Phạm Huy - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017:

Chàng trai con người thợ sửa xe đạp và Cánh tay robot…

Phạm Huy với tác phẩm "Cánh tay robot cho người khuyết tật”.
Phạm Huy với tác phẩm "Cánh tay robot cho người khuyết tật”.
TPO - Sau cuộc họp sáng 12/3, dựa trên kết quả bình chọn và bỏ phiếu kín, Hội đồng xét chọn Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu đã chính thức công bố Giải thưởng năm 2017 với 10 gương mặt trẻ. Phạm Huy thuộc thế hệ 10X, cùng với Vũ Bích Ngọc được chọn ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Ngay hôm ấy, tôi phóng về làng Bích La Hậu, xã Triệu Tài, huyện lúa Triệu Phong (Quảng Trị) tìm chàng nam sinh học lớp 12 A3 trường THPT thị xã Quảng Trị cừ khôi này.

Gặp Huy ở ngõ, em bảo đang đi học thêm tiếng Anh để nâng cao kiến thức chứ em đã trúng tuyển vào trường Đại học FPT. “Dạ em vừa đọc tin vui trên báo Tiền Phong rồi ạ!”, Huy cười vui sau kính cận.

Niềm vui vỡ òa

Phạm Huy, học sinh lớp 11A3 chuyên Hóa, trường THPT thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) đạt giải quán quân của Hội thi Khoa học-Kỹ thuật  cấp quốc gia của học sinh trung học khu vực phía Bắc năm học 2016-2017 (VISEF) với sản phẩm "Cánh tay robot cho người khuyết tật", do Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức. Sau đó, Bộ GD&ĐT có quyết định cử 2 thành viên tại Quảng Trị là em Phạm Huy và giáo viên hướng dẫn Lê Công Long tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế do Intel tổ chức (Intel ISEF 2017), từ ngày 12 đến 22/5/2017 tại Mỹ, song qua 2 lần phỏng vấn trước đó, Huy đều bị Đại sứ quán Mỹ từ chối cấp visa. Và đến lần thứ3, lúc 13h30 chiều 12/5, Sở GD&ĐT Quảng Trị nhận được điện thoại của nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại TPHCM thông báo, sẽ phỏng vấn lần 3 vào lúc 10 giờ sáng 13/5 để xem xét cấp visa cho Huy. "Cánh cửa" đến với cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế tại Mỹ của nam sinh này hứa hẹn mở ra... 22h tối cùng ngày, Huy lên máy bay đi Mỹ.

Chàng trai con người thợ sửa xe đạp và Cánh tay robot… ảnh 1 Đại diện Trường Đại học FPT trao bảng tượng trưng học bổng toàn phần cho em Phạm Huy

Vinh quang trên đất Mỹ

Rạng sáng 20/5/2017 (giờ Việt Nam), Phạm Huy đã giành giải Ba tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế 2017 (Intel ISEF) tổ chức tại California (Mỹ) với sản phẩm Cánh tay robot dành cho người khuyết tật. Đây là giải cao nhất trong 5 giải mà đoàn Việt Nam được ban tổ chức cuộc thi trao tặng. Người giành giải nhất của cuộc thi năm 2017 là một người đến từ nước Đức. Ngoài giải thưởng chính thức này, Huy còn được nhận giải thưởng phụ khác, đó là giải Ba do Viện Kỹ nghệ và Điện tử Quốc tế trao tặng trước đó một ngày. Đây được xem là một kết thúc đẹp cho câu chuyện như cổ tích của cậu học sinh trường làng này.

