Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI

Chinh phục những đỉnh cao công nghệ

TP - Họ là những người Việt trẻ thế hệ 8X, 9X nổi bật ở Thung lũng silicon. Họ đã chinh phục được những đỉnh cao, khẳng định bản lĩnh trí tuệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Robot chăm sóc sức khỏe

TS Vũ Duy Thức là một nhân vật nổi tiếng trong giới startup tại Việt Nam. Anh từng là tiến sĩ công nghệ thông tin (chuyên ngành trí tuệ nhân tạo) người Việt trẻ nhất tại Đại học Stanford (Mỹ). Anh là một trong 40 gương mặt trẻ được tờ Silicon Valley Business Journal (tờ báo hàng đầu ở Thung lũng Silicon - Mỹ) vinh danh bởi có hoạt động nổi bật nhất trên tất cả lĩnh vực tại đây.

Chinh phục những đỉnh cao công nghệ ảnh 1 TS. Vũ Duy Thức.

Hiện anh Thức là nhà đồng sáng lập và CEO của Công ty OhmniLabs, chuyên cung cấp robot giúp kết nối, thích hợp cho mọi người, đặc biệt là người cao tuổi không quen sử dụng công nghệ. Người điều khiển có thể kiểm soát robot từ xa thông qua phần mềm. Robot có gắn máy tính bảng và có khả năng di chuyển. Hai bên có thể nhìn thấy hình ảnh của nhau và trò chuyện trực tiếp thông qua webcam.

Anh Thức chia sẻ, để khẳng định được mình ở Thung lũng silicon cũng như cho ra đời nhiều công trình chăm sóc sức khoẻ thành công là bắt đầu từ “lòng nhân ái” của bản thân. Theo anh Thức, giá trị con người quan trọng nhất là “lòng nhân ái” với quan niệm, khi con người mất đi cũng không mang theo được vật chất hay danh vọng. Vì vậy quan trọng nhất là làm được gì cho gia đình, xã hội và để lại tình cảm gì cho mọi người.

Chính “lòng nhân ái” đã thúc đẩy vị CEO này theo đuổi nhiều dự án xã hội, đồng sáng lập quỹ học bổng VietSeeds dành cho sinh viên nghèo vượt khó. Anh Thức còn là nhà đồng sáng lập mạng xã hội Katango - công ty phần mềm đầu tiên do người Việt sáng lập được Google mua lại. Anh cũng là người đồng sáng lập ứng dụng trò chuyện Tappy, sau đó được một công ty tại Thung lũng Silicon mua lại là Weeby.

Chinh phục những đỉnh cao công nghệ ảnh 2 GS. Vũ Ngọc Tâm.

Đi tới tận cùng bản chất của vấn đề

Tốt nghiệp Ðại học Bách khoa Hà Nội năm 2006, bảy năm sau, anh Vũ Ngọc Tâm sang Mỹ du học và nhận bằng tiến sĩ ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Rutgers. Năm 2013, anh nhận hàm giáo sư, sáng lập và làm giám đốc phòng thí nghiệm các hệ thống di động và kết nối tại trường Colorado Denver. Tại đây, anh đã tập trung sáng chế ở lĩnh vực y tế, nghiên cứu nhằm xây dựng hệ thống thông minh cải thiện, thay đổi cách thức chăm sóc sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em. GS. Tâm hiện có 10 bằng sáng chế ở Mỹ.

Nói về bản lĩnh của những người trẻ khi quyết định khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng chế, GS. Tâm cho rằng: Các bạn trẻ phải luôn đặt ra câu hỏi, thay đổi giả thuyết để tìm ý tưởng mới, luôn giữ cho đầu óc mở, không nên chấp nhận bất cứ chuẩn nào và đi tới tận cùng bản chất của vấn đề để tìm ra “chuẩn” của riêng mình. Bởi mọi giới hạn đều có thể đạt tới nếu xác định đúng hướng và cố gắng hết mình. “Khi quyết định thì đừng bao giờ hối hận về lựa chọn của mình. Ðừng chọn đường dễ để đi mà hãy chọn con đường dẫn đến điều có ý nghĩa nhất, đó là lời khuyên cho tôi cũng như cho không ít bạn trẻ Việt có đam mê nghiên cứu khoa học”, GS. Tâm nói.

Nói về dự định của mình, GS. Tâm mong muốn có thể đưa ngày càng nhiều sinh viên công nghệ Việt Nam sang Mỹ, đào tạo, hỗ trợ để họ đạt được học vị giáo sư trong thời gian ngắn nhất.

