Cho con dìu mẹ đi hết đời này...

Cho con dìu mẹ đi hết đời này...
Tôi có dịp gặp một bạn trẻ vượt lên nghịch cảnh, luôn cố gắng hết mình trong nghề nghiệp với mục đích lớn nhất là mang niềm vui đến người mẹ không còn nhìn thấy ánh sáng.
Cho con dìu mẹ đi hết đời này... ảnh 1

Tạ Đình Nhựt - nhân vật trong bài - và mẹ - Ảnh: T.K.

Tình mẫu tử đẹp ấy thôi thúc tôi ghi lại câu chuyện này và chia sẻ với các bạn. Bạn trẻ ấy là Tạ Đình Nhựt...

1. Tôi là đứa con hiếm muộn của bố mẹ tôi vì chờ đợi mãi sau nhiều năm cưới nhau, đến gần 40 tuổi mẹ mới sinh tôi. Bố vui, mẹ hạnh phúc vì tình yêu của bố mẹ đã kết tinh ra tôi - đứa con trai giống bố như đúc. Nhưng niềm vui ngắn ngủi ấy của gia đình qua mau khi vài năm sau đó bố tôi lâm trọng bệnh và qua đời, bỏ lại mẹ con tôi bơ vơ, lạc lõng. Bố vốn là trụ cột của gia đình, cả về tinh thần lẫn kinh tế, nên ngày bố mất đánh dấu những chuỗi ngày khó khăn của hai mẹ con.

Căn nhà nhỏ ở Q.4, TP.HCM bị đem ra cầm, rồi bán sau đó không lâu. Mẹ tôi phải vất vả với đủ thứ nghề. Tôi lớn hơn một tí mẹ đã dắt tôi lẽo đẽo theo mẹ trên những chiếc xe bán trái cây, quần áo hay bất cứ thứ gì mẹ thấy có thể làm ăn được.

Công việc quần quật nhưng hai mẹ con tôi vẫn không thể đắp đổi qua ngày. Bán nhà, từ đó hai mẹ con tôi phải đi thuê để ở, rồi kể từ khi tôi đi học mẹ tôi lại tần tảo nhiều hơn. Mẹ tôi hẳn đã khóc nhiều vì nhớ bố, vì cái nghèo cứ đeo mang và đổ dồn lên đầu hai mẹ con. Cho đến một ngày, cũng giống như bao ngày khác, đôi mắt mẹ tôi mờ dần, mờ dần…

Tôi nhớ khi ấy mẹ tôi bảo: “Con phải cố gắng, dù mẹ có thế nào thì con không được buông xuôi, đừng bỏ cuộc…”.

Ngày ấy tôi mới học hết tiểu học, tôi nào đã hiểu biết gì nhiều. Chỉ biết là sau khi đi khám về bác sĩ đề nghị phải mổ thì mẹ mới sáng mắt được. Nhưng… không có tiền. Mẹ tôi đành ngậm ngùi nuốt nước mắt, chạy chữa qua loa cho đến khi mù hẳn. Tôi bước vào một giai đoạn gian nan hơn. Bố mất, mẹ bị mù, kinh tế gia đình ngày càng sa sút vì không có người lao động. Nhà không có, vốn liếng còn lại là mấy triệu đồng bán nhà sau khi bố mất, mẹ gửi ngân hàng - số tiền mà mẹ nói là để dành lo cho tôi ăn học đến nơi đến chốn!

Rồi số tiền ít ỏi ấy cũng vơi cạn, tôi được các cô chú ở địa phương giới thiệu để tôi đến với mái ấm Khánh Hội (Q.4) và được bảo bọc ở đó. Nhưng dường như cuộc sống không mỉm cười với mẹ con tôi khi khó khăn cứ chồng chất khó khăn. Một đứa trẻ mới học lớp 8, lớp 9 làm sao có đủ trí thông minh để xoay xở, vực dậy những bế tắc của cuộc sống!

Và tôi quyết định nghỉ học. Tôi tiếc và buồn lắm. Số phận! Tôi tự nhủ như thế để bỏ lại khoảng sân trường đầy ắp những niềm vui học trò, chín năm liền là học sinh khá giỏi được khép lại. Tôi bước vào đời lao chen… Còn mẹ tôi khi hay tin ấy đã ôm tôi khóc: “Mẹ không thể lo nổi cho con dù mẹ biết con học giỏi, biết thương và lo cho mẹ!”.

Cho con dìu mẹ đi hết đời này... ảnh 2
Tạ Đình Nhựt trình bày phần tỉa rau củ - Ảnh: T.K.

2. Ngã rẽ ấy đã đưa tôi đến với công việc bếp núc một cách tình cờ, tôi nghĩ đó là một cơ duyên. Bắt đầu bằng công việc phụ bàn, rửa chén ở một nhà hàng trong khu phố Tây. Tôi mon men nhìn và học cách chế biến những món ăn, cặm cụi ghi lại với ước mơ đến một ngày mình sẽ trở thành đầu bếp.

“Nhựt là một đầu bếp trẻ tuổi, chịu khó và luôn có trách nhiệm trong công việc. Vì vậy mà cơ quan thường tin tưởng giao cho Nhựt tham gia những cuộc thi để em có thể rèn luyện bản thân và thành công hơn trong công việc” - ông Dương Minh Ninh, phó giám đốc khách sạn Majestic.

Ước mơ ấy lớn dần và thành hình khi tôi được Trung tâm Khánh Hội giới thiệu đi học nghề bếp và phục vụ ở Trường Nghiệp vụ nhà hàng cho trẻ em đường phố. Cuộc đời tôi bắt đầu sang trang từ đó. Những cuộc thi và những giải thưởng về nghề bếp đã cho tôi cơ hội được vào làm việc ở khách sạn năm sao Majestic Sài Gòn.

Ở đây tôi cũng được nhiều người giúp đỡ, từ những lãnh đạo khách sạn đến nhiều đồng nghiệp dễ thương khác. Nhất là thầy Dương Minh Ninh, phó giám đốc khách sạn, thầy cũng là người đã đào tạo tôi từ buổi ban đầu cho đến ngày hôm nay…

Lại nói về mẹ tôi, đôi mắt mẹ bị mù nhưng tôi biết mẹ lúc nào cũng dõi theo từng bước trưởng thành của tôi. Để cho tôi yên tâm học hành và làm việc, mẹ đã nhận phần quán xuyến việc nhà. “Làm được gì thì mẹ làm, ngồi không không chịu được”, những buổi tan ca, chạy về thấy căn nhà sạch sẽ, ngăn nắp tôi cảm được sự bình yên khi có mẹ.

Tôi biết mẹ cố gắng rất nhiều để tôi có một điểm tựa bình yên. Nhờ mẹ tôi đã vượt qua nhiều khó khăn cũng như những cám dỗ của cuộc đời. Nhiều lúc tưởng chừng như tôi xuôi tay để mình “cuốn theo chiều gió”, sống đời bụi bặm… nhưng đôi mắt và trái tim người mẹ đã thúc bách để tôi quay đầu. 

Tôi cảm ơn mẹ cho tôi điểm tựa và chốn về bình yên, để tôi vươn lên. Tuổi mẹ đã 60, tôi 21 tuổi, mẹ đã già, còn tôi đủ lớn để hiểu những khó nhọc và tình thương của mẹ. Nên tôi nguyện làm đôi mắt cho mẹ, để dắt mẹ đi đến hết cuộc đời!

Tạ Đình Nhựt
Tấn Khôi
ghi
(Tuổi Trẻ)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.