Chị giầy cao gót, mẹ tôi lưng còng

Chị giầy cao gót, mẹ tôi lưng còng
TP - Nghe tin chị về, mẹ rơm rớm nước mắt, cập rập thu dọn gánh hàng rau. Chẳng gì đã nửa năm rồi chị không về nhà dù trường chị cách nhà có 100 cây số.
Chị giầy cao gót, mẹ tôi lưng còng ảnh 1

Thương chị đi học xa nhà thiếu thốn đủ bề, mẹ mua bao nhiêu thứ về làm cơm. Toàn những món chị thích.

Trong nhà, mẹ cưng chị nhất, không chỉ bởi vì chị giống mẹ. Chị nhỏ người nhưng học rất giỏi. Mẹ tự hào về chị, tự hào với gánh rau có thể nuôi chị học tại một trường đại học danh tiếng ở Thủ đô.

Mẹ ngỡ ngàng trước sự thay đổi của chị. Áo chẽn, quần bò, giầy cao gót. Mấy cái áo điệu đà chị bảo lỗi mốt không mặc rồi cho em. Em ngượng ngập ướm thử rồi lại cất đi ngay.

Chị đã vượt ra khỏi sự che chở của mẹ. Hình như mẹ nhận ra vòng tay thân thương của mẹ giờ đã không đủ để ôm chị nữa. Chị bảo đi ra phải như thế mới sống được, kẻo người ta coi thường. Em thấy mẹ chỉ lặng lẽ gật đầu.

Chị về mấy ngày hè mà bạn bè đến nườm nượp rủ chị đi chơi. Ai cũng xuýt xoa khen chị dạo này trắng hơn, xinh hơn, điệu đà hơn, không còn là “còi” xấu xí của ngày xưa nữa. Em đọc được trong mắt chị niềm kiêu hãnh. Chị đi chơi suốt, ngoài bữa cơm đầu tiên, còn lại chưa bữa cơm nào chị có mặt ở nhà.

Tối về mệt, chị lên giường đi ngủ luôn nên chẳng còn thời gian thủ thỉ tâm sự với mẹ như trước nữa. Em hậm hực trách chị lớn rồi mà vô tâm. Mẹ cười bảo em chịu khó giúp mẹ hái nốt mấy luống rau để chị đi chơi vui vẻ. Thấy chị vui thì dù vất vả mẹ cũng cố gắng.

Trước ngày chị đi, mẹ gom nhặt tiền đủ để chị ăn học tiêu pha. Nhưng chị nói tháng trước chị bị mất tiền, vay tạm của bạn, bây giờ phải trả. Nét buồn hiện rõ trên gò má nhô cao đã sạm đen sương gió của mẹ. Mẹ lại tất tả vào buồng lấy số tiền định mua thuốc chữa bệnh.

Đưa cho chị, mẹ ngập ngừng: “Tiền nong là mồ hôi nước mắt mẹ chắt chiu dành dụm, con nhớ giữ cẩn thận. Kiếm được tiền thì khó chứ tiêu thì bao nhiêu chả thiếu...”. Không để mẹ nói hết câu, chị giận dỗi nước mắt ngắn dài bỏ ra ngoài. Mẹ lắc đầu thở dài, lặng thinh. Dáng ngồi khắc khoải của mẹ hằn in trong ánh chiều tà.

Dù cố nén, những tiếng ho của mẹ cứ kéo dài trong đêm. Em nằm mà không sao chợp mắt được. Nghĩ thương mẹ mà nước mắt cứ vòng quanh, chỉ ước sao mình có thể lớn hơn. Quàng tay sang ôm chị, chị gắt: “Ngủ đi nhóc! Ngày mai chị còn phải đi sớm”.

Chị à! Có thực chị vô tâm không nhận ra mái tóc mẹ giờ đã bạc quá nửa, không nhận ra những nếp nhăn hằn in trên trán và khóe mắt mẹ ngày càng nhiều, không nghe thấy tiếng trở mình trong đêm của mẹ. Không thấy lưng mẹ đã còng hơn sao? Có thực đó là điều mà chị đã thay đổi từ khi xa vòng tay mẹ không, hả chị?

Mùa hè này chị thông báo là không về quê vì bận đi thực tập. Mẹ vẫn còng lưng gửi tiền lên cho chị. Mấy hôm trước em xem ti vi thấy chị vắt vẻo sau xe một chàng tóc vàng hoe, uốn lượn trêu người công an.

Hình ảnh chị lại xuất hiện trong phóng sự truyền hình về một nhóm thanh niên chuyên chơi bời lêu lổng. Em giấu mẹ nhưng lòng buồn vô hạn. Chị là người em luôn nghĩ sẽ noi theo giờ đã như thế này rồi sao?!

Nhìn tóc mẹ bạc thêm mà lòng em quặn thắt. Đọc những dòng này chị có nhận ra em gái không? Em mong chị thay đổi, chị thay đổi đi vì mẹ đã ngày một già hơn.

Đặng Thị Thảo
Lớp CĐ Báo chí 1C Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình T.Ư1
Phủ Lý, Hà Nam

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.