự tự tin, năng động, hòa nhập cho các tân sinh viên.Tôi thường động viên các bạn hãy tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, sống một thời tuổi trẻ sôi nổi, cống hiến, qua đó rèn luyện bản thân, để khi thanh xuân qua đi, nhìn lại thấy luôn tự hào”, anh Tuấn nói.

Điều đặc biệt, trong số 30 sinh viên tham gia dạy 2 lớp học tình thương nói trên, nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn, cha mẹ của bạn Hồ Thị Nhung phải làm thuê làm mướn nuôi 6 chị em Nhung học hành.Ngoài giờ lên giảng đường, Nhung còn đi bán bánh mì thuê hoặc phục vụ tiệc cưới để kiếm tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày. Dẫu vậy em vẫn dành thời gian hỗ trợ trẻ em bị khuyết tật. Khi được hỏi như thế có quá sức với Nhung không, cô sinh viên ĐH Đà Lạt này cười hiền nói: “Có lẽ nhờ sức trẻ nên em không thấy mệt lắm. Với lại, nhìn tụi nhỏ thấy mình vẫn còn may mắn, em muốn đượcc chia sẻ phần nào cho những mảnh đời bất hạnh”.

Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau giờ học và vào những ngày nghỉ, Thanh Hiền phải làm thêm kiếm sống như rửa chén, phát tờ rơi, phục vụ tiệc cưới. “Khi đến các lớp học tình thương, em thấy nhiều người còn khó khăn, thiệt thòi hơn mình nhưng vẫn lạc quan. Tiếp xúc với họ em như được tiếp thêm động lực để phấn đấu”, Hiền chia sẻ.

MỚI - NÓNG