Chiến thắng giới hạn bản thân

Hồng Mai (giữa), tham gia hoạt động tình nguyện Ảnh: NVCC
Hồng Mai (giữa), tham gia hoạt động tình nguyện Ảnh: NVCC
TP - Khiếm khuyết mất một cánh tay trái nhưng nữ sinh viên Phạm Thị Hồng Mai(SN 1997, khoa Quản trị - Tài chính, ĐH Hàng hải Việt Nam) đã nỗ lực vượt lên giới hạn bản thân, không chỉ học giỏi mà tích cực tham gia hoạt động tình nguyện, cống hiến cho cộng đồng. 

“Mỗi người sinh ra ai cũng muốn mình được lành lặn nhưng không phải ai cũng được vậy. Bản thân tôi là một trong những người không may mắn khi sinh ra đã bị thiếu đi cánh tay trái”, Phạm Thị Hồng Mai mở đầu câu chuyện giới thiệu về mình.

Suốt 12 năm học phổ thông, Hồng Mai sống khép mình, tự ti về khiếm khuyết của bản thân. “Tôi luôn nhủ lòng mình phải lạc quan, tin tưởng vào bản thân, phải nỗ lực để chứng minh mình có thể làm được việc như bao người bình thường khác”, Mai bộc bạch. Nhưng phải đến khi bước chân vào cánh cổng trường đại học Mai mới làm được điều đó. Ngoài việc học, Mai quyết định đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện: Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh, hiến máu tình nguyện, Mùa đông nơi biên giới… và luôn trở thành một nhân tố tích cực trong các phong trào.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, hình ảnh nữ sinh viên chỉ có một tay chạy thoăn thoắt giữa trời nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn cho thí sinh và người nhà thí sinh đã khiến mọi người phải ngỡ ngàng về một cô gái khuyết tật luôn nở nụ cười trên môi. “Khi được khoác lên mình áo xanh thanh niên, tôi càng thêm sự đam mê nhiệt huyết và động lực vượt qua mọi khó khăn. Điều đặc biệt là tôi thấy mình tự tin hơn, vì được làm điều ý nghĩa giúp đỡ mọi người”, Mai chia sẻ.

Từ đó, Mai dành nhiều tâm sức, thời gian cho hoạt động tình nguyện. Trong chiến dịch Mùa hè xanh năm 2017, Hồng Mai cùng đội tình nguyện của trường ĐH Hàng hải Việt Nam có chuyến tình nguyện 2 tuần tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy(Hải Phòng), giúp người dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường, vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ. Đây là lần xa nhà đầu tiên trong đời của Mai. Bố mẹ Mai ủng hộ con gái, giữa chiến dịch tình nguyện đã đến tận nơi thăm, động viên con tiếp tục làm những việc mình thực sự yêu thích.

Với tinh thần tương thân, tương ái, Mai đặc biệt dành nhiều tâm sức cho CLB hiến máu tình nguyện của trường ĐH Hàng hải. “Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái như Bác Hồ từng dạy. Học Bác, tôi đã nỗ lực rất nhiều để đưa phong trào hiến máu cứu người của sinh viên Hàng hải phát triển mạnh mẽ”, Mai chia sẻ.

Cô thường xuyên mang tờ rơi đi tuyên truyền tại các lớp, khoa, các điểm công cộng, tuyên truyền trên mạng xã hội. Nhờ đó, CLB hiến máu tình nguyện ĐH Hàng hải Việt Nam nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu về phong trào hiến máu tình nguyện của thành phố Hải Phòng. Với những chương trình hiến máu như: “Ngày thứ Bảy hồng”, “Ngày Chủ nhật đỏ”, “Ngày toàn dân hiến máu 7-4”, “Những giọt máu hồng hè”, bình quân mỗi chương trình thu được từ 1.000 - 1.200 đơn vị máu.

Nữ sinh Hồng Mai luôn là người dẫn đầu về kết quả học tập của lớp và của khoa. Ghi nhận sự nỗ lực không ngừng nghỉ đó, năm 2018, Hồng Mai trở thành một trong 333 thanh niên tiêu biểu tham gia Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác do T.Ư Đoàn tổ chức và là 20 gương mặt tiêu biểu nhất của Đại hội. Sau khi được vinh danh, Mai tiếp tục nỗ lực và xuất sắc đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố năm 2018.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.