Chàng trai Tày dạy nhạc jazz

Jazz Step đến với học sinh Tương Dương, Nghệ An
Jazz Step đến với học sinh Tương Dương, Nghệ An
TP - Tôi biết Đào Minh Pha (nghệ danh Pha bass) từ khi Pha còn là sinh viên ở Trường Nghệ thuật quân đội, đó là một chàng trai vui tính, mê âm nhạc hơn mọi thứ trên đời và có thể nói là “bất chấp mọi thứ trên đời”, ngoại trừ âm nhạc! Vài lần nghe Pha biểu diễn ở các tụ điểm Hà Nội, lối chơi rất bốc lửa! Dường như chỉ âm nhạc ngẫu hứng mới có thể nói lên được nỗi lòng chàng trai người Tày đầy ý chí.

Jazz Step: Ý tưởng đem âm nhạc hiện đại đến cho trẻ vùng xa

Mới đây, trong lần gặp gỡ nghệ sĩ kèn Quyền Thiện Đắc, tôi nghe Đắc tâm sự: “Jazz Step là một dự án đưa nhạc jazz đến khắp đất nước Việt Nam bắt nguồn từ ý tưởng của Pha. Em thấy ý tưởng này rất hay nên cố gắng thu xếp công việc giảng dạy biểu diễn để hai đứa cùng thực hiện. Dự án thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, thậm chí mới đây một nghệ sĩ Hàn Quốc đã bay sang cùng tham gia với chúng em”.

Những bước chân nhạc Jazz (Jazz Step) của anh em Thiện Đắc, Minh Pha là đem đàn rong ruổi đến những vùng hang sâu cùng cốc, những bến phà chợ búa, nơi nào chưa từng được nghe nhạc jazz thì họ sẽ diễn miễn phí cho mọi người. Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Nghệ An… nơi đâu cũng in dấu giầy của hai nghệ sĩ nhạc jazz chuyên nghiệp. Lẽ ra họ có thể đứng trên các sân khấu lớn biểu diễn, nhưng lúc này đây họ diễn trước cổng chợ, qua những chuyến phà.

“Khán giả của chúng em nghèo lắm, nghèo nhưng mà vui – Pha kể - Vào Nghệ An, trường các cháu nghèo đến mức khó tin. Lãnh đạo huyện nửa đùa nửa thật bảo, có lẽ một trăm năm nữa cũng không có nghệ sĩ nhạc jazz vào tận trường leo tận bản biểu diễn như thế này đâu”.  Cảm giác của các nghệ sĩ thật khó tả.

Họ từng biểu diễn rất nhiều chương trình ở Nhà hát lớn Hà Nội, trên ti vi, với các nghệ sĩ quốc tế, nhưng cái cảm giác diễn ở trường vùng cao, tất cả im phăng phắc nghe rõ cả tiếng chim hót vọng ra từ trong rừng thẳm sâu, lần đầu tiên các em nghe tiếng kèn Saxo, tiếng đàn Contrabass. Riêng với Minh Pha, đó cũng là cảm giác được trở về với cội nguồn người Tày của anh, về với dòng suối âm nhạc thiêng liêng những tiếng đàn then đàn tính vậy.

“Người ta nghĩ nhạc jazz khó hiểu, nhưng các em nhỏ nghe rất vô tư không hề thấy khó, chỉ thấy vui thôi. Thấy các em nhìn các anh chơi nhạc, mắt say sưa. Biết đâu các em lớn lên sẽ tiếp tục chơi nhạc jazz?” – Nghệ sĩ Đào Minh Pha tâm sự.

Chàng trai Tày dạy nhạc jazz ảnh 1

Nghệ sĩ Minh Pha biểu diễn cùng nghệ sĩ đàn tính

Nối nghiệp cha

Đào Minh Pha tâm sự: “Ông già em dạy nhạc trên Thái Nguyên. Ông bắt em đi học nhạc đấy chứ. Ngồi nghĩ thương ông, cám ơn ông. Ông học lý luận sáng tác chỉ huy ở Nhạc viện Hà Nội. Em sang Thụy Điển, bảo: Tôi là người dân tộc thiểu số duy nhất ở Việt Nam chơi nhạc jazz chuyên nghiệp, mọi người đều ngạc nhiên”.

