Chàng trai mê kinh tế vườn đồi

Chàng trai mê kinh tế vườn đồi
TP - Khác với nhiều thanh niên cùng lứa tuổi ly hương để tìm kiếm việc làm, ở tuổi 25, anh Quách Ngọc Hoàng, ở xã Ngọc Liên, huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) quyết định chọn quả đồi nhà mình để nuôi ước mơ làm một nhà kinh tế nông thôn. Anh Hoàng vừa vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013.

> Trùm cây cảnh Nam Bộ
> Mở rộng đất, làm kinh tế giỏi

Anh Hoàng ở giữa và các bạn thanh niên của địa phương bên đồi dứa - cao su của mình
Anh Hoàng ở giữa và các bạn thanh niên của địa phương bên đồi dứa - cao su của mình.

Bỏ trải nghiệm phố về núi

Là người dân tộc Mường, tốt nghiệp THPT xong tại huyện Ngọc Lặc, anh Hoàng có một thời gian va chạm cuộc sống học tập, mưu sinh ở Hà Nội. Thế rồi, chỉ sau hơn một năm ngẫm cuộc sống của bản thân và bao gương lao động mưu sinh ở xứ người, anh Hoàng quyết định trở về bên sườn đồi nhà mình.

 Tôi nghĩ rằng, hiệu quả kinh tế từ mô hình của mình, chính là cách thuyết phục hiệu quả nhất cho thanh niên địa phương chúng tôi phát triển kinh tế từ ngay chính làng quê, vườn đồi của mình.

Anh Quách Ngọc Hoàng

“Tôi một mình lang thang hết nông trường Thống Nhất, nông trường Lam Sơn... trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu việc phát triển kinh tế lâm nghiệp, đồi rừng. Tại những nơi tìm đến, tôi học cách trồng các loại cây đúng kỹ thuật để cho cây phát triển hiệu quả, tìm hiểu về chất đất tốt, xấu phù hợp với loại cây trồng... Gia đình sẵn có 12 ha đất lâm nghiệp đang trồng luồng, keo cho hiệu quả kinh tế thấp, tôi phân tích và thuyết phục bố mẹ thay đổi mô hình kinh tế trên diện tích của nhà mình”- anh Hoàng tâm sự.

Xã Ngọc Liên đất rộng, người thưa, nhiều thanh niên lứa tuổi như anh Hoàng học xong THPT chỉ có mong muốn được đi học nghề, hoặc đi làm thuê ở các tỉnh khác. Ban đầu anh Hoàng cũng có nguyện vọng như vậy, nhưng từ sự lam lũ của bố mẹ còng lưng trên 12 ha rừng, nuôi 2 em gái đang học đại học, Hoàng nung nấu một ý tưởng phát triển sự nghiệp của mình từ chính mảnh đất quê hương.

Năm 2010, từ nguồn vốn vay mượn của người thân, cùng với những kiến thức mình thu thập được, anh Hoàng bàn với gia đình đầu tư trồng 10 ha cao su, 2 ha keo và trồng xen thêm dứa, luồng, sắn củ trên diện tích 12 ha đất lâm nghiệp. Lấy ngắn nuôi dài, chi phí chăm sóc và bón phân cho cao su được lấy từ việc bán sắn, dứa, luồng hàng năm. Năm 2012, doanh thu từ những cây ngắn ngày thành kết quả 600 triệu đồng/năm. Hàng năm, mô hình kinh tế đồi rừng của anh Hoàng tạo việc làm cho khoảng 10 lao động thường xuyên, mùa vụ với mức thu nhập từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng. Những năm tới khi 10 ha cao su cho mủ thì doanh thu có thể lên tới cả tỷ đồng và số lao động được giải quyết việc làm sẽ tăng cao.

Quyết tâm xây dựng mô hình điểm của cán bộ đoàn

Hình ảnh anh Quách Ngọc Hoàng với chiếc áo xanh thanh niên xuất hiện thường xuyên trên đồi dứa, cao su cùng với những đoàn viên thanh niên khác không còn xa lạ với người dân địa phương.

Là Bí thư chi đoàn thôn 10, anh Hoàng hiểu trách nhiệm của mình đối với hoạt động Đoàn tại địa phương. Muốn hoạt động Đoàn không mang tính hình thức, thỉnh thoảng anh Hoàng lại cùng các đoàn viên thanh niên có mặt trực tiếp trên đồi dứa, cao su để hướng dẫn, trao đổi với các bạn thanh niên trồng các loại cây đúng kỹ thuật, tạo giống tốt, sản phẩm thu hoạch chất lượng.

Anh Hoàng chia sẻ dự định: “Hiện nay, tôi đang tiếp tục huy động vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi giống lợn rừng và gia cầm. Không được tham gia một khóa đào tạo chuyên ngành bài bản, nên vừa trồng cây, vừa nuôi gà, vịt, tôi vừa tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn về phát triển kinh tế vườn đồi. Những gì còn nghi vấn, chưa rõ, cần tìm hiểu, tôi chủ động hỏi kinh nghiệm những người đi trước, hoặc tìm hiểu qua sách, báo. Tôi nghĩ rằng, hiệu quả kinh tế từ mô hình của mình, chính là cách thuyết phục hiệu quả nhất cho thanh niên địa phương chúng tôi phát triển kinh tế từ ngay chính làng quê, vườn đồi của mình”.

Anh Lê Bá Ngà, Bí thư Huyện Đoàn Ngọc Lặc cho biết: Với những kết quả thành công bước đầu trong mô hình phát triển kinh tế của mình, anh Quách Ngọc Hoàng đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013 do Trung ương Đoàn trao.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.