Chàng trai bán bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ kiếm 1 triệu/ngày

Đoàn Ngọc Phú làm nhiều nghề trước khi đi bán bánh mì.
Đoàn Ngọc Phú làm nhiều nghề trước khi đi bán bánh mì.
Đi giao bánh mì từ năm lớp 12, trải qua nhiều nghề như thợ mộc, công nhân, bán chó… cuối cùng Phú chọn đi bán bánh mì.

Đã sở hữu hẳn 3 cửa hàng bánh bánh mì kiểu Thổ Nhĩ Kỳ ở TP.Biên Hòa và Sài Gòn, mang lai thu nhập khoảng 30 triệu/tháng nhưng Đoàn Ngọc Phú (21 tuổi, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn cảm thấy chưa hài lòng. “Tuy nhiên, nếu so với quãng thời gian gian khổ, đi làm ngày làm đêm trước đó với đủ nghề thì hiện tại mình đã khá hơn nhiều rồi”, Phú chia sẻ.

Từ giao bánh mì đến đi bán chó

Ở tuổi 21 nhưng nét mặt Phú già dặn hơn hẳn so với nhiều bạn trẻ đồng lứa. Điều này cũng dễ hiểu khi chàng trai sinh năm 93 đã đi làm mưu sinh từ năm lớp 12. Anh kể, do ba sớm mất, một mình đồng lương công nhân của mẹ nhọc nhằn nuôi hai người con ăn học nên “mình muốn làm cái gì đó để tự trang trải cho nhu cầu bản thân”, cậu nói.

Trong con hẻm nhỏ nơi cậu ở có vài lò làm bánh mì nên Phú thử sức với công việc đi giao bánh mì. Ở tuổi 17, cậu dậy từ 4h sáng và chạy chiếc xe Honda 50 cũ kỹ khắp Biên Hòa, giao khoảng 800 ổ cho các cửa hàng để nhận thù lao 30 ngàn/ngày. Đến 9h sáng, xong xuôi công việc Phú lại cắp sách đến trường. Cứ như vậy, ròng rã gần một năm cho đến khi cậu ra trường.

Thay vì thi đại học, Phú lại tiếp tục đi làm thợ mộc gần nửa năm rồi chuyển sang nghề công nhân. Đây là công việc mà chàng trai có dáng người nhỏ nhắn làm lâu nhất tính đến hiện tại, gần 1,5 năm. “Có những lúc mình mặc định cuộc sống mình gắn bó với công xưởng cùng những buổi làm tăng ca đến 11h đêm, đồng nghĩa với một cuộc sống chật vật, nhàm chán”, Phú nói.

Nhưng cũng chính vì “công nhân khổ quá, mình không muốn vậy” nên Phú quyết định nghỉ. Đầu năm 2013, Phú có một chú chó Alaska và được hỏi mua với giá cao. Từ đó, cậu nảy ra ý định buôn bán chó. Được bao nhiêu tiền lời, Phú lại mua các giống khuyển về bán. Cho đến khi có trong tay 40 triệu, chàng trai dùng hết số tiền ấy đầu tư lớn để rồi mất trắng. Cậu nhớ lại: “Không may bị bệnh, toàn bộ số chó chết hết nên mình rất nản, quyết định bỏ nghề luôn”.

Chàng trai bán bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ kiếm 1 triệu/ngày ảnh 1

Mỗi ngày, Phú bán được khoảng 1.200 ổ bánh mì.

Và trở lại với chiếc bánh mì

Từ thất bại, thay vì buông tay thì Phú lại quay lại từ nơi anh bắt đầu khởi nghiệp là những chiếc bánh mì. Nhưng lần này, không còn là người đi giao hàng như cách đây 3 năm nữa, Phú chọn đi học cách làm bánh.

Chàng trai 9x xin vào lò bánh và chấp nhận làm 3 tháng không lương để học được nghề. “Ngày nào mình cũng ở trong lò từ 10h tối đến 3h chiều hôm sau. Công việc khá mệt nhưng càng làm mình càng thấy đam mê”, Phú nói.

