Chạy bàn ở Berlin

Chạy bàn ở Berlin
Sinh viên Việt Nam đang du học tại Đức rất năng động. Phần lớn họ đều tìm cho mình một công việc làm thêm ngoài giờ học và bồi bàn có thể nói là nghề thông dụng nhất.
Chạy bàn ở Berlin ảnh 1
Một quán cà phê ở Berlin. Ảnh: Thanh Niên

Mới sang Đức được 1 năm và vừa kết thúc giai đoạn học tiếng để thi bằng DSH (bằng ngoại ngữ bắt buộc đối với sinh viên nước ngoài muốn du học tại Đức), Nga quyết định đi xin việc làm thêm trong khi chờ kết quả của trường đại học.

Một người quen đã giới thiệu Nga vào một quán ăn Thái nhưng do người Việt Nam làm chủ để làm nghề bồi bàn. Mừng như bắt được vàng, Nga hào hứng làm quen với công việc mới.

Tuy chưa có kinh nghiệm gì trong việc chạy bàn nhưng Nga là người chịu khó học hỏi và chỉ trong một thời gian ngắn cô đã bắt đầu quen việc. Bà chủ của Nga là một người phụ nữ xinh đẹp, rất biết cách chiều khách hàng. Công việc của Nga cũng không gặp trở ngại gì vì cô khá nhanh nhẹn.

Tuy nhiên, sóng gió bắt đầu nổi lên khi có nhiều khách hàng tỏ ra quý mến và tán thưởng cô trước mặt bà chủ về thái độ tiếp đón niềm nở và phục vụ chu đáo. Không ít người trong số đó tỏ ra có cảm tình với cô.

Thế rồi đến một hôm, khi có một khách hàng là nhiếp ảnh gia bày tỏ ý muốn được mời cô chụp ảnh mẫu thì bà chủ nổi cơn tam bành. Bà gọi cô vào bếp, mắng nhiếc và buộc tội cô lẳng lơ với khách và ra lệnh sẽ thay thế cô nếu như cứ nói cười với khách như vậy.

Cực chẳng đã, Nga quyết định bỏ việc ngay hôm đó vì không thể chịu được bà chủ. Đến bây giờ cô vẫn ấm ức khi kể lại câu chuyện "Em có được một đồng nào thêm khi niềm nở với khách đâu. Có chăng thì cũng vào túi bả hết. Mình đối xử với khách hàng niềm nở là mang lợi về cho chủ chứ có tơ hào đồng bạc nào thì hãy buộc tội lẳng lơ với khách để kiếm thêm tiền chứ".

Nga tấm tức nói và thề từ nay không làm việc cho quán nào mà chủ quán là đàn bà nữa.

Vừa chạy vừa... gào

Thu là sinh viên năm 3 trường đại học kỹ thuật Berlin. Cô là người đã có kinh nghiệm trong việc chạy bàn và đã nhảy việc không biết bao nhiêu lần. Quán cô làm cũng là một quán bán thức ăn Thái và Nhật nhưng do người Việt Nam làm chủ.

Ông chủ là một người rộng lượng, tốt bụng, biết quan tâm đến nhân viên và là người thành công trong lĩnh vực kinh doanh mặt hàng ăn uống. Làm việc trong môi trường thật sự thoải mái khiến Thu nghĩ mình là người may mắn và cô tự nhủ đây sẽ là lần nhảy việc cuối cùng. Tuy nhiên, khi được chuyển về làm tại một quán mới mở thuộc sự sở hữu của ông chủ thì Thu mới từ bỏ ý định làm việc "chung thân" tại đây.

Số là quán ăn này nằm trong một tổng thể 4 - 5 quán cả Tây lẫn ta trong một trung tâm buôn bán lớn và là quán ăn theo dạng tự phục vụ, nghĩa là bồi bàn chỉ chịu trách nhiệm dọn đồ vào.