Bố của Pha là người Tày còn mẹ anh là người Nùng. Quê anh ở huyện Định Hóa, Thái Nguyên, ngày xưa về thấy còn nhà sàn đẹp, giờ về thấy nhiều nhà xây, như lạc vào phố thị nhận không ra quê. Nhớ quê hương chỉ tìm đến lời ca tiếng nhạc xưa. Người nhạc sĩ trẻ nói: “Em viết một bài Then chuyển sang nhạc Jazz, rất nhiều người thích”.

Tôi biết Pha khá lâu, nhưng tôi không nghĩ anh là người Tày vì Pha có cuộc sống hoàn toàn hòa đồng, đầy tự tin, luôn chủ động trong cuộc sống ở thủ đô. Đào Minh Pha đã học nhạc cụ bass và cả sáng tác ở Trường Đại học Nghệ thuật quân đội, là một nghệ sĩ bass hàng đầu của Hà Nội. Sau đó, Pha lại tiếp tục theo học nhạc cụ bass tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Không chỉ biểu diễn, nghệ sĩ người Tày tài hoa còn là giảng viên gần chục năm tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và hiện đang giảng dạy tại Nhạc viện TP HCM. Đào Minh Pha cũng từng tu nghiệp tại Thụy Điển.

Trả lời câu hỏi: “Là nghệ sĩ vì sao phải học nhiều đến vậy?”. Vẫn nụ cười trên môi, người thầy đang dạy mỗi tuần 42 tiết ở Nhạc viện TP HCM bảo: “Phải học anh ạ, mới dạy được, mới có cơ hội truyền đạt kiến thức cho sinh viên”.

Như vậy là Pha đi tiếp nghề giảng dạy âm nhạc của cha, người truyền cảm hứng cho anh. Pha đang dạy hầu hết các môn của khoa Jazz, anh nói: “Cách dạy của tôi là động viên các em tự học, tự tìm bài, tự nghiên cứu. Tôi dặn học sinh phải tích cực thực hành, người thầy lớn nhất bây giờ là mạng internet. Lớp tôi dạy đứng chật hết cả phòng, học sinh vui và thoải mái!”.

Tôi ghé thăm Nhạc viện TP HCM, nơi thầy giáo Đào Minh Pha đang dạy. Sinh viên ngồi xếp hàng để được học anh. Tôi gặp cả những nghệ sĩ trẻ tiếng tăm thường biểu diễn cùng nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn. Các bạn đều bảo: “Chúng em phần nhiều xuất thân từ nhạc cổ điển, giờ chuyển sang nghiên cứu biểu diễn nhạc jazz, nhờ thầy Pha hướng dẫn”.

Đào Minh Pha cho biết thêm: “Bộ môn nhạc jazz của Nhạc viện TP HCM này, tôi với nghệ sĩ Trần Mạnh Hùng là hai giảng viên chính, dạy về âm nhạc ngẫu hứng, dạy nhạc lý cơ bản, dạy hòa âm, dạy ghi ta, bass… môn nào thiếu mới mời các thầy Hà Nội vào”. Vừa đùa vừa thật, Đào Minh Pha bảo: “Sài Gòn cái gì cũng có, chỉ thiếu mỗi nhạc jazz”.

Giấc mơ đĩa

Trò chuyện trong quán cà phê gần Nhạc viện TP HCM, một cái quán khá đẹp nhưng chỉ thường mở nhạc sến, Đào Minh Pha bảo: “Sài Gòn trước kia nhạc jazz phát triển nhưng giờ hầu như không còn gì. Nhạc viện TP HCM mấy năm nay mới bắt tay vào đào tạo về bộ môn này. Sài Gòn có môi trường tốt, năng động, người đông, không nên chỉ độc tôn nhạc sến và nhạc pop”.

