Chia sẻ các câu chuyện đẹp để lan tỏa

Bạn trẻ tình nguyện nhặt rác trên phố đi bộ Nguyễn Huệ sau trận chung kết bóng đá U23 châu Á mới đây. (Ảnh minh họa: NGÔ TÙNG)
Bạn trẻ tình nguyện nhặt rác trên phố đi bộ Nguyễn Huệ sau trận chung kết bóng đá U23 châu Á mới đây. (Ảnh minh họa: NGÔ TÙNG)
TP - “Mỗi bạn trẻ hãy cùng tham gia chia sẻ các câu chuyện đẹp, những trạng thái tích cực, để từ đó tạo nên những cảm xúc đẹp và lan tỏa đến mọi người…”, anh Dương Trọng Phúc, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM, đề xuất tại buổi tọa đàm “Văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng”, ngày 29/3.

Tạo trào lưu tốt để định hướng cho thanh niên

Phát biểu tại tọa đàm, anh Dương Trọng Phúc, dẫn một số liệu cho thấy, tính riêng thanh niên TPHCM bỏ ra 3,3 giờ mỗi ngày cho việc sử dụng Facebook (nhiều hơn 1 giờ so với trung bình trên thế giới).Trên mạng xã hội Facebook, bạn trẻ đã tham gia sôi nổi rất nhiều trào lưu tích cực lẫn trào lưu chưa tốt. Nhiều hành động tốt và chưa tốt này đã diễn ra trong thực tế chứ không chỉ là lời “kêu gọi” suông trên mạng với sự tham gia của đông đảo bạn trẻ.

Theo anh Phúc, bạn trẻ tham gia môi trường mạng phần nào để được thể hiện cái tôi, chia sẻ cái độc đáo, riêng biệt của họ. Mặt khác họ cũng muốn được hòa nhập, được sẻ chia, tương tác với cộng đồng mạng như mình.“Điều chúng ta lưu tâm là tính an ninh, an toàn của các trào lưu đó khi nó được tổ chức trên mạng. Vì thế, cùng với tổ chức Đoàn - Hội, tôi mong rằng mỗi bạn trẻ hãy cùng tham gia chia sẻ các câu chuyện đẹp, những trạng thái tích cực, để từ đó tạo nên những cảm xúc đẹp và lan tỏa đến mọi người. Nếu chúng ta tạo trào lưu tốt để định hướng cho các bạn thanh niên, chắc chắn các bạn không còn lâm vào các trào lưu vô bổ”, anh Phúc đề xuất.

Anh Trương Thế Cường, Quận Đoàn 6, TPHCM, cho rằng tổ chức của thanh niên phải là nơi làm mẫu hình cho việc tạo lập và duy trì những thói quen tốt. Theo đó, tập thể nơi anh Cường làm việc đã thực hiện các nề nếp lề lối như một sự cam kết và tôn trọng chính thanh niên. “Bạn trẻ cũng cần có văn hóa thưởng thức khi theo dõi các chương trình văn hóa nghệ thuật. Và chính ban tổ chức cũng phải tôn trọng khán giả của mình bằng việc đáp ứng chất lượng phục vụ trong chương trình. Khi cảm nhận được sự bổ ích của chương trình, người ta sẽ tự khắc tìm đến xem”, anh Cường dẫn chứng.

Anh Thanh Minh (Đoàn trường Đại học Sư phạm TPHCM) nêu quan điểm, bên cạnh sự dẫn dắt, nêu gương của Đoàn, cũng cần có các hình thức cưỡng chế mới có thể hình thành thói quen tốt cho thanh niên và mọi người.

Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ bản thân

Dưới góc nhìn của một người viết quan tâm đến mảng môi trường, nhà báo, nhà văn Phương Huyền dẫn ra nhiều ví dụ thực tế về thực trạng bạn trẻ xả rác bừa bãi ra môi trường xung quanh sau mỗi hoạt động lễ hội, mỗi cuộc vui chơi. Theo chị Phương Huyền, để dần khắc phục vấn nạn này, chúng ta cần có những gương người tốt, việc tốt để nêu gương và dẫn dắt mọi người cùng làm điều tốt. “Không cần làm gì to tát, mỗi người cứ làm từng bước nhỏ, chuyện nhỏ nhưng cố gắng duy trì dài lâu. Mỗi người trẻ cũng đừng ngại bày tỏ quan điểm khi mình đang hành động, bảo vệ điều đúng. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ chính bản thân mình nên mình phải hành động ngay”, chị Huyền nói.

Dưới góc nhìn của một nhà tâm lý sư phạm, TS. Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TPHCM, cho rằng mỗi người phải hành động thật văn minh, văn hóa trong mọi lúc mọi nơi. “Chúng ta cũng đừng hô hào, kêu gọi, mà hãy là  minh chứng của hành động đẹp, để dần tạo ra trào lưu đủ mạnh lôi cuốn mọi người làm theo. Ngay tại gia đình, cha mẹ phải là tấm gương tốt để con trẻ học hỏi, noi  theo. Cha mẹ cũng cần dạy con hội nhập với xã hội hiện đại, quan sát, học hỏi các hành vi văn minh bên ngoài”, TS. Thúy nói.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, nói việc thực hiện nề nếp ứng xử văn hóa, nếp sống văn minh nơi công cộng là “cuộc vận động cách mạng” sâu rộng, mang tính kiên trì và lâu dài, trong đó không thể thiếu vai trò chủ đạo của lớp trẻ. Chúng ta cũng cần đúc kết, nhân rộng các mô hình, giải pháp hay trong việc duy trì văn hóa ứng xử và nếp sống văn minh nơi công cộng.

Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cho rằng người trẻ phải tiên phong, nêu gương việc tốt, đồng thời cần mạnh dạn chấn chỉnh những cái xấu để góp phần đẩy lùi những biểu hiện thiếu văn hóa. Theo bà Thư, thói bàng quan trước sự sai quấy cũng là biểu hiện của cách ứng xử chưa văn hóa. Đoàn thanh niên phải đồng lòng, chung sức hành xử trước những hành động sai quấy.

“Trong văn hóa ứng xử, tổ chức Đoàn phải lưu tâm đến văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trẻ. Là những người được đào tạo bài bản, có kiến thức, kỹ năng tốt, các bạn hãy xem người dân nhìn vào đội ngũ mình trên nhiều lĩnh vực như thế nào, nhất là những ai công tác ở các cương vị thường xuyên tiếp xúc với người dân. Nếu đoàn viên thanh niên, người trẻ chúng ta làm tốt sẽ khiến những cán bộ chưa chuẩn mực soi vào mà làm theo”, bà Thư nói.

“Chúng ta cũng đừng hô hào, kêu gọi, mà hãy là minh chứng của hành động đẹp, để dần tạo ra trào lưu đủ mạnh lôi cuốn mọi người làm theo. Ngay tại gia đình, cha mẹ phải là tấm gương tốt để con trẻ học hỏi, noi  theo. Cha mẹ cũng cần dạy con hội nhập với xã hội hiện đại, quan sát, học hỏi các hành vi văn minh bên ngoài”.  

 TS. Phạm Thị Thúy

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.