Những người trẻ đi ngược-Bài 2:

Chơi xe độc

Chơi xe độc
TP - Với nhiều người trẻ, việc lùng tìm và chơi những chiếc xe, từ xe đạp đến xe máy, đều phải bật lên một điều kiện tiên quyết: chiếc xe ấy sẽ khác biệt với số đông như thế nào? Hành trình tìm tòi của họ đã khiến Sài Gòn có thêm một thú chơi hết sức độc đáo.

>> Kỳ trước

Chơi xe độc ảnh 1
Chơi BMX tại Công viên Gia Định. Ảnh: Minh Thảo

Chiếc xe đạp nhỏ của những kẻ to gan

Hơn một năm nay, công viên Gia Định (TPHCM) luôn là nơi tập kết lí tưởng của đội BMX (Bike Motor Cross) của một nhóm học sinh THPT như thế. Bất kể nắng mưa, những rider (người chơi BMX) vẫn tụ tập trình diễn trên chiếc xe BMX nhỏ bé. Công viên luôn là “bãi đáp” lí tưởng nhất vì có đủ độ rộng, chướng ngại vật và là nơi công cộng đúng nghĩa.

Xe đạp BMX về cơ bản cũng có các bộ phận giống xe đạp mini thường, nhưng đầu xe và phanh được thiết kế đặc biệt để có thể quay 360 độ, ngoài ra, còn lắp thêm hai đến bốn thanh sắt tròn (gọi là peg) ở bánh trước, sau và bỏ hẳn chân chống xe.

Sau một thời gian du nhập vào Việt Nam và được nhiều người chơi thử, chỉ còn một số ít trụ lại với khát khao BMX bởi yếu tố nguy hiểm, phức tạp còn cần độ kiên trì và bền bỉ. Tại TPHCM hiện chỉ có hai nhóm BMX, một nhóm thường tập luyện ở công viên Gia Định, nhóm còn lại tập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh).

Cả hai nhóm này đến thứ 7 hàng tuần là tập hợp lại tại công viên Gia Định để thi tài năng, đồng thời học hỏi những kinh nghiệm của những đồng nghiệp.

Theo Xuân Minh - THPT Quang Trung, Gò Vấp, mỗi thành viên trong nhóm thường tập một động tác kỹ thuật mà họ yêu thích, học từ các video clip của nước ngoài rồi từ đó truyền đạt lại cho thành viên khác.

Đầu tư một chiếc xe BMX bèo nhất là 700 ngàn, trung bình là 1,5 triệu đồng, các hạng xe đắt hơn ở VN ít bán. Các rider chủ yếu là học sinh THPT, thành viên nhỏ tuổi nhất của BMX Gia Định là 14 tuổi. Khó khăn lớn nhất với đội BMX ở Việt Nam là phụ tùng xe xịn để thay cho xe cũng chưa có. 

Ngoài BMX, các thành viên còn sáng tạo kết hợp giữa BMX và trượt ván, hai môn thể thao kết hợp với nhau lại. Để tập luyện một động tác bình thường với BMX mất khoảng hơn một tuần, các động tác khó hơn như Endo, Frame Stand (cân bằng đứng trên khung xe), Bunny Hop (bay xe qua chướng ngại vật), Surffin (đi xe bằng một bánh trước) thì có thể phải mất hơn một tháng, thậm chí nhiều hơn...

BMX mê hoặc giới trẻ VN không chỉ bởi các động tác đẹp mắt. Đây cũng là môn thể thao giúp nâng cao sức khỏe, độ dẻo dai và cả sự khéo léo nữa. Chỉ cần sai một chút thôi cũng đủ để làm trầy xước da hoặc phải nghỉ tập dưỡng thương vài tuần.

Người trẻ chơi xe cổ

Chuyện chơi Vespa cổ ở Sài Gòn đã không còn là hiếm nữa. Đường phố Sài Gòn cũng rất hợp với những chiếc Vespa lượn quanh đầy kiêu hãnh. Ở đây, một hội Vespa cổ cũng đã được thành lập và thường sinh hoạt, diễu hành tại Nhà thờ Đức Bà vào mỗi dịp cuối tuần. Bất ngờ thay, Sài Gòn cũng đang là nơi cung cấp những chiếc Vespa Scooter Ý cổ cho khách nước ngoài.