Khi ấy, cậu có đọc được những bài viết nói về sự thích thú của người nước ngoài về bánh mì Việt Nam. Phú nghĩ, có thể khởi nghiệp từ món ăn này và về lâu dài sẽ phát triển thành một hệ thống, thương hiệu riêng cho chiếc bánh mì Việt Nam. Vì thế, sau 3 tháng cặm cụi trong lò bánh ở Biên Hòa cậu tiếp tục lên Sài Gòn học nghề. Nguyên nửa tháng, Phú đi từ 5h sáng đến 11h tối về tới nhà và phải nói dối mẹ là đi học thêm. Quãng thời gian ấy, giúp cậu biết cách làm món bánh mì kiểu Thổ Nhĩ Kỳ.

“Mình chọn làm bánh mì kiểu Thổ Nhĩ Kỳ vì thấy loại này đang phát triển, nhiều người thích mua. Tuy nhiên, đó chỉ là khởi đầu để mình có vốn, kinh nghiệm đầu tư cho chiếc bánh mì Việt Nam”, Phú dự tính.

Ra nghề, do chưa có vốn nên Phú đẩy chiếc xe bánh mì bán ở lề đường. Nhớ lại lúc mới bán, có ngày chỉ được 20 ổ và về nhà cậu lại gặp sự phản đối từ mẹ. Nhưng sau sự khởi đầu nan, công sức bỏ ra cho quãng thời gian từ 5h sáng đến 9h tối đứng ngoài đường là bán được 100 ổ mỗi ngày. Và Phú quyết định bán luôn chiếc xe máy của mình để có thêm vốn mở cửa hàng hẳn hoi.

Với sự giúp sức từ một người bạn ở Sài Gòn, Phú có trong tay 60 triệu làm vốn để mở 2 cửa hàng ở Biên Hòa và Sài Gòn vào giữa năm 2014. Và mọi sự khởi đầu không như ý, tháng đầu kinh doanh cậu phải bù lỗ, mượn thêm tiền để trả lương nhân viên.

“Sau đó, mình sử dụng nhiều chiêu khuyến mại, học hỏi cách kinh doanh từ internet, sách vở. Ngày nào cũng dậy sớm, thức khuya và suy nghĩ rất nhiều về phương hướng phát triển”, Phú tâm sự.

Đi qua những khó khăn ban đầu, cơ sở bánh mì của Phú dần đắt khách hơn. Sau tháng thứ 3 kinh doanh, cậu lại mở thêm một cửa hàng nữa ở Sài Gòn. “Hiện tại, mỗi ngày cả 3 nơi bán được khoảng 1.200 ổ, với giá từ 15 – 20 ngàn/ổ. Sau khi trừ chi phí thì mình đạt lợi nhuận khoảng 30 triệu/tháng. Tuy nhiên mình vẫn chưa hài lòng”, Phú nói.

Cậu chưa hài lòng không hẳn vì doanh thu. Theo Phú, lý do còn bởi mục tiêu là kiếm bạn đồng hành để cùng nhau đưa bánh mì Việt Nam thành một thương hiệu, đủ sức cạnh tranh với các những hệ thống thức ăn nhanh của nước ngoài vẫn chưa hoàn thành.

Trong tương lai, mình sẽ cố gắng đạt được mục tiêu đã đề ra và mở thêm lò bánh mì. Mình hy vọng chiếc bánh mì không chỉ dừng ở những xe bán ngoài lề đường như hiện tại nữa mà sẽ phát triển, được quốc tế biết đến nhiều hơn”, chàng trai dự định.

Theo Như Quỳnh

Theo Zing
MỚI - NÓNG
Khởi tố vụ án tại Công ty LIFAN Việt Nam
Khởi tố vụ án tại Công ty LIFAN Việt Nam
TPO - Phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh Hưng Yên) vừa ra quyết định khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, xảy ra tại Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN - Việt Nam, có địa chỉ tại thôn Chấn Đông, xã Hoàn Long (Yên Mỹ, Hưng Yên).
Thiên tai năm nay xảy ra phức tạp hơn mọi năm
Thiên tai năm nay xảy ra phức tạp hơn mọi năm
TPO - Năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá xảy ra hơn mức bình thường vào nửa đầu năm. Còn nửa cuối năm, mưa, bão, lũ, ngập lụt cũng xuất hiện nhiều hơn và tác động nhanh hơn đến nước ta.