Tất cả 4 - 5 quán đều xếp bàn ghế ra ngoài mặt tiền vì diện tích trong quán rất chật hẹp. Oái oăm thay, đồ ăn châu Á lại toàn đồ ăn nóng. Khi khách đặt, đầu bếp mới nấu nên không thể để khách đứng trước quầy để đợi.

Vậy là các "thượng đế" cứ đặt đồ ăn tại quầy xong là mạnh ai nấy ngồi, khách của quán này ngồi sang bàn của quán khác. Kết quả là khi đồ ăn được đưa ra thì bồi bàn phải vừa bê thức ăn vừa gào tên số món ăn và đi từ đầu này đến đầu kia của cả dãy như kiểu "trình diễn đồ ăn" cho đến khi có người giơ tay chịu nhận thì mới thôi.

Ai bảo chạy bàn cho Tây là sướng?

Hân may mắn hơn Nga và Thu ở chỗ cô tìm được ngay một việc làm tại một quán cà phê khá nổi tiếng của người Đức. Ngày mới vào làm việc, mặc dù là người châu Á duy nhất tại đây nhưng được ông chủ và bạn bè đồng nghiệp người Đức giúp đỡ nhiệt tình, Hân không cảm thấy lẻ loi trước môi trường hoàn toàn mới lạ.

Ban đầu Hân chỉ được làm những việc lặt vặt phụ giúp cho các đồng nghiệp khác như đánh bóng dụng cụ ăn uống, trợ giúp các đồng nghiệp bê nước trong khi quán đông khách. Dần dần thấy cô chịu khó, chân chất, không nề hà việc lớn nhỏ, ông chủ rất quý mến và để cô làm bồi chính rồi giao cho cô quản lý một số bàn trong quán.

Tiền lương 6 euro/giờ, ngày làm việc 8 tiếng, cộng thêm tiền boa của khách đã giúp cho Hân có khoản thu nhập kha khá phụ thêm tiền ăn học. Tuy nhiên, bù lại cô phải làm việc quần quật và... không theo một thời gian biểu nào cả.

18h bắt đầu làm việc nhưng nếu quán vắng khách thì nhân viên quản lý sẽ yêu cầu cô đợi cho đến khi khách bắt đầu đông lên. Có khi là 30 phút, 1 tiếng, khi thì tiếng rưỡi, cô cứ phải ngồi chờ như vậy cho đến khi có lệnh bắt tay vào làm việc.

Hơn thế nữa, nếu buổi tối vắng khách thì họ lại bảo cô về sớm. Khi nào đông thì ở lại làm thêm giờ. Có hôm Hân phải làm việc đến 2 giờ sáng mới được nghỉ mà thời gian làm việc được tính vẫn chỉ là 7- 8 giờ.

Sự thất thường và không rõ ràng trong giờ làm việc đã khiến Hân rất chán nản và không đảm bảo sức khỏe để sáng hôm sau tiếp tục lên giảng đường. Đến lúc đó cô mới hối hận về việc đã không thỏa thuận rõ ràng với chủ trước khi nhận lời làm việc. Được một thời gian Hân đành quyết định nghỉ việc để tập trung cho việc học hành.

Sinh viên nơi đất khách quê người đi làm thêm vì muốn kiếm thêm chút tiền tiêu vặt hoặc muốn bố mẹ bớt gánh nặng nơi quê nhà. Đồng lương kiếm được cũng không phải là nhiều. Nếu làm cho người Việt Nam, thông thường, giờ làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối hoặc 11 giờ trưa đến 11 giờ đêm mà tiền lương chỉ có 50 euro, chỗ nào may mắn thì có thêm chút tiền boa. Làm cho Tây thì tiền lương cao hơn nhưng lại khó kiếm.

Một điều đáng lưu ý ở đây là sự thỏa thuận giữa hai bên trước khi bắt tay vào việc là rất quan trọng. Chính vì nhiều bạn có ý nghĩ "miễn là có việc làm" nên không quan tâm đến chuyện tìm hiểu cụ thể công việc và hậu quả là xảy ra những trường hợp dở khóc dở cười trên.

Theo Thùy Trâm
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.