'Chim én' đi để lớn

'Chim én' đi để lớn
TP - Đó là phương châm của Chim én 2011 Đào Thị Quỳnh Trang , nữ sinh ĐH Y tế cộng đồng.

Những người trẻ thắp lửa rẻo cao

Cô cùng nhóm tình nguyện Cỏ ba lá vừa được nhận giải thưởng Chim én dành cho tập thể, cá nhân đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Vốn con nhà nghèo ở huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), từ 6 tuổi đã xa gia đình lên thành phố học, nên Trang sống cá tính và cảm thông với trẻ em vùng quê. Vừa vào ĐH, Trang đã tham gia chương trình Mùa đông ấm Yên Bái, giúp bạn thêm đam mê hoạt động thiện nguyện, làm bạn với trẻ em vùng cao. Những chuyến đi đến các bản làng xa xôi cứ thế tiếp nối.

Cuối năm 2009, nhóm tình nguyện Cỏ ba lá do Trang sáng lập ra đời với 15 thành viên cùng hàng chục tình nguyện viên là sinh viên tại Hà Nội. “Nâng bước chân trẻ miền núi là dự án đầu tiên của nhóm nhằm khuyến khích, động viên em nhỏ tới lớp học và làm thay đổi nhận thức của phụ huynh trong việc cho con tới lớp”, Trang nói. Dự án này được bình chọn là một trong 10 dự án xuất sắc nhất toàn quốc trong lễ trao giải Mầm nhân ái năm 2009, được tài trợ kinh phí từ năm 2010 cùng giải thưởng Chim én năm 2011.

Tuy vậy, dự án cũng gặp phải không ít khó khăn vì đa phần thành viên trong nhóm là sinh viên nên chỉ sắp xếp được thời gian vào những dịp cuối tuần, nghỉ lễ. Vượt qua tất cả, sau hơn 1 năm triển khai, số trẻ tới trường của xã Bản Công, huyện Trạm Tấu đã tăng mạnh.

Trang và nhóm Cỏ ba lá đang xây dựng kế hoạch để mở rộng dự án Nâng bước chân trẻ miền núi sang các bản khác của xã Bản Công, Pá Hú (huyện Trạm Tấu). Nhóm Cỏ ba lá còn xây dựng Thư viện xanh, lập quỹ Hũ gạo vùng cao, Học bổng hiếu học. Sắp tới, nhóm còn lên kế hoạch xin tài trợ thực hiện dự án Đưa nước sạch đến với đồng bào nghèo tỉnh Yên Bái...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG