Chat với sơn nữ Sa Pa

Chat với sơn nữ Sa Pa
TP - Một sơn nữ Sa Pa đã tự thay đổi “kịch bản” cuộc đời mình nhờ nỗ lực bản thân và... internet. Không chỉ vậy, cô còn muốn lập một trang web giới thiệu những điệu múa của các dân tộc ở Sa Pa.
Chat với sơn nữ Sa Pa ảnh 1
Mã Thị Sy và bạn đang vào mạng

Sa Pa, buổi sáng, trời mưa tầm tã, quán internet bên đường có mấy thiếu nữ dân tộc đang online.

Cô thiếu nữ má đỏ hồng, mắt đen láy, xinh tươi trong bộ váy thổ cẩm nói với tôi bằng tiếng Kinh rất thạo: “Anh thấy lạ lắm à? Bọn em vẫn hay lên cái mạng. Anh chat với em nhé?”.

Nick của cô gái ấy là cogaivungcaocatcat. Tôi online và bắt đầu chat. “Em ten gi?” - “My name is Ma Thi Sy”. Mã Thị Sy trả lời bằng tiếng Anh khiến tôi hơi bị “choáng”.

Sy nói tiếng Anh “bồi” như gió - kết quả của những lần hướng dẫn khách Tây đi tham quan hoặc “đeo bám” nài họ mua hàng.

Giờ đây, online là chuyện thường ngày của Sy và các bạn. Không chỉ online để chat, họ lướt web gửi e-mail cho bạn bè ở Hà Nội, TPHCM, tận Mỹ, Nhật, Đức...

Họ nhận được một kho thông tin khổng lồ từ mỗi lần online như thế. Nhờ internet, một sơn nữ bạn của Sy đã có tình yêu đẹp với một chàng trai dưới xuôi và nghe nói họ sắp làm lễ cưới.

Sy 16 tuổi, nhà ở Cát Cát, một bản du lịch nổi tiếng cách thị trấn Sa Pa khoảng 3 cây số. Nhà Sy có 7 anh chị em và không ai học hết lớp 5. Lớp 4, bố mẹ bắt nghỉ học, Sy ở nhà làm nương, đối mặt với “kịch bản” quen thuộc cho những cuộc đời con gái vùng cao: Lấy chồng, sinh một lũ con, lưng còng dần theo những chuyến gùi đi nương, không bao giờ ra khỏi bản.

Sy không chấp nhận “kịch bản” cũ rích đó. Cô sơn nữ tự tìm lối đi cho riêng mình. Biết khách sạn Victoria - Khách sạn lớn và nổi tiếng nhất Sa Pa- tuyển đội múa, Si đi bộ đến đăng ký. Ngay cả giám khảo khó tính nhất cũng phải gật đầu khi Sy múa. Dường như, cô gái người Dao này đã thấm, đã yêu những điệu múa, lời hát của dân tộc mình ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Đang độ trăng rằm, Sy múa làm biết bao trai bản phải ngẩn ngơ. Nhưng có ai biết để múa một cách tự nhiên, hồn nhiên và đạt đến độ “huyền ảo” như vậy, Sy đã phải khổ luyện như thế nào.

Nhón chân ứa máu, thân thể rã rời, vẫn múa. Đi làm nương về tối mịt, vẫn múa “câm” trong ánh lửa chập chờn. Người lớn bảo: “Múa nhiều rồi khổ đấy”. Hồi còn Pháp thuộc, máu của biết bao nhiêu cô gái múa xòe đã đổ trên sàn nhà vua Mèo...

Sy không nghĩ vậy, cô bé chỉ mơ ước làm sao điệu múa của dân tộc mình được nhiều nơi khác biết đến. Ước mơ có vẻ đã được chắp cánh khi Sy vào đội múa của khách sạn Victoria.

Cứ tối thứ Bảy hàng tuần, đội múa của Sy lại biễu diễn cho khách du lịch nước ngoài xem. Khi xem, nhiều vị khách đã sững người, rồi im lặng. Sy đọc được sự xúc động trong mắt họ. Những lúc như thế, Sy muốn khóc.

Đội múa khách sạn Victoria thường biểu diễn những điệu múa truyền thống của các dân tộc Sa Pa như Dao, Mông, Tày... Sy và các bạn đã được rất nhiều khách nước ngoài hâm mộ đến bắt tay, xin chụp ảnh, xin địa chỉ e-mail. Không ít người còn quay những điệu múa của Sy và các bạn, làm thành một video clip mang về nước.

“Em sap lay chong chưa?” - “Chưa, Sy chưa muon lay chong” - “The em co du dinh gi trong tương lai?” - “Em muon thi vào truong mua o Ha Noi. Muon lap mot cai trang web de gioi thieu nhung dieu mua cua cac dan toc Sa Pa”...

Ba thiếu nữ dân tộc đứng xung quanh Sy, nhìn lên màn hình vi tính. Ngay cạnh đó, một sơn nữ khác, tai bịt kín bởi chiếc tai nghe, đang mải mê nghe những bài hát trên mạng.

Thế giới vốn nhỏ bé của những thiếu nữ vùng cao như Sy, vốn bị che khuất bởi những ngọn núi quanh năm mây mù, giờ đã mở ra vô tận với mạng internet. Những thiếu nữ vùng cao ấy đang sống khác cuộc sống của cha mẹ, đang muốn viết lại “kịch bản” của đời mình.

“Tam biet anh nhe, den giơ em phai di guide rồi. See you again”. Sy chat một câu cuối, rồi đứng dậy, bước đi nhanh. Tác phong của sơn nữ bản Cát Cát xem ra đã “công nghiệp” lắm rồi.   

MỚI - NÓNG