Chàng trai Pacô “giữ” nhạc cho làng

Chàng trai Pacô “giữ” nhạc cho làng
TP - Chàng trai ấy hồi mới 5 tuổi đã được mẹ bồng theo tham gia vào những  đêm hội của làng, say mê nghe hát, nghe đàn, nghe những âm thanh của rừng núi...

Lớn lên, chàng tự thề với lòng mình, sau này sẽ là một người “giữ” nhạc cho đại ngàn Trường Sơn, cho bản làng mình...

Chàng trai ấy, chính là Pi Ke Zơ, người dân tộc Pacô. Anh đang là diễn viên của Phòng văn hóa huyện A Lưới (TT-Huế). Zơ được biết đến là một thanh niên duy nhất biết hát các làn điệu xưa của các dân tộc Katu, Pacô, Tà ôi.

Đặc biệt  hơn anh còn biết sử dụng trên 20 nhạc cụ truyền thống như Tâng ngát, Tarle, Areeng, Alia, Amam, Khèn be...

Âm thanh tiếng khèn anh thổi như một ma lực làm quyến rũ lòng người, lúc thì róc rách như tiếng suối, lúc thì nỉ non... từng chuỗi âm thanh cứ dìu dặt hoang sơ và day dứt.

Trong các lễ hội, làn điệu Chachắp hay những âm điệu nhộn nhịp và dồn dập như Ragióc do anh biểu diễn luôn mê đắm lòng người. Hình ảnh một chàng thanh niên trẻ đang say mê bên chiếc khèn, vừa thổi vừa  hát những làn điệu xưa khiến các già làng cảm thấy tự hào.

Không chỉ biết hát và đàn, Pi Kê Zơ còn có thể tự tay làm ra được 12 loại nhạc cụ truyền thống như : Aben, Tireel, Alia, Tâng ngát..., và càng ngạc nhiên hơn khi anh chưa từng được đào tạo  qua một trường lớp học nhạc nào.

Mới đây, Pi Kê Zơ đã đoạt Huy chương vàng Hội thi giọng  hát hay các dân tộc trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Kể từ khi đi biểu diễn đến nay, anh đã gặt hái được 2 Huy chương vàng, bạc và 12 giấy khen trong các lần hội diễn.

Mong muốn sắp tới của Zơ là làm sao kết hợp được thật khéo, thật hay giữa nhạc cụ truyền thống và âm nhạc hiện đại, để giới trẻ trong các bản làng không quay lưng lại với âm nhạc truyền thống, tất cả cùng được sống mãi với những điệu khèn, lời ru của dân tộc.

Ban đầu anh mua nhạc cụ đã có sẵn, sau đó về tháo tung ra và bắt đầu ráp lại. Cứ tháo rồi ráp cho đến lúc nào âm thanh của tiếng đàn mới không khác gì đàn cũ là đã thành công. Đến nay anh đã làm ra được một số loại đàn để bán cho các Trường văn hóa nghệ  thuật.

Anh cho biết, trong các loại đàn thì khèn Be là nhạc cụ khó sử dụng cũng như chế tác nhất. Vì  đây là nhạc cụ có tất cả 14 ống, 12 nốt và nốt nhạc rất khó, phải tập đúng một năm mới có thể thành thạo được.

Khi được hỏi làm sao một người không hề biết một nốt nhạc nhưng lại có thể sử dụng thành thạo các nhạc cụ và hát rất đúng các làn điệu dân tộc như thế, Zơ cười hồn nhiên: “Mình không biết, cứ nghe người ta hát, người ta đàn  qua một lần, về nhà mình tập lại được ngay”.

Tất cả những gì anh có được là bắt đầu từ  những đêm hội làng. Khi nghe tiếng trống, tiếng chiêng gọi bạn trong ánh lửa bập bùng của núi  rừng, Zơ như đang được hòa mình vào trong một  không gian mê đắm, với những câu hát, điệu khèn.

Năm Pi Kê Zơ lên 12 tuổi,  anh đã biết chơi nhạc cụ đầu  tiên là thanh la, rồi sau đó là khèn Be, Alia, Amam, Kazoc Kazôn... chỉ bằng cách nghe các già làng, các trưởng lão thổi trước và về tự mày mò tập theo, tập cho đến lúc nào âm thanh tiếng đàn của anh hòa vào “dòng nhạc” của bản làng không hề bị lỗi nhịp thì thôi.

Tiếng tăm về anh chàng Zơ hát hay đàn giỏi đã vượt ra khỏi làng Anin vang xa khắp nơi. Ai cũng biết Zơ và chỉ thích nghe Zơ đàn, Zơ hát. Các nàng thiếu nữ mê đắm và mơ ước được Zơ đến dưới nhà mình thổi điệu khèn mà khiến cho dòng nước ngừng trôi, cho gió ngừng thổi... và ngay cả những già làng khó tính cũng đã yêu thích những điệu nhạc của Zơ.

Cha là người Pacô và mẹ là người Katu, Pi Ke Zơ thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ người mẹ (bà Prung Kiêu từng là diễn viên của Đoàn văn công  Tỉnh ủy Bình Trị Thiên), nên các làn điệu dân ca của các dân tộc anh đều hát được. Hiện nay, cứ mỗi tháng anh lại đi giao lưu 2-3 lần từ làng này sang làng khác... Ngoài ra, anh còn đi biểu diễn ở Lào và tham gia tại các hội diễn trên toàn quốc tại Đắc Lắc, Gia Lai, Phú Yên, Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.