Chàng du học sinh Việt đam mê và quái tính

Chàng du học sinh Việt đam mê và quái tính
Với nghệ thuật, anh ấy chỉ có một câu nói: 'Hãy khác biệt hoặc đừng tồn tại'.

>Chuyện tình ghi-ta
>Chuyên gia... đi thi
>Nổi tiếng vì chụp ảnh với người nổi tiếng

"...Luôn tâm niệm điều này trong cuộc sống cũng như công việc nghệ thuật của mình, bởi có một niềm yêu thích không khó, nhưng để đam mê và đeo đuổi tới cùng là cả một thử thách. Sự “điên rồ” đem đến cho tôi đam mê và giúp tôi sáng tạo ra những gì khác biệt" - Đó là lời chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Quang, 26 tuổi, nổi danh với thương hiệu “Quang Fabien”.

Anh ấy là cựu sinh viên Học viện Ngân hàng và đang hoàn thành thạc sĩ của trường ESG (Ecole Supérieure de Gestion) - một trong các trường lớn về quản trị và kinh tế của Pháp. Tuy thế, niềm đam mê lớn với nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh và nhiếp ảnh đã tạo ra một chân dung Ngọc Quang đặc biệt và quái tính.

Đến với nghệ thuật một cách hoàn toàn tình cờ, ban đầu anh Quang dùng nghệ thuật để "cưa cẩm" là chính, sau đó anh đã dành dụm tiền mua một chiếc máy ảnh bán chuyên nghiệp. Rồi niềm đam mê ảnh nhen nhóm lúc nào không hay. Anh bắt đầu đi quay phim, chụp ảnh trong các cuộc thi Miss, anh tự nhận là mình có duyên với các cuộc thi sắc đẹp.

Đam mê nghệ thuật không chỉ giúp tô điểm cho cuộc sống thêm phần đa sắc mà còn mang lại cho anh nhiều cơ hội, trải nghiệm, học tập thú vị và cả những người bạn đáng quý. Chỉ với chiếc máy ảnh Canon G9, trong thời gian đầu, Quang tình nguyện quay phim chụp ảnh cho các hoạt động của trường. Sau thời gian ngắn, thấy khả năng và nhiệt huyết của anh, ban quản lý trường đã quyết định trao cho Quang công việc phụ trách quảng bá hình ảnh cho trường và tuyệt vời hơn là suất học bổng 10.000 Euro cho chương trình Thạc sĩ mà anh đang theo học. Điều này cũng là minh chứng cho quan điểm của Quang về con đường đi tới nghệ thuật không chỉ xuất phát từ một chiếc máy ảnh đắt tiền mà quan trọng hơn là nhiệt huyết và đam mê đích thực từ trong con người.

Mỗi sự vật, con người đều có thần thái và giá trị riêng của nó. Quang Fabien luôn cố gắng tìm ra những nét riêng để hướng người xem tới một cái nhìn khác với cái nhìn truyền thống. Với anh chụp người khó hơn cả và đây mới là sự thử thách, đồng thời cũng là niềm yêu thích của anh.

Con người thường biểu lộ cảm xúc rất mạnh mẽ và có những phản ứng không điều kiện khi đứng trước ống kính như xấu hổ, mất tự tin… Vì thế, khi chụp ảnh hay quay phim, Fabien rất coi trọng giao tiếp giữa người chụp ảnh, quay phim và người đứng trước ống kính.

Trước khi làm việc, anh thường trao đổi, nói chuyện với người mẫu hoặc diễn viên để tìm ra cảm xúc, cái “hồn” cho bức ảnh, đoạn phim hay đơn giản là góc khuất trong con người họ. Đây chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt mà Quang Fabien mong muốn những hình ảnh của mình có được.

Quan trọng hơn, anh cho rằng sự thành công của một bức ảnh hay phim là ở việc nó có thể khiến người xem dù thấy một lần nhưng những gì đọng lại là rất lâu hoặc mãi mãi.