Địa chỉ được biết đến nhiều nhất là Trung tâm Scooter Sài Gòn của ông chủ Patrick Joynt tại quận Tân Bình. Sang Việt Nam từ năm 1997, Patrick đã thu gom những chiếc xe Vespa cổ còn chạy được và xuất sang Anh, Mỹ, giữ công việc ấy cho đến tận ngày nay.

Tuy vậy, để có một chiếc Vespa cổ độc đáo và không đụng hàng giữa Sài Gòn không phải là chuyện dễ. Những chiếc Vespa có thể gập gọn lại, Vespa grand sport, VB1 ba số… là cực hiếm, tốn nhiều thời gian lùng tìm và chỉ một số ít có thể sở hữu được. Một cách để không đụng hàng khác là thổi hồn vào chiếc xe để tạo ra một phong cách mới.

Cách đây khoảng ba năm, con xe được Trần Trung Lĩnh, dân chơi Vespa nổi tiếng ở Sài Gòn tự hào nhất lại là một con xe cổ mà chính anh cũng… không biết tên gọi. Nó là một con xe đời 1958 của Belarus với bàn đạp bên trái, ghi-đông vòng…

Theo lời Lĩnh, đây là một con xe anh tình cờ phát hiện được từ… đồng nát và đem về cải tạo lại gần như hoàn toàn. Rất may là máy móc vẫn còn cực tốt dù thời gian xe có tuổi thọ đã rất lâu rồi. Với chiếc xe này, Lĩnh có thể dạo quanh Sài Gòn mà bảo đảm không có chiếc thứ hai. Cũng không biết khi anh ra Đà Nẵng, chiếc xe đặc biệt này có được mang theo?

Sài Gòn có hội chơi xe Max, chơi 67, có hội chơi motor cổ… và điều này thì nhiều người biết đến. Nhưng dân chơi xe Minks ở Sài Gòn thì lặng lẽ hơn nhiều vì địa hình ở đây đi xe không sướng bằng ngoài Bắc. Phần lớn là vì số lượng người chơi tại đây khá ít, chỉ khoảng 20 người. Bởi thế, giữa một thành phố đông dân bậc nhất, cứ có chiếc Minks nào xuất hiện trên đường thì đó là một hiện tượng cực kỳ lạ lẫm.

Muốn lạ: đi độ xe!

Chơi xe cổ thì phải làm lại. Đó là việc tiên quyết của dân chơi xe cổ. Bởi thế, những địa chỉ làm xe cổ tốt, có chất lượng luôn được nhớ nằm lòng mỗi khi dân chơi xe lùng được một chiếc xe nào đấy và đem đến. Như dân chơi xe Minks ở Sài Gòn, xác xe chủ yếu được nhập từ ngoài Bắc vào hoặc được lùng ở Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Người biết làm xe cổ ở Sài Gòn, thực ra, không bao giờ sợ thất nghiệp. Và có những người không hề mở tiệm sửa xe gì nhưng việc làm không xuể. Như anh thanh niên tên N., người mổ chiếc xe Belarus 1958 của Trần Trung Lĩnh. Chuyên làm vespa và những chiếc xe dòng cũ khác nhưng N. không hề mở quán.

Tiệm sửa xe của N. cũng là căn hộ nhỏ tầng trệt tại chung cư Thanh Đa. Anh cũng quen mặt với hầu hết các tiệm bán phụ tùng tại các chợ phụ tùng như Bùi Hữu Nghĩa, Tân Thành. Cũng chỉ học lỏm chỗ này, chỗ kia nhưng tay nghề N. cực giỏi. Chẳng thế mà một xác xe cực kỳ phức tạp như của Trần Trung Lĩnh, bao nhiêu thợ từ chối, nhưng vào tay N. là hoàn thành không tỳ vết.

Một cách tạo phong cách khác cho xe là chơi đề can hay sơn phủ. Xách xe ra đường Trần Quang Khải hay Nguyễn Chí Thanh, bảo đảm sẽ có một bộ đề can độc đáo. Mẫu mã các đề can tại những nơi  này thường được cập nhật liên tục. Thậm chí, những chiếc xe nổi bật bởi các đề can ở nước ngoài cũng được các thợ ở đây đặt hàng để đưa về, thỏa mãn người chơi.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.