Đến nay, trong số các nghiên cứu công nghệ di động về chăm sóc sức khỏe con người mà GS. Vũ Ngọc Tâm cùng các sinh viên Việt Nam thực hiện, nổi bật là nghiên cứu về thiết bị đo sóng não, sóng mắt và sóng cơ để đánh giá chất lượng giấc ngủ của người dùng. Nghiên cứu này anh thực hiện cùng nghiên cứu sinh Nguyễn Trần Lan Anh, giành giải thưởng bài báo xuất sắc nhất tại hội thảo khoa học uy tín thế giới về công nghệ cảm ứng tại đại học Stanford vào tháng 11/2016. Sáng kiến thiết bị đo nhịp thở WiSpiro của anh và nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Phúc cũng đoạt giải bài báo xuất sắc nhất tại hội nghị về công nghệ di động thế giới ACM MobiCom - S3.

Chinh phục những đỉnh cao công nghệ ảnh 3 CEO GotIt! Trần Việt Hùng (thứ 2 bên phải) cùng các cộng sự.

Cần có bản lĩnh để khẳng định bản thân

Năm 2008, anh Trần Việt Hùng vinh dự được nhận học bổng toàn phần dành cho bậc tiến sỹ, ngành Khoa học máy tính tại Ðại học Iowa của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). Tại Mỹ, anh Hùng và các cộng sự đã xây dựng và phát triển GotIt! - một nền tảng chia sẻ kiến thức toàn cầu.

Anh Hùng cho biết, GotIt! đang ở giai đoạn phát triển bùng nổ, ứng dụng di động của công ty đạt tới vị trí thứ 2 trên Apple App Store và các chuyên gia trên hệ thống đã giúp đỡ giải đáp nhiều triệu câu hỏi từ các bạn sinh viên. GotIt! huy động được hơn 10 triệu USD vốn đầu tư từ những nhà đầu tư và quỹ đầu tư nổi tiếng như Capricorn Investment Group, vốn chỉ đầu tư vào những ý tưởng “điên rồ” và thay đổi thế giới như: SpaceX, Tesla hay Planet Labs. “Trong bối cảnh của thế giới hội nhập hiện đại, những người trẻ muốn phát triển, khẳng định bản thân cần có bản lĩnh, đủ các phẩm chất về kiến thức, kỹ năng mềm, và ngoại ngữ. Hãy tận dụng tất cả những nguồn lực có thể và cố gắng hết mức, liên tục học hỏi trau dồi kiến thức cũng như các kỹ năng khác để mình luôn tiến về phía trước thay vì than phiền và tham gia một số hoạt động vô bổ”, CEO GotIt! nhấn mạnh.

Theo anh Hùng, những người trẻ muốn khởi nghiệp cần phải xác định rõ ngay từ đầu đây là con đường không bằng phẳng và xác suất phần lớn là sẽ thất bại: Nhiều khi thất bại nối tiếp thất bại sẽ đánh gục mình hoàn toàn. Để kêu gọi vốn làm startup, người trẻ cần có bản lĩnh khi đưa ra các ý tưởng khác biệt. Bởi tại Thung lũng Silicon, mỗi ngày có cả trăm startup gửi kế hoạch kinh doanh đến mỗi nhà đầu tư. Yêu cầu các quỹ đầu tư mạo hiểm đặt ra rất cao. Vì vậy, việc huy động vốn tại đây không hề đơn giản.

Cũng chính vì đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư chịu rủi ro đầu tư vào các công ty startup sử dụng công nghệ nhưng có tiềm năng tăng trưởng cực lớn. Ða số các công ty sẽ thất bại, nhưng nếu chỉ cần một công ty thành công thì mức thu về cho các nhà đầu tư hàng chục, hàng trăm, thậm trí hàng ngàn lần so với số vốn ban đầu. “Nếu bạn tin rằng startup của mình có cơ hội tăng trưởng gấp 10 lần, 100 hay 1.000 lần và không đủ vốn để phát triển thì hãy đi huy động. Bởi khi các nhà đầu tư rót vốn cho bạn, họ luôn kỳ vọng nhận lại ít nhất 5-10 lần. Nếu xác định không bao giờ đạt được mức như vậy, bạn không nên huy động vốn làm gì, điều đó chỉ làm mất thời gian của cả hai bên”, anh Hùng nói.

“Khi quyết định thì đừng bao giờ hối hận về lựa chọn của mình. Ðừng chọn đường dễ để đi mà hãy chọn con đường dẫn đến điều có ý nghĩa nhất, đó là lời khuyên cho tôi cũng như cho không ít bạn trẻ Việt có đam mê nghiên cứu khoa học” .

 GS Vũ Ngọc Tâm

MỚI - NÓNG