Chàng trai Tày làm thơ nuôi mẹ

Chàng trai Tày làm thơ nuôi mẹ
TP - Cuộc sống cơ cực chốn thôn quê đã đưa Ngô Bá Hòa (huyện Bình Gia, Lạng Sơn) đến với thơ từ rất sớm. Có những tháng tiền nhuận bút làm thơ của Hòa được 2-3 trăm ngàn, đủ phụ giúp gia đình đong gạo, mua rau.
Chàng trai Tày làm thơ nuôi mẹ ảnh 1
Ngô Bá Hòa trong một lần đi rừng và sáng tác

Ngô Bá Hòa, ở thôn Phai Lay, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) năm nay vừa tròn hai mươi tuổi. Anh vừa thi đỗ khoa Viết văn của trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (HN) và trường Viết văn Nguyễn Du (khoa Sáng tác - Lý luận trường ĐH Văn hóa ngày nay).

Chàng “thi sĩ” trẻ tuổi người Tày không bao giờ quên đó là mùa giáp hạt năm 2002, bố Hòa hay bị đau ốm còn mẹ bị căn bệnh thấp khớp và bệnh tim hành hạ, hàng ngày chỉ ở nhà nấu cơm cho 3 anh em Hòa đi rừng kiếm sống.

Một hôm, những hạt gạo cuối cùng đã cho vào nồi nấu bữa trưa, mẹ ngồi thừ người vì không còn tiền mua gạo, mua rau cho bữa cơm chiều. Nỗi lo hằn sâu trên gương mặt mẹ.

Bỗng nhiên có tiếng người gọi ở ngoài cổng, thì ra đó là bác bưu tá của xã. Bác cười rất tươi nói với Hòa: “Cháu có thơ đăng báo kia à. Họ gửi tiền cho cháu đấy”. Hòa sung sướng cầm tờ giấy lĩnh tiền mà cứ ngỡ đó là giấc mơ.

Bài thơ được trả nhuận bút 60.000đ và nhờ nó mà mẹ đã mua được 20kg gạo. Hôm lấy gạo về là một ngày thật vui, Hòa đọc lại bài thơ cho cả nhà nghe, ai cũng xúc động. Mẹ đến bên âu yếm nói: “Cảm ơn con trai, nhưng nhiệm vụ trước mắt là phải học tập cho tốt”.

Chúng tôi đến thôn Phai Lay vào những ngày chớm đông, cái rét buốt ghê người được phả ra từ phía đại ngàn. Một ngôi nhà vách trát đất tềnh toàng dưới chân núi Kai Kinh và một người đàn bà đang ngồi lặng lẽ với nồi cám lợn cuối chiều.

Ngày ấy, từ những năm năm mươi của thế kỷ trước, bố mẹ Hòa đều còn nhỏ, theo gia đình cán bộ dưới xuôi lên khai hoang, xây dựng đời sống vùng kinh tế mới. Mẹ Hòa được một gia đình người Tày nhận làm con nuôi, nên sau này trong lý lịch của Hòa là người dân tộc Tày. Đồng cảnh  nghèo khó nên họ gắn bó thương yêu nhau, cùng xây dựng gia đình vào năm 1980 và sinh được ba người con.

Hòa là con cả, có lẽ do lam lũ nên chàng trai tuổi đôi mươi nhưng mon nhỏ thó, sạm đen. Một sự việc không may xảy ra, Hòa trở thành trụ cột trong nhà, lên núi hái củi, kiếm tìm rau ngót đem bán lấy tiền đong gạo nuôi cả gia đình.

Cuộc sống cơ cực chốn thôn quê đã đưa Hòa đến với thơ từ rất sớm, vì đó là nơi có thể giãi bày những tâm tư tình cảm, những ước mơ tha thiết của mình. Yêu thích môn văn, say mê học các môn khoa học xã hội, chàng trai này đã tìm được cho mình một chút vốn liếng văn chương.

Năm 15 tuổi, Hòa sáng tác bài thơ đầu tay, đó là một bài thơ rất ngắn nói về cảnh đẹp núi rừng cũng như ước mơ thoát nghèo. Một lần tình cờ, Hòa đọc được quyển Tạp chí “Văn nghệ Xứ Lạng” (Hội VHNT Lạng Sơn) rồi gửi bài thơ cho tạp chí và ít lâu sau được đăng làm Hòa ngỡ ngàng và vui sướng.

Hòa tiếp tục viết rất nhiều thơ, truyện ngắn. Hòa còn sáng tác thơ, truyện bằng cả tiếng thổ ngữ Tày-Nùng. Hàng trăm bài thơ đã được sáng tác và nhiều bài được in ở các tờ báo trung ương và địa phương.

Có những tháng tiền nhuận bút được 2-3 trăm ngàn phụ giúp gia đình đong gạo, mua rau. Năm 2005 Hội VHNT Lạng Sơn mở trại viết cho các cây bút trẻ, Hòa là một trong những cây bút có nhiều tác phẩm tốt.

Trong tập thơ “Sáng tác trẻ” do Hội VHNT Lạng Sơn xuất bản có tất cả hơn 50 bài thơ của 12 tác giả thì riêng Hòa đã có 10 bài. Ngô Bá Hòa là người sáng tác được cả bằng tiếng Kinh và tiếng Tày- Nùng (song ngữ) rất tốt.

Mới đây, Ngô Bá Hòa được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn và Hội Văn hoá các Dân tộc Thiểu số VN. Khi biết Hòa thi đỗ vào hai khoa viết văn với điểm rất cao, dân bản ai cũng mừng vui. Hòa nói với mẹ: Con sẽ chọn con đường gắn với màu xanh áo lính!

MỚI - NÓNG