Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam 2016-2020: Đề xuất nhiều đề án mới

Thanh niên tham gia góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: P.H.
Thanh niên tham gia góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: P.H.
TP - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, với vai trò triển khai Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2 (2016-2020), ngày 18/8, Bộ  Nội vụ phối hợp Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, thanh niên góp ý vào các mục tiêu cơ bản của chiến lược với nhiều đề án, dự án mới được đề xuất.

Thêm 8 đề án mới

Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2 (từ 2016 - 2020) bao gồm 6 mục tiêu cơ bản đã được Thủ tướng giao Bộ Nội vụ cụ thể hóa bằng các đề án, giải pháp thực hiện. Bên cạnh những dự án đã có trong giai đoạn 1, Bộ Nội vụ đề xuất thêm 8 đề án, dự án mới do các bộ ngành liên quan chủ trì trong giai đoạn 2016-2020.

Các đề án gồm: Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên (do Bộ Tư pháp chủ trì nhằm đạt được mục tiêu 70% thanh niên nông thôn, đô thị và công nhân được bồi dưỡng chính trị pháp luật). Đề án tuyển chọn, đào tạo và sử dụng công chức lãnh đạo trẻ cấp phòng ở cấp huyện và cấp tỉnh (Bộ Nội vụ chủ trì). 

Đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động và việc làm (thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì). Đề án dạy nghề và giải quyết việc làm đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an (đề xuất giao Bộ Quốc phòng thực hiện). Đề án hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp nhằm tăng 30% số thanh niên khởi nghiệp so với năm 2015 (giao Bộ KH&ĐT thực hiện). 

“Những đề án nói trên sẽ do Bộ Nội vụ tư vấn, trình Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Chậm nhất trong quý 4 năm 2016 sẽ chuyển đến các bộ, ngành liên quan để đảm bảo lộ trình các đề án được triển khai trong năm 2017”. 

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên- Bộ Nội vụ

Ngoài ra, để đạt mục tiêu thanh niên được vui chơi, giải trí đạt 2 giờ mỗi ngày, Đề án phát triển hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao cho thanh niên ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi sẽ do Bộ VH-TT&DL phối hợp thực hiện. Đề án thứ 7 sẽ được giao cho Bộ Y tế chủ trì là “Trang bị kiến thức, kỹ năng sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên” nhằm giảm 70% tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên. Đề án thứ 8 do Đoàn Thanh niên xây dựng “Huy động các sáng kiến của thanh niên nhằm tăng cường tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tình dục cho nhóm thanh niên yếu thế, nhất là vùng dân tộc thiểu số, thanh niên di cư”.

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đang dần tiếp cận hoạt động theo luật, hòa nhập với sự phát triển của thanh niên thế giới và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, qua giai đoạn 1, xuất hiện những vấn đề cần quan tâm bổ sung với sự tham gia của rất nhiều bộ, ngành. “Làm chính sách cần phải bám sát thực tế, không thể cứ ban hành thiếu tính khả thi, chưa thực hiện đã phải chỉnh sửa”, ông Thừa nói.

Tăng cường giám sát, tránh đầu tư dàn trải

Để tránh việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên chỉ mang “dấu ấn” và việc riêng của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên (Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, cần rà soát lại tất cả các đề án, chương trình các bộ ngành khác đã và đang thực hiện nhằm tránh việc đề xuất ban hành nhiều đề án có nội dung trùng lặp.

Ông Khổng Tuấn Anh, Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững cho rằng, Chiến lược phát triển thanh niên chưa đầu tư đúng mức cho công tác hội nhập quốc tế của thanh niên, cần có đề án dạy và sử dụng ngoại ngữ một cách hiệu quả hơn. Còn theo ông Nguyễn Viết Trọng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình, mục đích của Chiến lược cần đạt được là làm sao để thanh niên có hoài bão, có nghị lực để cống hiến, phục vụ đất nước. 

Thực tế, khâu giáo dục còn mờ nhạt, thực tiễn đội ngũ lực lượng thanh niên có hoài bão không nhiều. “Để đạt được mục tiêu 90% thanh niên được giáo dục hướng nghiệp, trước hết cần quan tâm giáo dục về ý thức kỷ luật lao động cho thanh niên bởi hiện tính tự giác, kỷ luật chưa cao. Thực tế, nhiều công nhân khi có dám sát thì làm tốt, nhưng người quản lý vừa quay đi, họ sẵn sàng làm ẩu”, ông Trọng nói.  

Nhiều sinh viên cũng đề xuất phải có đề án riêng chăm sóc sức khỏe cho thanh niên công nhân, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân; phòng tránh bạo lực giới và bạo lực trong gia đình… Giải đáp những ý kiến trên, TS Dương Quang Tung, thành viên Ban soạn thảo Chiến lược phát triển thanh niên thuộc Bộ Nội vụ cho biết, Ban soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến bổ sung thêm một số chỉ tiêu cụ thể cho một nhóm đối tượng cụ thể được thể hiện trong từng dự án, đề án, nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả các nhóm đối tượng thanh niên khác nhau.

Về tổ chức thực hiện, dự thảo Chiến lược quy định sẽ tổ chức đối thoại thanh niên ít nhất mỗi năm một lần để đánh giá việc thực hiện các đề án. Đồng thời, với vai trò cơ quan đại diện tiếng nói và quyền lợi của thanh niên, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam phối hợp với T.Ư Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch toàn bộ Chiến lược.

MỚI - NÓNG