Chán quậy, quyết thành ông chủ

TP - Bỏ học khi chưa hết lớp 7 để chơi bời, quậy phá, tới lúc tỉnh ra và hối hận, cậu bé Hiếu khăn gói rời làng ra thị trấn xin học nghề, rồi từ hai bàn tay trắng làm nên cơ nghiệp. Năm nay 21 tuổi, Hiếu đã sở hữu gần 200 đàn ong, 5 con bò, 1 cơ sở sửa chữa điện cơ.
Chán quậy, quyết thành ông chủ ảnh 1

Hiếu cho bò ăn

Phạm Văn Hiếu (SN 1993) ở thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) từ bé đã lười học, ham chơi, say mê đá gà, đánh bi da… nên mới học dở lớp 6 đã không chịu tới trường nữa. Trong 8 anh chị em của Hiếu có 3 người là giáo viên, ba mẹ ít đánh mắng Hiếu mà chỉ lựa lời khuyên nhủ.

Ở nhà chơi bời suốt mấy tháng, ngấm dần nỗi buồn phiền của cha mẹ do lỗi mình gây ra, Hiếu ngày càng hối hận nhưng vẫn không chịu quay lại trường học do các bạn đã lên lớp 7. Anh trai Hiếu bèn liên hệ với một tiệm điện cơ của người quen ở thị trấn Quảng Phú cùng huyện, rồi đưa cậu em mới 13 tuổi đến xin học nghề.

Điều bất ngờ là cuộc chọn nghề bất đắc dĩ này lại khiến Hiếu rất hào hứng say mê. Hiếu tiếp thu rất nhanh, chỉ trong vòng 3 năm đã sửa chữa thành thạo các loại điện máy rồi ra mở tiệm riêng, thuê một căn nhà mặt đường liên xã nhận sửa chữa máy bơm nước, tủ lạnh, máy giặt…

Ban đầu, nhiều người không tin vào khả năng của chàng trai 16 tuổi, nhưng dần dần “tiếng lành đồn xa”, khách từ khắp nơi trong huyện đem đủ loại máy hỏng đến nhờ Hiếu “ cứu vớt”.

Mùa khô, số máy bơm nước tưới cà phê cần bảo dưỡng xếp hàng chờ, Hiếu phải thuê thêm 2 nhân công mà nhiều hôm vẫn làm không kịp, cửa hàng tấp nập khách đứng ngồi chờ đợi.

Ngoài ra, Hiếu còn nhận lại phần lắp điện từ hai nhà thầu xây dựng cho các công trình nhà ở, mỗi năm lắp được cho hơn 10 căn nhà. Trừ chi phí mỗi năm tiệm thu được gần 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Sơn, trưởng thôn Tiến Cường, cùng xóm với Hiếu nhận xét: “Dù tuổi đời còn rất trẻ, học chưa đến nơi đến chốn, nhưng Hiếu lại giỏi “hành” do đã chịu khó phấn đấu, dám nghĩ, dám làm để có được một cơ ngơi vững chắc như ngày hôm nay, quả là một tấm gương đặc biệt trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp ”.

Mở tiệm được hơn một năm Hiếu đã có tiền để dành, bèn nghĩ cách làm sao để tiền này sinh lợi. Trong một lần đi lắp điện thuê, Hiếu phát hiện chủ nhà gây được vài chục đàn ong mật mà nuôi sống cả gia đình nên tò mò học hỏi rồi quyết định đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm vào nuôi 50 đàn ong mật. Mùa thu hoạch mật và phấn hoa đầu tiên, Hiếu đã thu hồi được vốn.

Từ đó, Hiếu càng chăm chỉ nuôi và nhân đàn. Lúc rảnh Hiếu tranh thủ tìm hiểu phương pháp nuôi ong mật qua ti vi, qua kinh nghiệm của những người từng nuôi ong và mua sách học phương pháp nuôi ong về nghiên cứu. Đầu tư phát triển dần dần, đến nay Hiếu đã có 170 đàn ong mật.

Muốn có sản lượng mật cao, Hiếu phải thuê thêm hai người giúp chăm ong, chịu khó di chuyển đàn ong đến nhiều vùng khác nhau trong và ngoài tỉnh theo các mùa hoa điều, hoa cà phê, hoa cao su nên bình quân một đàn ong đạt từ 35 đến 40 lít mật/năm. Cả đàn ong mỗi năm thu trên 6.000 lít mật, trừ chi phí còn thu lời từ mật ong và phấn hoa trên 200 triệu đồng/năm.

Cuối năm 2013, Hiếu tiếp tục đầu tư gần 100 triệu đồng mua 5 con bò giống về nhờ bố mẹ tận dụng những vùng đất ẩm giáp bờ suối, bờ ao để trồng cỏ, nuôi bò vừa tăng thêm thu nhập, vừa lấy phân bón cà phê. Để quán xuyến cho hết 3 công việc ngày nào Hiếu cũng “đảo như chong chóng”.

“Nhà có 8 anh chị em, mình là con út được cưng chiều từ bé nên không chịu học hành. Khi hối hận mình đã cố gắng chăm chỉ làm lụng để tuổi xuân trôi qua không vô ích, để cha mẹ không phải buồn lòng. Muốn thành công trên những công việc mình đã chọn thì phải thực sự say mê, tâm huyết và không ngừng học hỏi kinh nghiệm”, Hiếu tâm sự.

MỚI - NÓNG