Chông chênh… phòng trọ mùa bão lũ

Chông chênh… phòng trọ mùa bão lũ
TP - Những bình gas mini đã bơm đầy, mì tôm và lương khô cũng sẵn sàng, những đồ vật “đắt tiền” cũng được di tản lên phía cao nhất có thể, song mối lo vẫn chẳng hề nguôi ngoai.

Những cô cậu sinh viên sống xa nhà bước vào mùa mưa bão chẳng ai bảo ai đều dự phòng cho trường hợp xấu nhất. Nhưng có một vấn đề muốn “lo” cũng chẳng được, đó chính là chất lượng nhà trọ, liệu nó có “đứng vững” trong bão?

Hiện đa số các nhà trọ ở Huế đều được lợp bằng mái tôn, hiếm hoi lắm mới có một nhà trọ lợp ngói hay mái bằng. Mưa lớn tiếng ồn phát ra không ai chịu nổi.

Bạn Quách Long (trú tại 131 Trần Phú, TP Huế) cho biết: “Cơn bão số 5 mới ảnh hưởng nhẹ ở Huế mà mái tôn xóm tôi đã như muốn bay theo chiều gió. Mấy cái đinh vít lỏng quá nên cứ một cơn gió thổi qua là tiếng lập bập, nổi cả... da gà!”.

Bạn Phú Tư (học năm thứ ba khoa Toán - ĐHKH Huế, hiện trú tại 254 Phan Chu Trinh) thì than thở: “Tôn do ông bà chủ tận dụng mà không mua mới nên... dột, nước vào phòng lênh láng, cả đêm không sao ngủ được vì phải lấy thau chậu, xoong nồi ra hứng...”.

Sự cố mái tôn chỉ là “muỗi”  so với các bạn sống ở vùng trũng thấp. Ai cũng biết, ở Huế có những con đường mà chỉ một cơn mưa nhỏ cũng ứ đọng. Điển hình là đường Trần Phú, Phan Chu Trinh, Chi Lăng, Nhật Lệ... Các bạn buộc phải sống tại những khu vực này có thể do nhiều lí do, nhưng cơ bản cũng là do tình trạng thiếu nhà trọ như hiện nay ở Huế.

Bạn Văn Linh (ĐH Nghệ thuật Huế) tâm sự: “Vừa nghe rục rịch bão là tôi xin phép thầy nghỉ học 3 tiết cuối để về dọn phòng, cái gì mang đi được thì phải mang, không dám để lại trong phòng”.

Bạn Phan Chung còn cười tếu táo: “Mưa xong hai tay mình mỏi nhừ vì phải tát nước hết công suất. Tát nhà mình xong còn tát cho phòng kế bên...”.

Thêm nữa là hiện nay những phòng trọ có “tuổi đời” cao cũng không hiếm. Hệ thống điện chằng chịt, dây hở, dễ gây chập điện.

Mặc cho báo đài tốn không biết bao nhiêu giấy mực cho vấn đề chất lượng nhà trọ, đặc biệt là trong mùa bão lũ nhưng “việc đâu vẫn hoàn đó”.

Trách nhiệm chẳng biết của ai, của cơ quan chức năng địa phương hay là sự cố tình qua loa của các chủ nhà trọ hay thậm chí là lối sống đến đâu hay đó của không ít bạn sinh viên?

Làm sao để sinh viên chúng tôi được sống một cách an toàn trong ngôi nhà thứ hai của mình. Hay chí ít cũng đảm bảo được những yêu cầu an toàn cơ bản nhất khi có mưa lũ. Xem ra lời giải thật khó!                   

Nguyễn Đặng Hạnh Phúc
Báo K29-ĐH Khoa học Huế

MỚI - NÓNG