Chàng trai con người thợ sửa xe đạp và Cánh tay robot… ảnh 2 Phạm Huy và thầy giáo hướng dẫn Lê Công Long

Chàng trai con người thợ sửa xe đạp và Cánh tay robot… ảnh 3
Làng nghèo vui như Tết

Tôi nhớ lại ngày 20/5/2017 ấy, lúc về làng thuần nông Bích La Hậu. Quanh nhà Huy cũng toàn ruộng lúa vừa qua mùa gặt. Niềm vui tràn qua làng nhỏ này từ những giờ phút đầu tiên của ngày mới. Tờ mờ sáng, nhiều người trong xóm đã chạy qua nhà Huy chia vui. Cha Huy, ông Đính nhận tin vui lễ công bố giải thưởng của con từ những người bạn của Huy từ lúc hơn 0g. Hai vợ chồng ông mở máy tính ra ngồi xem truyền hình trực tiếp qua mạng xã hội và cùng nín thở chờ tên con được xướng lên. Ông Đính bảo: “Lúc công bố đến giải Tư, thấy các nhóm bạn của Huy lần lượt được xướng tên tui cũng nóng ruột lắm. Có thể nói là hồi hộp đến nín thở luôn. Đến khi công bố giải Ba, hai vợ chồng không nghe được tiếng Anh nhưng chỉ cần nghe đến hai chữ “Triệu Phong, Quảng Trị” là đã sướng run cả người”. Khoảnh khắc từ lúc xướng tên đến khi Huy lên bục vinh danh kéo dài khoảng gần 2 phút. Đó cũng là hai phút mà hai vợ chồng cúi mặt đến sát màn hình máy tính để nhìn cho rõ từng giây một về con. “3g sáng Huy mới có thời gian để gọi về cho cha mẹ khoe thành tích của mình. Thì ở nhà đã rộn ràng không khí chiến thắng rồi. Suốt đêm hai vợ chồng không tài mô chợp mắt được vì quá sung sướng”, bà Niềm, mẹ Huy bảo. Cụ Phạm Thị Luyện, bà nội của Huy, 73 tuổi, bảo, mấy hôm trước lúc Huy đi phỏng vấn cấp visa lần hai ở Hà Nội về thất bại, chòm xóm buồn thiu. Hôm nay nghe tin Huy được giải, cả xóm lại vui như hội. Bà Luyện là người gần gũi nhất với Huy. Bà nói, Huy có một niềm đam mê kỳ lạ với các sáng chế kỹ thuật. Phòng của Huy mấy năm qua la liệt các dụng cụ chế tạo, đồ phế liệu, các chi tiết, linh kiện điện tử. Niềm đam mê này bắt đầu ngay từ khi Huy mới là học sinh cấp hai. Huy vẫn thường “lén” bố mẹ xin bà nội tiền để đi mua linh kiện điện tử về chế tạo, lắp ráp. Cánh tay robot này cũng ra đời từ đó. Bà nội Huy nói, “số phận” của cánh tay robot này cũng lắm thăng trầm. Ban đầu, lúc Huy đưa về nhà một mớ các chi tiết lắp ráp rồi cả ngày lẫn đêm đều cắm mắt vào hàn, gắn các chi tiết bố mẹ Huy cũng lo lắm. Sợ Huy sao nhãng việc học ở lớp. Thậm chí có lúc đỉnh điểm bố Huy phải ngăn cấm Huy đụng đến mớ chi tiết điện tử này để tập trung vào việc học ở trường. Giờ nhớ lại ông Đính vẫn không quên những ngày đó. Nhưng ông nói người làm cha làm mẹ ai cũng sẽ thấy nóng ruột khi con mình quá đam mê những việc ngoài học hành như thế. “Tui cấm dữ lắm mà Huy vẫn cứ đam mê. Niềm đam mê kỳ lạ như chính là hơi thở cuộc sống của mình rứa. Nên cuối cùng tui cũng thuận cho cháu đi theo con đường ni”. Lúc đoạt giải ở Mỹ, Huy đang học lớp 11nhưng đã đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật từ nhỏ. Năm lớp 10, em đã mày mò chế ra cánh tay giả robot để cho những nạn nhân bom mìn ở quê mình có thể sử dụng được. Cánh tay này được điều khiển bằng vi mạch ở ngón chân.

Chàng trai con người thợ sửa xe đạp và Cánh tay robot… ảnh 4
Chàng trai con người thợ sửa xe đạp và Cánh tay robot… ảnh 5

Nhớ lại năm trước đoạt giải cao ở nước Mỹ, Huy bảo, em vui đến nhường nào bởi từ một người tưởng chừng như phải ngồi ở nhà xem các bạn đi thi, em được những cánh tay âm thầm đưa ra kéo em qua khe cửa rất hẹp để đến được nước Mỹ trong những giờ cuối cùng của hạn chót. Qua đến Mỹ, em phải đối chọi với 1.700 thí sinh đến từ hơn 70 quốc gia trên thế giới. Trong đó có những cường quốc về công nghệ như Mỹ, Nhật, Đức, Ấn Độ. Em nghe đến tên mình là run lên. Vừa đi lên vừa rươm rướm nước mắt. Lúc xuống khỏi bục vinh danh đi ra ngoài em đã khóc òa sung sướng.

Cánh tay robot… có gì đặc biệt?

   Đồng hạng nhất trong 5 tác phẩm sáng tạo KH-KT cho học sinh Trung học toàn quốc năm 2016-2017, là 1/8 đề tài được chọn đi dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) do Intel tổ chức tại Mỹ, vậy "Cánh tay robot cho người khuyết tật" của Huy có gì đặc biệt? Trưởng Ban giám khảo cuộc thi ISEF, PGS.TS Nghiêm Ngọc Minh-Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hệ gen (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đánh giá, sản phẩm "Cánh tay robot…" của Huy đã được hội đồng giám khảo trên toàn quốc chọn là một trong những sản phẩm đoạt giải nhất chung cuộc và được lựa chọn để dự thi quốc tế bởi phù hợp với các tiêu chí của cuộc thi. Sản phẩm “Cánh tay robot…” của Huy đã được cải tiến nhiều, có thể xoay được, cánh tay có thể cử động vuông góc, ngón tay nắm được mọi vật có lực tới hơn 10kg". Huy cũng từng tự thuyết trình về sản phẩm của mình, cánh tay robot có thể được điều khiển bằng các ngón chân thông qua vi mạch điện tử, có trang bị cảm biến chuyển động để xem người sử dụng đang đứng yên hay di chuyển; có cảm biến nhiệt để báo động khi các đồ cầm vào quá nóng, gây nguy hiểm… Với những thao tác nhịp nhàng của chân thì cánh tay robot của em có thể cầm nắm rất nhiều loại đồ vật… “Em Huy còn đã thử sáng chế của mình cho những người thương binh ở địa phương để thử nghiệm trước khi quyết định dự thi. Đây là sản phẩm mang ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn rất lớn”, PGS.TS Minh cho hay.

Thầy giáo Lê Công Long, giáo viên hướng dẫn nam sinh Phạm Huy nói, sản phẩm của Huy đã được các chuyên gia thuộc các Viện nghiên cứu về các mảng cơ khí, tự động hóa, hệ thống nhúng, nhiệt... đánh giá và cho kết quả cao. Sản phẩm của Huy được làm ra với giá 3 triệu đồng. Trên thị trường các sản phẩm cùng giá chỉ dừng lại ở cánh tay bằng gỗ hoặc nhựa mà không có mạch điện kết hợp. Những sản phẩm hiện đại điều khiển bằng sóng não  thì cơ chế vận hành khá phức tạp song giá thành cực đắt, và không có sản phẩm nào dưới 100 ngàn USD nên người khuyết tật Việt Nam chúng ta khó có thể với tới.

