Cho cuộc sống nhiều ngăn

Cho cuộc sống nhiều ngăn
Mai Đức Trọng, 20 tuổi, sinh viên năm 2 ngành Môi trường Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có trong tay bản lý lịch khá ly kỳ: sang Mỹ học phổ thông, rồi quay lại VN, và làm quá chừng việc để tìm ra cái thiếu nhất của sinh viên VN hiện nay: kinh nghiệm.
Cho cuộc sống nhiều ngăn ảnh 1
Trọng lọt thỏm trong nhóm du học sinh khi cùng nhau đi thu âm bài hát Forever we're friends (Mãi mãi chúng ta là bạn) - bài hát của du học sinh VN

Xin được vào đề với "Hắn là ai ?" - Theo định nghĩa của Trọng, hắn "là một sinh viên vô danh tiểu tốt đang học hành lận đận tại một trường đại học bình thường của thành phố".

Bạn bè xem hắn là "hiện tượng", nhưng hắn chỉ tự xem mình là một người "sống có ích". Và hành trình "sống có ích" của anh chàng này quả thật thú vị.

"Nói một chút về bản thân: Tôi là đứa bon chen, cuộc sống gắn bó nhiều với âm nhạc và hóa học, thích chơi thể thao, thích làm việc theo nhóm. Cuộc sống chịu ảnh hưởng nhiều từ gia đình, mà nhiều là từ mẹ; từ sự ngưỡng mộ các nhân trẻ, khỏe và tài năng và một số người bạn rất "pro" mà tôi quen; và một phần từ độ cong của cuộc sống".

Trọng bảo, cảm nhận sâu sắc nhất của hắn về sự thay đổi trong nhận thức, trong cách suy nghĩ, chỉ đến sau một tuần rời xa gia đình qua Mỹ du học. Nỗi nhớ nhà hay thèm các món ăn Việt Nam có lẽ là cảm giác chung của các du học sinh.

Tuy nhiên khi chỉ còn một mình, ngồi cuộn mình ôm gối trong căn phòng của một ngôi nhà ở một đất nước hoàn toàn khác, hắn mới bắt đầu đọc ngược lại cuộc sống của mình và nhận thấy mình đã bỏ lỡ đi thật nhiều thứ. Nó hơi lặng lẽ, hụt hẫng, nhưng nó lại "refresh" (làm mới lại) tâm hồn của Trọng.

Thời gian đi du học, Trọng đi nhiều nơi, biết thêm nhiều thứ, nhưng có lẽ điều tuyệt vời nhất mà hắn đạt được chính là sự kết tinh được một phương pháp sống, một quy tắc xử sự, một hướng làm việc đủ chuẩn cho riêng mình. Và thế là hắn trở thành một phần tử hiếm hoi quay trở lại Việt Nam học tiếp cấp III và đại học.

Đi tìm kinh nghiệm

Cho cuộc sống nhiều ngăn ảnh 2
Trọng và bạn học hồi còn ở Mỹ

Công việc có lương đầu tiên đến với Trọng thật bất ngờ, một người bạn alô bảo hắn đi giúp một nhân viên kiểm toán quốc tế. Thế là ngày đầu tiên làm việc hắn mang về 40 USD, một số tiền "khổng lồ" mà Trọng cũng không ngờ có thể kiếm được dễ dàng chỉ bằng vài giờ ngồi phiên dịch và hỏi đáp. Chỉ có một ngày như thế thôi, nhưng nó lại làm hắn cảm thấy khác, khác lắm.

Và Trọng bắt đầu lê la tới các thông báo việc làm, dò qua các báo, nhắn nhủ người quen nếu có việc gì tốt giới thiệu giúp hắn. Trọng đọc thấy báo Sunflower tuyển dịch thuật, hợp với hắn, thế là mò tới.

Cùng lúc đó, chị Phạm Thị Thăng Long - Giám đốc Công ty TVDH New Generation hỏi hắn dạy Anh văn được không, hắn ừ đại. Hắn đi học buổi sáng, chiều viết bài, tối đi dạy thêm, khuya chuẩn bị cho ngày hôm sau. "Đó thực sự là một cuộc chạy đua. Mệt nhưng thấy thú lắm!" - hắn cười, nhe hàm răng sáng loáng.