Tâm sự về Jazz Step, Minh Pha bảo “Nhạc jazz nghe nhiều thì cảm thấy không thấy khó nghe nữa, cái gì mới cũng khó nghe cả. Nhưng đài, ti vi không có chương trình gì, không có kênh nào chuyên về nhạc jazz, lâu lâu mới có một vài bài. Cứ như thế này mãi, bao nhiêu bạn trẻ biết đến nhạc jazz?”. Nghĩ là làm, nói là làm, đó là phong cách đặc trưng của Pha bass. Nghệ sĩ bảo: “Bọn em đem đàn đi các nơi, diễn, nói chuyện, “đánh thẳng vào tai” các em, không cần qua sân khấu, thiết bị âm thanh gì. Diễn xong, các em chạy lên xin chữ ký, hàng nghìn em. Em với Quyền Thiện Đắc bảo nhau: cả ngôi sao nhạc Pop như Mỹ Tâm cũng không nhiều người xin chữ ký thế này”.

Không phải có tiền mới tiếp xúc được với âm nhạc mà người nghèo, nông dân cũng được nghe nhạc. Không chỉ trẻ em khá giả mà trẻ em nghèo cũng có thể học và chơi nhạc jazz. Minh Pha muốn đưa nhạc jazz đi khắp Việt Nam. Dạy nhạc gần chục năm ở Hà Nội và giờ đây chuyển vào TP HCM, công cuộc phổ biến nhạc jazz của Pha vẫn tiếp tục mỗi ngày.

Minh Pha tham gia nhiều đĩa nhạc jazz của Quyền Thiện Đắc. Anh ấp ủ ra đĩa than nhạc jazz chơi chủ yếu bằng contrabass. “Em tin rằng người nghe nhạc jazz sẽ ngày càng nhiều hơn”.

Nói về dự án sắp tới, Đào Minh Pha bật mí: “Sắp tới chúng em muốn có cái xe jeep, làm chỗ diễn phía sau. Xe chạy tới vùng sâu nào, kể cả khi tắc đường tắc cầu, nếu có điều kiện, vẫn diễn nhạc jazz phục vụ các cháu và khán giả trên các cung đường”.

 

“Tôi có một lớp nhạc jazz khiếm thị ở nhà thờ gần cầu Thị Nghè, TP HCM, nơi ấy có bà xơ nuôi trẻ em mù. Mở lớp nhạc jazz, tôi vận động bạn bè anh em góp tiền mua nhạc cụ cho các cháu học. Các cháu rất say mê và giờ đã đánh được nhiều tác phẩm jazz”. Minh Pha cho biết.

Giấc mơ jazz

Nghệ sĩ, nhà giáo Đào Minh Pha nhận định: Nhiều người cứ nghĩ nhạc jazz rất khó nhưng ngược lại, nếu được học cơ bản, yêu thích và tìm hiểu nhạc jazz thì sẽ thấy nhạc jazz không khó hơn các loại nhạc khác. Bằng chứng là trẻ em các nước học nhạc jazz và chơi rất tự nhiên. Khi dự án Jazz Step đi đến với các trường học, luôn nhận được sự hứng thú của các em học sinh.

Đào Minh Pha đang thực hiện dự án “Dreams of Jazz” là dự án dạy nhạc Jazz cho trẻ khiếm thị tại mái ấm Nhật Hồng, TPHCM. Anh cho biết: “Mái ấm tình thương là nơi bắt đầu một giấc mơ cho trẻ khiếm thị, một giấc mơ nhạc Jazz, và chúng tôi đang thực hiện giấc mơ đó, 3 năm nữa và có thể lâu hơn … Bằng tình yêu và lòng đam mê Jazz, chúng tôi sẽ thực hiện được giấc mơ, khi đó sẽ có một band nhạc Jazz của trẻ khiếm thị duy nhất tại Việt Nam, để chia sẻ yêu thương cho tất cả mọi người, với ước mong sẽ làm cho xã hội tràn ngập tình yêu thương”.

Nghệ sĩ gốc Tày mong những anh em, bạn bè hãy đồng hành cùng “Giấc mơ Jazz “. Lớp học còn rất thiếu thốn nhạc cụ, như Drum,Piano và Bass, nhiều bạn bè anh đã và tiếp tục ủng hộ lớp học này cùng các dự án phát triển nhạc jazz cộng đồng khác. Hy vọng với nỗ lực của Minh Pha và các nghệ sĩ khác, âm nhạc hiện đại sẽ đến với nhiều trẻ em thiệt thòi.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.