Chàng trai con người thợ sửa xe đạp và Cánh tay robot… ảnh 6

Cháy bỏng ngọn lửa nghiên cứu

Trở về sau thành tích đấm chuông xứ người, Huy tiếp tục dành thêm một tháng để nghiên cứu, cải tiến cánh tay robot của mình. Huy kể,em đã vẽ lại phần vỏ, đồng thời mua máy gia công tại nhà". Với cách làm này, giá thành sản phẩm giảm thêm một triệu đồng và các khớp ngón tay của robot cử động linh hoạt hơn. Với thành tích đạt được, Huy được nhiều trường đại học ở Việt Nam "tuyển thẳng". 10X quê Quảng Trị cho biết em đã chọn ngành Kỹ thuật phần mềm, Đại học FPT, với suất học bổng toàn phần. Dẫu không phải ôn thi đại học, Huy đang tập trung học các môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh (cần thiết cho đại học và việc nghiên cứu chế tạo). Chàng trai tiết lộ sau khi vào đại học, cậu tiếp tục theo đuổi việc sáng chế. Sau cánh tay robot cho người khuyết tật, Huy ấp ủ nghiên cứu loại robot nhỏ, sử dụng AI (trí thông minh nhân tạo).

Tôi  nhớ sáng 5/6/2017, tại trường THPT thị xã Quảng Trị, đại diện trường Đại học FPT đã trao học bổng Nguyễn Văn Đạo cho em Phạm Huy, học sinh lớp 11A3, người vừa đạt giải Ba Hội thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế - Intel ISEF 2017 được tổ chức tại Mỹ với sản phẩm “Cánh tay robot  cho người khuyết tật”. Huy là học sinh đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được nhận học bổng toàn phần của Trường Đại học FPT trong năm 2017. Đây là suất học bổng danh giá nhất của Trường Đại học FPT. Huy sẽ được Tổ chức Giáo dục FPT chi trả 100% học phí và chi phí ăn ở trong 4 năm học tập tại Trường Đại học FPT campus Đà Nẵng với tổng trị giá 290 triệu đồng. Ý tưởng sản phẩm “Cánh tay robot cho người khuyết tật” của Phạm Huy được đánh giá cao khi sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra chi tiết phần vỏ trong thời gian ngắn, có độ chính xác cao. Sản phẩm sẽ tiếp tục được Huy nghiên cứu và hoàn thiện điểm khiếm khuyết ở cánh tay robot. Tại buổi trao học bổng toàn phần cho, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Giáo dục FPT tại Đà Nẵng Huỳnh Tấn Châu, chia sẻ: “Với việc trao học bổng Nguyễn Văn Đạo cho các học sinh xuất sắc trong nước, Tổ chức Giáo dục FPT mong muốn khuyến khích tinh thần học tập, nghiên cứu trong thế hệ trẻ. Riêng với em Phạm Huy, học bổng toàn phần học tập tại Trường Đại học FPT campus Đà Nẵng hy vọng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để em phát huy tài năng, tiếp tục nghiên cứu nhằm hiện thực hóa những ước mơ sáng tạo sản phẩm giúp ích cho cộng đồng”.

Huy là con út trong một gia đình trú tại xã Triệu Tài (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), mẹ Nguyễn Thị Niềm bán vải ở chợ thị xã Quảng Trị, cha Phạm Xuân Đính mở tiệm sửa xe đạp ngay chợ xã Triệu Tài, chị gái Phạm Như Quỳnh đang năm 3 Đại học lâm nghiệp Hà Nội. Ở xa trung tâm, Huy phải phải guồng xe đạp mấy cây số để đến trường, nhưng suốt 12 năm qua, cậu học trò làng này chưa bao giờ để thoát danh hiệu học sinh giỏi. Và bằng đam mê sáng tạo và sự cảm thông đối với những người khuyết tật, những nạn nhân bom mìn ở quê mìnhế ra cánh tay robot đa năng cho người khuyết tật. 

Phạm Huy tùng đoạt Giải thưởng Tài năng trẻ tỉnh Quảng Trị năm 2017; Giải Nhì Lĩnh vực vậy lý-kỹ thuật cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh; Giải nhất chung cuộc cuộc thi khoa học-kỹ thuật cấp tỉnh; Giải nhất lĩnh vực robot và máy thông minh cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia; Giải nhất cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia; Giải 3 tại cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc tế INTEL ISEF 2017 tạị Los Angeles (Mỹ). Học sinh chế cánh tay robot giành giải ba tại Mỹ.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.