Chơi dấu để ghi nhớ một đời

Chơi dấu để ghi nhớ một đời
TP - Bên cạnh blog, một trong những thú chơi khác đang được nhiều người quan tâm đó là khắc dấu ghi lại kỷ niệm của từng thời khắc, tạo nếp văn hoá cho trẻ nhỏ, ở Hà Nội, có một “phong trào” các gia đình trẻ đi khắc dấu cá nhân.
Chơi dấu để ghi nhớ một đời ảnh 1

Đây có thể coi là một thú chơi lôi cuốn, mê hoặc khá nhiều người.

Ông Phạm Ngọc Toàn- nghệ nhân khắc dấu nổi tiếng Hà Nội tại số 6 Hàng Quạt cho biết, những người khắc dấu cá nhân thường khắc dấu để:

Ghi lại dấu ấn tâm đắc nào đó trong tủ sách gia đình, mong cầu hướng con trẻ đến truyền thống hiếu học, phương trưởng nhờ học hành; Những người mê thư pháp dùng dấu triện lên bức thư pháp thay cho chữ ký là đối tượng thứ hai cần đến dấu.

Những người trẻ tuổi hơn cũng dùng dấu để tặng nhau nhân ngày sinh nhật, ngày lễ tình yêu. Thú chơi dấu dù chỉ mới xuất hiện cách nay 15 năm, song nó vẫn thuộc về những gia đình giàu có, hay có truyền thống nho nhã ở phố cổ Hà Nội.

Tuy nhiên, trong thời buổi du lịch bùng nổ, thú chơi dấu lan sang cả người nước ngoài. Khách du lịch từ các nước Đức, Pháp, Anh, Nhật...tham quan Hà Nội đọc tạp chí Globle Trotter hay Travel guidebook...biết khắc dấu cá nhân là một trong những thú chơi ở phố cổ liền nườm nượp đến mua.

Một nửa số dấu cá nhân khắc bán trong ngày của gia đình nghệ nhân Toàn đều bán cho khách nước ngoài. Sự phát triển khá ấn tượng của thú chơi này cũng khiến gia đình nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn có đến 10 người thuộc 3 thế hệ chuyên khắc dấu ở 2 cửa hàng trong khu phố cổ.

Anh Toàn kể, có nhiều người đi du lịch Thái Lan, trên máy bay đọc báo nước ngoài biết ở Hà Nội có thú chơi dấu liền ra tận nơi khắc hàng chục con dấu mang về tặng cho các cháu và bạn bè thân.

Có ông khách người Nhật khắc dấu không kịp lấy ngay hai năm sau trở lại Việt Nam, ông tìm đến Hàng Quạt hỏi và anh Toàn vẫn giữ được con dấu đó để trả cho khách. Trong sạp đựng đầy dấu của gia đình ông Toàn, có đến 2/3 số mẫu là khắc tên người nước ngoài. Thú chơi dấu của người Việt Nam được Tây ngưỡng mộ.

Chơi dấu không tốn nhiều công nhưng để tạo được ý nghĩa, sự mới lạ thì phải cần đến chiều sâu tâm hồn. Các nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn, Phạm Đức Chí, Phạm Minh Thiện ở phố Hàng Quạt, Tạ Hiện đã tạo được hàng trăm mẫu dấu khác nhau, hình vuông, hình tròn, hình elip, chữ nhật...

Để con dấu sinh động, các nghệ nhân tạo đủ hình thù 12 con giáp: chuột, trâu, hổ, mèo, rồng, rắn, ngựa, khỉ, gà, chó, lợn, voi. Thông thường những người chơi dấu chọn luôn 1 con vật trong 12 con giáp để khắc vào dấu cùng tên con, tên bố-mẹ-con để sử dụng theo sở thích riêng.

Tuy nhiên, sở thích của người chơi là hết sức đa dạng, nên các nghệ nhân đã cách điệu được rất nhiều hình tượng mang hơi thở, văn hoá Việt Nam. Ví như người sinh năm trâu thì khắc thêm cậu bé tóc chỏm đào thổi sáo; người sinh năm gà thì thêm cậu bé ôm gà...tất cả được bản địa hoá, khiến con dấu có hồn và thân thiện hơn.

Có nhiều người bắt đầu chơi dấu hiểu biết chưa nhiều đã gặt hái được nhiều kỷ niệm đáng quý. Có lần 1 thanh niên đến phố Hàng Quạt yêu cầu nghệ nhân Toàn khắc chữ THANH theo thích của mình. Nghệ nhân Toàn hỏi lại khách có biết ý nghĩa của người từ THANH là gì? Người có tên THANH tự ái, bỏ về nhưng vài hôm sau quay lại xin lỗi nghệ nhân vì biết rõ chữ THANH có đến 5 nghĩa. Và bố mẹ của anh đặt tên THANH với nghĩa dòng suối. Nghĩa là khắc chữ THANH vào dấu nhưng phải có thêm bộ chấm thuỷ.

Bình dân, cả đời người không được khắc con dấu chính danh chức vụ nào đó, song ngay từ tấm bé, nếu thấy cần phải ghi lại kỷ niệm nào đó thì bất cứ ai mua một con dấu và hộp mực có thể sẽ là thú vui không nên bỏ qua trong thời đại của cái Tôi này.

MỚI - NÓNG