Đôi khi, Quang Fabien chủ động làm “giảm chất lượng bức ảnh” để tạo ra một nét mới mẻ trong phong cách chụp của mình. Ví dụ bộ ảnh “Qaloween”, Fabien đã tạo nên sự sắp đặt cố ý. Nhưng trong nhiều bức ảnh anh chụp, những gì có được cũng vừa do tình cờ, vừa nhờ vào sự kiên nhẫn chờ đợi để có bố cục đẹp đúng ý mình.

Một tác phẩm nghệ thuật anh Quang khá ưng ý
Một tác phẩm nghệ thuật anh Quang khá ưng ý.

Quang Fabien có dáng nghệ sĩ với mái tóc dài, phong cách hơi quái dị. Thế nhưng, anh không dám nhận cho mình 2 chữ nghệ sĩ. Bởi với anh, nghệ sĩ đích thực cần kết hợp giữa đam mê và nền tảng bài bản để đạt được tới đỉnh cao. Quang Fabien chỉ dám nhận mình có một chút năng khiếu và hy sinh hết mình cho cái đẹp, cho nghệ thuật, đồng thời anh cố gắng đạt được một chỗ trong các trường đào tạo điện ảnh danh tiếng của Pháp để phấn đấu hướng tới danh xưng cao quý này.

Anh đã chấp nhận hy sinh toàn bộ thời gian, công sức, tiền bạc và thậm chí cả “tình yêu” cho niềm đam mê điện ảnh và nhiếp ảnh. 3 năm học tập và làm việc tại Pháp, Fabien đã xây dựng cho mình một studio chụp ảnh và quay phim. Anh tâm sự nhiều lúc không hiểu tại sao mình có thể làm được nhiều việc cùng một lúc đến thế, vừa đi học ở trường kinh tế, vừa làm phim, nhận các hợp đồng chụp ảnh, quay phim, vừa phải kiếm ngân sách cho những dự án của mình và tham gia giúp đỡ hoạt động của các hội sinh viên tại Pháp. Thực sự nếu không có niềm đam mê tột cùng và sự “điên rồ” thì những điều trên thật khó mà thực hiện được.

Trong thời gian ở Pháp, Quang Fabien tận dụng cơ hội gặp mặt và làm quen với các diễn viên nghệ sĩ người Pháp. Để làm phim tốn rất nhiều chi phí. Đôi khi anh vừa làm đạo diễn, vừa là diễn viên, vừa là sản xuất, biên tập vừa là hậu cần cho ekip của mình. Để kiếm tiền làm phim, anh nhận quay sự kiện, làm quảng cáo, chụp ảnh thời trang, chụp ảnh cưới cho đến làm trong rạp chiếu phim. Anh nói mình giống một “dân buôn” hơn là người làm nghệ thuật.

Trong những bộ phim và bộ ảnh của anh có cả những người mẫu diễn viên chuyên nghiệp chấp nhận diễn miễn phí đến những diễn viên và người mẫu không chuyên. Họ tìm đến với anh để cùng thỏa mãn niềm đam mê với nghệ thuật. Dường như ranh giới của sự hy sinh và niềm đam mê không còn tồn tại.

Đam mê cả nhiếp ảnh và điện ảnh, đôi khi là một cái nợ
Đam mê cả nhiếp ảnh và điện ảnh, đôi khi là một cái nợ.

Quang Fabien - một kẻ ngoại đạo với nghệ thuật. Anh kể, những kiến thức có được đều do anh tự học và mày mò. Nhưng khi hỏi là quãng thời gian học kinh tế từng đấy năm có bị lãng phí? Anh trả lời là “không”. Từng đấy năm, với anh thật là nhiều điều để học. Những kiến thức và kinh nghiệm học được trong lĩnh vực kinh tế và marketing bổ sung, hỗ trợ rất nhiều cho anh trong công việc quản lý doanh nghiệp nhỏ của riêng mình. Giờ đây, toàn bộ tâm trí của anh dồn vào mục tiêu trở thành người làm nghệ thuật chuyên nghiệp, có bằng cấp và có thể tách khỏi hai chữ “ngoại đạo” hay “không chuyên”.

Theo Phương Tú (từ Pháp)
Ione.net

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG