Cháu không thể đến trường được nữa

Cháu không thể đến trường được nữa
TP - Một ngày đầu tháng Chín, khi tôi đang loay hoay đầu làng hỏi tìm người giúp việc, bỗng có một cô bé chừng mười bốn, mười lăm tuổi rụt rè tiến đến, vòng tay lễ phép rồi nói: “Chú làm ơn cho cháu về ở giúp việc cho gia đình chú, việc chi cháu cũng làm được”.
Cháu không thể đến trường được nữa ảnh 1
Ba mẹ con bà Hương trước sân nhà mình

Trên đường về nhà, cô bé nói cho tôi biết lý do xin được đi ở giúp việc của mình: “Nhà cháu nghèo nhất làng. Cháu học xong lớp 9, mới thi đậu vô lớp 10 nhưng không thể tiếp tục đi học nên tính đường đi ở để đỡ một miệng ăn và kiếm thêm ít tiền mua sách vở cho em chuẩn bị vô lớp 7”.

Sau một hồi vòng vèo trên những con đường nhấp nhô bên bờ ruộng, tôi cũng đến được nhà của cô bé, nằm xiêu vẹo ven bìa làng. Vừa vào đến đầu ngõ, cô bé hét toáng lên: “Mẹ ơi, có chú thuê con đi ở đây này”.

Một người đàn bà gầy quắt queo chống cái phên cửa chui ra, vừa dụi mắt vừa hỏi: “Mô con, ai thuê? Chao ôi, răng mà may rứa hè! Chào chú, mời chú vô nhà, mấy bữa ni đi hỏi miết mà có ai thuê cho mô”.

Nhấc cái bàn và chiếc ghế nhựa từ trong góc nhà ra đặt ở giữa nhà mời tôi ngồi, hai mẹ con ngồi trên chiếc giường tre tiếp chuyện. Khi tôi thắc mắc sao cháu thi đậu vào lớp 10 trường công lập, không cho cháu đi học bà òa khóc.

Bà Đào Thị Hương, sinh năm 1964, thôn Trung Sơn, xã Bắc Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh), chỉ học hết lớp 3 rồi ở nhà làm đồng áng và lên rừng lấy củi phụ giúp gia đình. 18 tuổi, bà được cha mẹ gả cho một người đàn ông trong làng hơn bà ba tuổi.

Về ở với nhau được năm năm mà vẫn chưa có con, bà nghĩ nguyên nhân là do mình nên bà đã chủ động chia tay phiêu bạt vào miền Nam kiếm sống. Sau mấy năm lang thang, sức khỏe ngày càng giảm sút, bà tìm đường về quê.

Trong ngôi nhà tranh của mẹ đẻ, hai người đàn bà thui thủi rau cháo nuôi nhau. Cạnh nhà, có ông Phạm Ngọc Tùng, hơn bà bảy tuổi, bị bệnh tâm thần nhẹ (người làng gọi man man) từ nhỏ, thi thoảng giúp hai mẹ con bà gánh củi.

Mẹ bà ngày càng yếu nên khuyên bà lấy Tùng để sau này nương tựa vào nhau. Nhiều lần như thế, bà chặc lưỡi “ra sao thì ra”. Thế là đầu năm 1993 bà khăn gói về nhà ông Tùng làm dâu.

Được hơn nửa năm, tự dưng bà bị lở loét khắp người. Có người độc miệng nói rằng mấy năm đi miền Nam bà quan hệ lung tung nên bị dính AIDS/HIV giai đoạn cuối. Thế là gia đình nhà chồng, hắt hủi đuổi bà ra khỏi nhà.

Bà mang bụng bầu về tá túc nhà anh trai cũng ở trong làng (lúc này mẹ bà đã mất). Không phản đối, mà cũng không chia sẻ, ông Tùng cứ lẳng lặng theo về với bà. Thương em gái, gia đình anh trai gom góp, vay mượn dựng cho vợ chồng bà một cái lều tranh ngoài bìa làng.

Ra ở riêng được mấy tháng, đầu năm 1994 bà sinh hạ cô con gái đầu lòng Phạm Thị Loan và tự dưng bệnh lở loét của bà cũng khỏi. Ba năm sau, 1997 bà sinh thêm cô con gái Phạm Thị Phượng.

Con nhà nghèo học giỏi

Bảo bé Loan chạy sang nhà hàng xóm xin nước về mời khách, bà Hương tiếp câu chuyện: “Lạ lắm chú à! Tui thì học chưa hết lớp 3, còn cha chúng nó thì mù chữ, rứa mà trời thương răng hai đứa con tui đều học giỏi. Lần lượt đứa chị rồi đến đứa em, cả hai nhiều năm liền đều đạt giải nhất văn toán toàn huyện”.

Tôi khuyên Loan nên ở nhà đi học. Loan òa khóc: “Xin chú cho cháu về ở với gia đình chú, việc chi cháu cũng làm được. Cháu chỉ xin chú cho cháu cơm ăn và một ít tiền để mua sách vở và đóng tiền học cho em thôi. Cháu mà không đi ở được thì em cháu cũng phải bỏ học”.

Bà Hương đứng lên giường với tay lấy một tập giấy dày cộp dắt trên mái nhà xuống trải lên bàn cho tôi xem. Tập giấy úa vàng và bị chuột gặm nham nhở toàn là giấy khen, giấy chứng nhận giải nhất văn toán tiểu học toàn huyện, giải nhất vở sạch chữ đẹp toàn huyện, thư khen của hiệu trưởng nhà trường... của hai chị em Loan và Phượng.

“Hơn một nửa học sinh làng ni có thi đậu lớp 10 mô. Rứa mà con Phượng nhà tui thi đậu, mà còn đậu điểm cao nữa. Chú coi hoàn cảnh gia đình như ri, ăn không đủ lấy chi cho con đi học. Tui thì đau yếu suốt, bệnh lở loét thì hết lâu rồi nhưng không biết răng thường xuyên mệt mỏi không làm được việc chi cho ra hồn. Tiền không có để đi khám, chỉ biết ra trạm xá xã nằm rồi lại về.

Cha hắn thì man man, ai thuê chi mần nấy, cho mấy lấy nấy. Mấy người trong làng kêu đi Quảng Trị phụ hồ bốn tháng rồi vẫn chưa về mà cũng không gửi tiền về. Ba mẹ con mấy bữa ni ăn khoai, ăn sắn đói vàng mắt. Không cho hắn nghỉ học răng được”, bà Hương kể

Đang nói chuyện thì Loan đưa nước về và dẫn Phượng về theo. Tôi hỏi bí quyết nào giúp hai cháu học giỏi, Loan thật thà: “Có bí quyết chi mô chú. Bọn cháu chịu khó nghe thầy cô giảng bài rồi thuộc luôn trên lớp, chứ về nhà cũng không có sách mà học”.

Phượng nhanh nhảu: “Thỉnh thoảng cháu cũng có được vài cuốn sách của mấy anh chị trong xóm học trước cho nhưng cũng không đủ. Còn năm ni chuẩn bị vô học năm mới rồi mà vẫn chưa xin được cuốn mô cả”.

Tôi cương quyết nói với ba mẹ con bà Hương là không thuê Loan nữa và thầm mong có một phép màu từ đôi đũa thần của các bà tiên để giúp hai cháu có cơ hội đến trường... 

Chia tay, ba mẹ con bà Hương ôm nhau đứng ở góc vườn khóc rưng rức. Tôi quay nhanh đầu xe trong lòng nặng trĩu. 

MỚI - NÓNG