Chàng trai Vân Kiều say đường tơ, sợi chỉ

Chàng trai Vân Kiều say đường tơ, sợi chỉ
TP - Đến giờ, Hồ Văn Hồi (1972) chẳng thể nhớ mình đã ươm mầm tình yêu thổ cẩm vào lòng bao con em Vân Kiều, Pakô... Chàng thanh niên 37 tuổi luôn đau đáu khát vọng giữ “hồn cốt dân tộc”...

Bản Pa Nho (Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) xưa kia đêm ngày lách cách tiếng khung dệt. Trong nếp nhà sàn bạc màu thời gian, người Vân Kiều say sưa với đường tơ, sợi chỉ. Tết đến, lũ trẻ quây tròn xì xầm so chiếc khăn, cái áo. Thiếu nữ vùng cao vui điệu múa, lời hát trong trang phục thổ cẩm cầu kỳ...

Chiến tranh đến rồi đi, nhịp sống đô thị tiếp bước theo về. Hình ảnh vui tươi ấy dường như chỉ còn lảng bảng trong tâm trí. Số người gắn bó với nghề dệt thổ cẩm giờ đếm trên đầu ngón tay. Khung dệt bị hắt hủi, xếp nơi xó nhà...

Thực tế ấy làm Hồi không nguôi trăn trở. “Không có nghề truyền thống, người Vân Kiều rồi cũng quên nguồn cội”.

Nghe tin Hội Phụ nữ Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tổ chức lớp dạy nghề dệt truyền thống cho con em người Vân Kiều - Pakô, Hồi hăm hở xin học. Anh dệt chiếc váy (xấn - PV) đầu tiên chỉ sau vài tuần. “Người Vân Kiều mất bao đời mới có những sản phẩm thổ cẩm tinh xảo. Mình học ngần ấy thì thấm tháp gì”.

Nghĩ thế, Hồi khăn gói sang đất Lào tầm sư học đạo. Ngày Hồi trở về, bản Pa Nho lại lách cách tiếng khung dệt.

Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi tỉ mỉ đến từng chi tiết. Chỉ một đường tơ sai, tấm thổ cẩm coi như hỏng. Già bản Hồ Văn Xang nhìn Hồi say mê dệt thổ cẩm, buột miệng nói: “Một trăm người may ra có một người đủ kiên trì bám lấy nghề như thằng Hồi...”.

Ngồi vào chiếc khung dệt, nhiều lúc Hồi quên ăn, quên ngủ. Một chiếc khăn thổ cẩm dệt mất hai ngày, áo mất bốn ngày, váy mất khoảng sáu ngày... Chừng ấy ngày đối với Hồi là chừng ấy kỳ công.

Cầm chiếc áo mới dệt, Hồi hồ hởi giới thiệu: “Thổ cẩm của người Vân Kiều thường có hai màu chủ đạo là đen và đỏ. Màu đen tượng trưng cho sự sống. Màu đỏ là biểu tượng của sức mạnh. Kết hợp hai màu đó với các màu khác cho hài hòa là cái tài của người thợ dệt...”.

Dệt thổ cẩm khó, lồng hồn cốt dân tộc vào mỗi sản phẩm còn khó hơn. Những hoa văn sách vở theo khuôn mẫu có sẵn không làm Hồi vừa lòng: “Nếu thế thì thổ cẩm của người Vân Kiều cũng như người Mông, người Thái mất”.

Anh đến nhà già bản, mượn những tấm thổ cẩm vàng mười về nghiên cứu. Hồi chắt lọc hoa văn cũ, sáng tạo đường nét mới như mái nhà sàn của người Vân Kiều, cây nêu, chiếc khèn bè...

Lúc tâm lý thoải mái, Hồi mới lướt tay thêu hoa văn lên tấm thổ cẩm. Anh tâm niệm: “Cái đầu có sáng, cái bụng có trong thêu hoa văn mới đẹp”. 

Tìm đường cứu nghề

Đến giờ, Hồi chẳng thể nhớ hết bàn chân mình đã vượt bao đèo núi để truyền nghề. Ở đâu cần người dạy nghề dệt thổ cẩm, ở đó Hồi có mặt. Anh tâm sự: “Ước mơ của mình là làm sao giúp nghề dệt thổ cẩm sống lại như xưa. Vì thế, mình không giữ khư khư bí quyết. Ai muốn học, mình đều chia sẻ...”.

Tiếng lành đồn xa, danh hiệu thầy Hồi thổ cẩm không biết từ bao giờ vang khắp vùng núi rừng phía tây tỉnh Quảng Trị. Lớp đầu tiên, Hồi dạy 25 học trò ở bản Mới (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa).

Sau đó, dân ở thôn Trằm (xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa), bản Klu (xã Đăkrông, huyện Đăkrông), bản Xà Ta (xã Tà Long, huyện Đăkrông)... nối bước đón Hồi về.

Bao kỷ niệm vui buồn từ ngày làm thầy thổ cẩm đong đầy trong tâm trí Hồi. Anh nhớ giọt nước mắt lăn dài trên má chị Hồ Thị Thai (bản Klu, xã Đăkrông, huyện Đakrông) vì không thêu được hoa văn ưng ý, ánh mắt chăm chú đến lạ của các học sinh tại trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa...

Tiếp xúc với nhiều học trò, Hồi nhận ra: “Có nhiều người yêu nghề dệt thổ cẩm lắm. Chỉ cần mình tận tâm, nay mai nghề sẽ sống lại...”. 

Nhiều học trò của Hồi giờ đã trở thành nghệ nhân tên tuổi. Họ tiếp bước anh, đi gieo nghề khắp nơi. Chị Hồ Thị Lan (học trò của Hồi) cho biết: “Thầy thường dặn chúng tôi hai điều. Thứ nhất là phải biết đưa cái hồn dân tộc mình vào tấm thổ cẩm. Thứ hai là phải chia sẻ nghề với mọi người... Mình không bao giờ quên hai lời dạy ấy”.

Không chỉ là thầy thổ cẩm, Hồi còn đảm đương trọng trách đội trưởng đội nghệ nhân khóm 6 (Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị). Hồi có duyên với khá nhiều nhạc cụ dân tộc. Anh có thể chế tác đàn talư, sáo tirel tre. Chàng nghệ nhân trẻ tuổi này còn sử dụng thành thạo đàn talư, đàn nhị, khèn, thanh la, đàn môi...

Mỗi chuyến đi biểu diễn xa nhà, Hồi đều dệt những trang phục thổ cẩm cầu kỳ nhất để giới thiệu với bạn bè. Anh tâm sự: “Thổ cẩm của người Vân Kiều rẻ nhưng, đầu ra rất hạn chế do ít người biết đến”.

Hồi bỏ lửng câu nói, gương mặt nhuốm buồn. Bên khung dệt con gái đầu của anh đang say sưa hướng dẫn cho em út Hồ Thị Hạ My (SN 1998) dệt chiếc khăn thổ cẩm.

“Cả vợ và ba đứa con gái mình đều say thổ cẩm cả” - Hồi nói.

Nắng xuống dần và tiếng khung dệt vẫn lách cách.

MỚI - NÓNG