"Lần đó, Sunflower định ra lò một tờ tạp chí song ngữ tuần dành cho trẻ em, tôi và một bạn học bên Trường ĐH Sư phạm khoa Anh cũng vẽ vời, nghiên cứu và soạn thảo đủ cả. Chỉ có hai đứa thôi mà kiêm luôn tất cả các khâu từ nghiên cứu nội dung, tìm tài liệu, biên tập, nhập liệu và dàn trang cho 16 trang báo.

Có lẽ yêu cầu của tôi về nội dung, về cách trình bày và mỹ thuật cao quá, cộng với một số khó khăn từ phía tòa soạn, nên mới làm được tới cuốn số 2 thì tạm dừng... Đáng tiếc lắm!".

Trọng nhớ lại dàn máy tính cũ kỹ, đến đội ngũ làm việc là các giáo viên Anh văn tận tụy, các bạn khuyết tật hết mình nhập liệu và đi bán báo. Tất cả đều làm việc thật thoải mái nhưng rất cố gắng, hắn cảm thấy ngưỡng mộ và muốn có thể làm nhiều hơn thế nữa...

Giấc mơ "thế hệ mới"

Bạn bè đọc blog của Trọng kéo nhau đến dự buổi chia sẻ kinh nghiệm du học Mỹ do anh chàng tổ chức. Hắn làm chủ nhiệm chương trình này, dù chỉ là nhân viên bán thời gian của của Công ty New Generation (Thế hệ mới).

Đó là một công ty làm hắn ngạc nhiên và cảm thấy thú vị vì cứ đến hè thì các du học sinh về Việt Nam chơi lại ở trên công ty nhiều hơn ở nhà, rồi các bậc phụ huynh thì cứ í ới gọi điện lên công ty để... kiếm con. Mọi người nghĩ đó chỉ là do bên công ty có mối quan hệ tốt và là một nơi tụ tập thú vị.

Nhưng với Trọng, đó thật sự là một niềm đam mê để giúp những người bạn sắp ra nước ngoài có nhiều cơ hội tìm hiểu và chia sẻ hơn, dưới dạng các tiết học, do chính công ty tổ chức và các du học sinh là người đứng lớp.

"Có tuyệt không khi vừa được trò chuyện với mọi người, vừa được lương? Lúc đầu, tôi đang dạy môn Toán bằng tiếng Anh, các bạn khác thì tùy vào khả năng có thể dạy Lịch sử, Quy cách phỏng vấn visa, Anh ngữ nghe nói...".

"Tôi đang cảm thấy tự hào vì đã được là chính mình trong một môi trường làm việc đúng chất, tôi tự hào khi thấy ý nghĩa thực sự mà nhóm đã xây dựng nên, nhiều lắm. Hồi học bên Mỹ, tôi đã may mắn tham gia vào một vở nhạc kịch...

Lớp nhạc nhỏ chỉ khoảng 20 bạn và chỉ có một giáo viên. Nhưng với từng ấy người đã dựng nên cả một show diễn hoành tráng trong 2 giờ đồng hồ (và hầu hết tiền vé đều làm từ thiện).

Giáo viên vừa luyện thanh nhạc, vừa là đạo diễn kiêm quản lý. Học sinh chính là những diễn viên, những ca sĩ, những ê kíp thực hiện chương trình rất non nhưng cũng rất chuyên nghiệp.

Tôi rất thích, rất rất thích được làm việc như thế, và đó là lần đầu tiên tôi thấy mình làm được việc...

Về Việt Nam, tôi thấy rằng các tiết mục văn nghệ trong các trường thường không được đầu tư kỹ, chỉ để thi cho xong; và thường chỉ là đơn ca, nếu là hợp ca hay nhiều người trình diễn thì sẽ khó làm sao cho nó hòa hợp và nghệ thuật (đó chỉ là cảm nhận của tôi thôi nhé).

Thế nên, tôi đã thử lấy lại kinh nghiệm làm nên những tiết mục khác... và từ đó thì thành "nếp" hay đi lông bông qua các trường bạn để giúp dàn dựng tiết mục".

Hai mươi tuổi, hành trang mà Trọng có trong tay đang dồi dào hơn bạn bè của hắn (đó là hắn chưa kể hết những dự án mà hắn đang tham gia để học về tư vấn tâm lý, marketing...).

Nó là một khởi nguồn tốt đẹp cho sự thành công của một thế hệ mới toanh - thế hệ thanh niên toàn cầu hóa với một cuộc sống đầy ắp sắc màu do mình tạo ra.

Theo Trần Vũ Nguyên
Thanh Niên

MỚI - NÓNG