Chàng trai 'phải lòng' xứ Mường

Chàng trai 'phải lòng' xứ Mường
TP - Bỏ lại công việc ổn định tại Hà Nội, đến sống với người Mường vùng cửa ngõ Tây Bắc. Không ít người nói chàng họa sỹ ngoài 30 có tên Vũ Đức Hiếu này là lập dị.
Chàng trai 'phải lòng' xứ Mường ảnh 1
Vũ Đức Hiếu (giữa) tại Bảo tàng

Ngồi trong ngôi nhà sàn của quan Lang, cùng thưởng thức khoai lang luộc và nhâm nhi thứ nước có màu nâu đỏ nấu từ rễ cây mai già, Vũ Đức Hiếu kể về quyết tâm “bỏ phố lên rừng” của mình.

“Phải lòng… Mường rồi nên muốn dứt cũng không ra nổi. Âu cũng là cái duyên, cái nợ, cái tình” - Anh tâm sự.

Hiếu quê gốc Nam Định, sinh ra ở Hà Nội nhưng lại lớn lên trên đất Mường, Hòa Bình. Những năm tháng tuổi thơ cùng cha trèo đèo lội suối khắp bản Mường đã cho anh sự gắn bó sâu nặng với đất, với người nơi đây.

Thời sinh viên, Hiếu từng bỏ cả tháng trời ròng rã lang thang khắp 4 Mường Bi, Vang, Thành, Động để tìm cảm hứng sáng tác. Anh nói: “Càng đi mới càng thấy cái hay, cái lạ của văn hóa Mường, và càng say như say vị nồng của rượu ngô, rượu sắn vậy”.

Hiếu bắt tay vào sưu tầm những vật dụng của người Mường. Bà con ai cho thì xin, ai bán thì mua… Cứ thế, âm thầm, nhẫn nại, chỉ một thời gian sau, căn gác trọ của anh đã ắp dấu tích Mường. Cái biệt danh “Hiếu Mường” cũng ra đời từ dạo đó.

Năm 2000, tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Vũ Đức Hiếu tiếp tục nghiệp vẽ tranh. “Nhiều lần về thăm lại Hòa Bình, thấy nét đẹp xưa đang bị mai một. Niềm đam mê mách bảo với anh rằng, những giá trị văn hóa đặc sắc ấy, nếu không được lưu giữ, nếu không đem ra giới thiệu với đông đảo cộng đồng, chúng sẽ mãi “ngủ quên”.

Năm 2007, Vũ Đức Hiếu quyết định thực hiện dự định hằng ấp ủ. Ý tưởng thành lập Bảo tàng Không gian văn hóa Mường của anh ngay khi mới phôi thai đã bị không ít người cho là gàn dở, điên rồ. Vợ anh lúc đầu cũng phản đối kịch liệt. Hiếu vẫn một mực kiên định: “Trót mang nợ núi rừng rồi, đành gắng sức mà trả nợ mới mong sống thanh thản được”.

Cặm cụi suốt hơn 10 năm sưu tầm, gom nhặt, bộ sưu tập vô giá của Vũ Đức Hiếu đã có trên 1.000 hiện vật, từ cái chụm (vó), kha (vợt), ít (cán bông), trỏ mẹ (cuốn sợi) đến dụng cụ đồ xôi bằng đồng hàng ngàn tuổi, mâm đặt đồ cúng của thầy mo... “Lưng vốn” hòm hòm, anh lại chạy vạy vay mượn khắp nơi mua khu đất vườn đồi dựng bảo tàng. Ngày khai trương, cũng là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời anh.

Tái hiện không gian Mường

Chàng trai 'phải lòng' xứ Mường ảnh 2
Một số hiện vật trưng bày tại Bảo tàng

“Không gian văn hóa Mường” là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Hòa Bình và cũng là duy nhất về văn hóa Mường tại Việt Nam. Bảo tàng nằm trên vạt đồi dốc thoai thoải (dốc Cun) rộng khoảng 2 ha.

Từ cổng vào, du khách ấn tượng bởi những viên đá được sắp xếp thành nhiều mảng hoa văn ẩn hiện. Quanh đó là quần thể thác, suối, cối giã gạo, guồng nước mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Xã hội, đời sống, văn hóa Mường tồn tại từ hàng ngàn năm được tái hiện sống động.

Quần thể nhà sàn cổ có xuất xứ từ Mường Chậm (Lũng Vân), xóm Mương, xóm Vố (Do Nhân - Tân Lạc), mang đặc trưng cho sự phân chia giai cấp Mường thời phong kiến. Nhà sàn của người Mường chủ yếu chia theo 4 cấp vị: Lang, Ậu, Tạo, Nõ. Nhà Lang là nhà dành cho tầng lớp cao nhất, nó thể hiện cho quyền lực, sự giàu có, ấm no.

Nhà Ậu dành cho tầng lớp dưới lang, giúp nhà lang các công việc quản lý, thu thuế... Nhà Tạo dành cho tầng lớp thường dân trong xã hội Mường. Nhà Nõ nhà dành cho tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội. Theo đó, các ngôi nhà này đều có những đặc trưng riêng để phân biệt với các nhà khác trong làng bản.

