Từ bài báo “Lá thư kêu cứu của một nữ sinh”

Chị đã từng bị như em và...

Chị đã từng bị như em và...
TP - Hôm đọc những dòng viết của em qua bài bài báo “Lá thư kêu cứu của một nữ sinh”, chị đã không thể đọc đến những dòng cuối cùng bởi nó như đang kể về một quãng đời của chị. Thật khủng khiếp!

>> Mời các bạn tham gia "Diễn đàn tuổi Teen"

Sau những đêm trằn trọc, chị quyết định đọc hết những dòng tâm sự của em. Chị không phải là nhà tâm lý để có thể mổ xẻ vấn đề cho em hiểu rõ bản chất để có hướng giải quyết tốt nhất.

Chị cũng không phải là người thân hay người bạn thân của em để có thể sớm tối động viên, khuyên nhủ em. Chị chỉ có thể kể cho em nghe chị đã vượt qua sự khủng hoảng của mình như thế nào. Mong rằng câu chuyện của chị sẽ giúp em được phần nào.

Cách đây đã rất lâu, chị cũng đã bị dụ dỗ và bị lạm dụng tình dục như em. Lúc đó chị mới học cuối cấp THCS. Chị đã không thể kể chuyện đó với ai vì chị lờ mờ hiểu rằng, nếu nói ra, cuộc đời của chị và những người khác sẽ bị rơi vào địa ngục.

Chị sống cô lập, và cũng có những ý nghĩ kinh khủng như em hiện nay. Nhưng rồi kỳ thi tốt nghiệp THCS và thi vào THPT đang đến gần, chị vùi đầu vào học. Chị đã vượt qua cả hai kỳ thi đó một cách xuất sắc. Điều đó làm cả nhà chị rất vui.

Những bạn bè mới, chị chỉ dừng lại ở quan hệ biết tên, biết mặt. Ngoài những lúc học, chị trốn trong không gian riêng của mình chìm vào những bài nhạc vàng ủy mị. Một hôm, chị quyết định chép lại những bài hát đó vào một cuốn sổ tay của chị.

Khi hoàn thành cuốn sổ đó, chị nghĩ, khi chết đi, chị đã có một thứ để mang theo. Rồi việc chép bài hát dường như trở thành thói quen của chị. Chị chép rất nhiều bài: Từ nhạc vàng, nhạc tiền chiến, nhạc đỏ, nhạc trẻ, đến dân ca. Số lượng bài hát cứ tăng lên, hình như nó đã trở thành sở thích của chị lúc nào không hay.

Một hôm, chị mang tờ nháp chép bài hát đến lớp nhờ một cô bạn thích ca nhạc chép cho chị một bài, rồi hai bài, ba bài; rồi chị nhờ thêm những bạn gái khác. Thật ngạc nhiên là việc chép bài hát vào sổ trở thành một phong trào của lớp chị. Rồi mọi người rủ chị tham gia các hoạt động của lớp. Ban đầu, chị kiên quyết từ chối, sau rồi chị cũng tham gia với ý nghĩ “tham gia cho thay đổi không khí”.

Từ chỗ tham gia cho vui, chị bắt đầu tham gia vào việc tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao của lớp. Quan hệ bạn bè của chị đã cởi mở hơn, và nỗi đau của chị cũng dần vơi đi. Song, với các bạn trai, chị vẫn rất cay nghiệt. Đến nỗi, họ rất sợ chị, không ai dám trêu trọc hay tranh luận với chị bất cứ điều gì.

Cứ như vậy, chị học xong THPT rồi thi vào đại học. Trong lớp chị có một bạn trai (hơn chị 1 tuổi, tính rất trẻ con) đã tuyên bố với cả lớp: “Gọi bà này (tức là chị) bằng anh để khỏi bị bắt nạt”. Và bạn đó gọi chị bằng “anh” thật.

Chị cũng chấp nhận điều đó như một sự miệt thị đối với đám con trai. Nhưng rồi “cậu em trai” bất đắc dĩ suốt ngày trêu chọc, tâm sự, nhờ vả, giúp đỡ mình, ban đầu chị rất khó chịu, nhưng với cái tính trẻ con của người đó, chị bắt đầu có cách nhìn khác với con trai. Chị dần trở lại với cuộc sống bình thường, chị bắt đầu hòa đồng được với mọi người.

Từ đó, chị thấy lòng mình thanh thản hơn khi không phải nhốt mình vào cái vỏ cay nghiệt và cô độc; chị không còn gặp những ác mộng nữa. Nỗi đau của chị, chị chôn chặt trong lòng, không một ai biết. Ngay cả với chồng của chị bây giờ cũng không biết chuyện đó. Bây giờ chị đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc, một công việc ổn định.

Kể lại với em những chuyện sâu kín trong lòng chị, chị thấy rùng mình sợ hãi. Nhưng chị nghĩ chỉ khi ta đối diện với nó thì mới chiến thắng được nó để lấy lại cuộc sống đích thực cho mình. Chị mong em sớm thoát khỏi tình trạng này để lại có niềm vui của cuộc sống. Cái gì đã qua đừng nên để nó níu kéo mình em ạ, nhiều cái ở phía trước đang chờ đợi em, hạnh phúc sẽ đến nếu em chịu đấu tranh để có nó.

Nếu cần thì hãy email cho chị. Chúc em học tập tốt và sớm tìm được nguồn vui trong cuộc sống.

MỚI - NÓNG