Chàng trai khiếm thị có 2 bằng đại học

Chàng trai khiếm thị có 2 bằng đại học
Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, chàng trai khiếm thị Phạm Văn Sơn ở xã Thanh Mai (Thanh Oai, Hà Tây) đã tốt nghiệp Viện đại học mở Hà Nội và Viện Y- Dược học cổ truyền Việt Nam.

Phạm Văn Sơn là con thứ hai trong một gia đình có 5 anh chị em, trong đó có 3 người khiếm thị. Mẹ làm ruộng, bố của Sơn tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1975, ông xuất ngũ trở về địa phương và mang trong mình chất độc da cam.

Tuổi thơ của Sơn cũng như những trẻ khác, hồn nhiên, trong sáng và hàng ngày được cắp sách đến trường. Thế rồi, mắt của Sơn cứ mờ dần và đến cuối năm lớp 9, Sơn không còn đọc sách được nữa. Được sự giúp đỡ tận tình của thầy cô giáo và bạn bè, Sơn vẫn tiếp tục học hết lớp 12 và xin gia nhập Hội người mù huyện Thanh Oai.

Mặc dù rất khó khăn về kinh tế, nhưng với niềm say mê học tập cộng với sự động viên, giúp đỡ của huyện Hội người mù và các bạn đồng tật, Sơn học viết chữ nổi và làm được một số dụng cụ tự tạo. Năm 1995, Sơn đã đỗ vào khoa Ngoại ngữ Viện đại học mở Hà Nội và năm 1997, Sơn thi đỗ vào trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh (Nay là Viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam).

Sau khi tốt nghịêp, năm 2002, Sơn trở về quê nhà mở phòng khám chữa bệnh bằng Đông y và mở lớp dạy phụ đạo các môn: Toán, Hóa, Sinh từ lớp 9 - 12 cho học sinh trong vùng. Đặc biệt, Sơn đã nhờ học trò của mình đọc cuốn sách "Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GSTS Đỗ Tất Lợi và chuyển sang chữ nổi soạn ra cuốn "Việt Nam dược tính diễn ca" với tác dụng của 400 vị thuốc Đông y viết dưới dạng hình thức thơ để chuyển cho những bạn đồng cảnh.

Sơn còn điều trị có kết quả một số bệnh như: Huyết áp cao, viêm loét dạ dày - tá tràng, sỏi thận, đau dây thần kinh tọa, thu hút được sự tín nhiệm của bà con trong làng. Tháng 9/2004, Hội người mù Hà Tây đã cử Sơn đi học xoa bóp bấm huyệt tại Nhật Bản. Sau khóa học 6 tháng, Sơn đứng đầu trong lớp với 10 người đến từ 8 nước với số điểm thi đạt 290 điểm.

Là tổ trưởng cơ sở xoa bóp bấm huyệt tại trụ sở của tỉnh Hội người mù Hà Tây, Sơn còn mở một trung tâm xoa bóp bấm huyệt và phòng chẩn trị tại đường Quang Trung (thị xã Hà Đông), tạo việc làm ổn định cho 8 người khiếm thị, thu nhập trung bình từ 800.000 - 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Bình quân một ngày, Sơn khám bệnh, kê đơn và tổ chức cho người mù xoa bóp bấm huyệt cho từ 30 - 40 lượt người. Nguyễn Văn Tú ở thôn Ngọ,  (Chuyên Mỹ, Phú Xuyên) là một trong những người đầu tiên được Sơn dạy xoa bóp bấm huyệt hồ hởi nói nói: "Sơn không chỉ dạy nghề mà còn giúp anh em chúng tôi có việc làm ổn định. Các kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt tôi đã làm được thành thạo và thấy vững tin vào tay nghề của mình".

Ước mơ của Sơn là có một trung tâm chuyên đào tạo xoa bóp bấm huyệt cho người mù và Sơn sẽ là giáo viên truyền đạt những kiến thức chuyên môn để giúp nhiều người mù trở thành những lao động hữu ích, có việc làm ổn định.

Sơn tiết lộ: Cuối năm nay, em xây dựng gia đình với một người bạn học sau em 2 khóa cùng trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh. Mong rằng những đứa con của em không mang những di chứng chất độc da cam.

MỚI - NÓNG