Nhìn xuống “thung lũng” - một khoảng đất khá rộng và bằng phẳng - là khu sinh hoạt cộng đồng. Tại đây, Vũ Đức Hiếu cho đặt những chiếc cầu Kiều, cầu đôi, cây nêu để ném còn tái hiện lại những sinh hoạt dân gian của cộng đồng người Mường trong dịp lễ hội.

Khu nhà trưng bày hiện vật Mường nằm trên vạt đồi đối diện khu nhà Lang. Hơn 1.000 hiện vật văn hóa Mường mà Vũ Đức Hiếu cất công sưu tầm được giới thiệu.

Từ những công cụ sản xuất, săn bắn dưới ruộng, trên nương; sản phẩm và công cụ của các nghề thủ công truyền thống; đến vật dụng, trang phục, nhạc cụ dùng trong các lễ hội, các trò chơi dân gian và hoạt động tín ngưỡng tâm linh như ma chay, mo, cưới xin; các loại đồ trang sức làm bằng đồng, gốm, đá, xương… đều góp mặt.

Nằm sâu phía trong bảo tàng, có một thư viện với hơn ba nghìn đầu sách, trong đó có những cuốn sách quý hiếm viết về văn hóa Mường của các học giả nổi tiếng như GS Từ Chi, nhà nghiên cứu Bùi Chỉ, GS Trần Quốc Vượng… Khu đất rộng trước mặt được tận dụng trồng cây thuốc của người Mường với hơn 600 gốc cây, chia thành 200 loại, thuộc nhiều nhóm chữa bệnh.

Vừa đưa chúng tôi đi tham quan, Vũ Đức Hiếu vừa kể không biết chán về sự tích của những hiện vật bảo tàng. Anh bảo tìm được một món đồ, một vật dụng không hề đơn giản. Mỗi cái giỏ, cái khung dệt, mảnh khăn thêu... ẩn chứa cả câu chuyện dài về những ngày anh lang thang, lăn lộn với bản Mường.

“Không dưới một lần tôi bị công an, dân phòng đứng ở quốc lộ 6, đoạn qua Mai Châu, vây bắt vì nghi vận chuyển ma tuý. Sau phải lôi đống hiện vật sưu tầm ra, họ mới cho đi…” - Hiếu nhớ lại.

Khó nhất có lẽ phải kể tới hành trình tìm nhà cổ. Các ngôi nhà sàn cổ, không cứ của người Mường, phần lớn đều bị giới buôn nhà sàn lên săn tìm, mua lại và bán đi nơi khác. Một số ngôi nhà cổ khác thì đã bị mục nát, hư hỏng theo thời gian. Vì thế tìm được nhà Mường cổ, đại diện cho các tầng lớp người trong xã hội Mường thật sự là thử thách lớn.

Hiếu nhắc tới mối kỳ duyên giữa anh và ngôi nhà Tạo của lang Mường Chậm - một trong những Mường cổ của xứ Mường Bi (nay là huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình).

Đây là ngôi nhà mua lại đúng của con cháu nhà Lang. Bà cụ đã 108 tuổi, ngôi nhà  cũng đã có từ 4-5 đời trước, tuổi đời trên dưới 300 năm. May mắn trong một lần xuống bản, Hiếu gặp được cụ. Cái bụng chân thật, cái tình đơn sơ của anh khiến cụ cảm kích, đồng ý nhượng lại nhà cho bảo tàng.

Ngôi nhà Tạo bề thế, uy nghi bảy gian hai chái, với 14 cây cột to người lớn ôm không xuể đang trưng bày trong Không gian văn hóa Mường là ngôi nhà được các hậu duệ của nhà Lang Mường Chậm giúp anh phục dựng lại gần như nguyên vẹn.

Tái hiện hơi ấm của cuộc sống xứ Mường đích thực, Vũ Đức Hiếu nảy ra sáng kiến mời 3 gia đình người Mường bản địa về ở trong khu nhà này. Bởi thế, người ta gọi bảo tàng của anh là không gian Mường “sống”.

Du khách tới đây, được những người Mường bản xứ sống trong bảo tàng tiếp đón chu đáo, lo nơi ăn chốn ngủ theo đúng phong tục người Mường bản địa: Được ngồi bên bếp lửa, ăn xôi nếp, thịt nướng bằng tay và ngủ ngay trên những ngôi nhà sàn đã trăm năm tuổi…

Chỉ mong “nhân bản tình yêu”

Cặm cụi sưu tầm, góp nhặt hàng nghìn hiện vật, một mình xoay xở vay mượn lập bảo tàng tư nhân, song lại không hề thu phí. Khi được hỏi về lý do, Vũ Đức Hiếu  cười: “Nếu muốn kiếm tiền, tôi sẽ không bỏ công tốn sức để dựng bảo tàng. Tôi làm đơn giản vì đam mê, vì duyên nợ, và vì cái Tâm. Tôi yêu văn hóa Mường và muốn nhân bản tình yêu ấy cho thật nhiều, thật nhiều người khác nữa”.

MỚI - NÓNG