Chủ nhân 2 HCV Olympic Hóa: Trí tuệ người trẻ là tài nguyên đất nước

Ðức Anh (đứng thứ 3 từ trái sang) cùng với đội tuyển Hóa tại lễ đón đoàn. Ảnh: Nghiêm Huê.
Ðức Anh (đứng thứ 3 từ trái sang) cùng với đội tuyển Hóa tại lễ đón đoàn. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Hai lần thi Olympic Hóa học quốc tế đều giành được huy chương Vàng, Phạm Ðức Anh, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ÐH Quốc gia Hà Nội là một trong số ít những học sinh Việt Nam đạt được thành tích này. Khác với những học sinh từng đạt huy chương Olympic quốc tế đều muốn tìm cơ hội ra nước ngoài học tập, thì mục tiêu của Ðức Anh là học tập tại trường ÐH Y Hà Nội để trở thành một bác sĩ giỏi, có thể vừa khám chữa bệnh vừa nghiên cứu.

Ngôi nhà của Phạm Đức Anh nằm trên một con ngõ rất nhỏ của phố Lương Định Của. Chị Nguyễn Kim Thu, mẹ của Đức Anh cho biết từ khi lấy chồng đến giờ, anh chị vẫn cư ngụ tại đây. Sau khi Phạm Anh Tuấn (anh trai của Đức Anh) giành huy chương Đồng Olympic Hóa học năm 2008, rồi Đức Anh dành liên tiếp hai huy chương Vàng, các anh chị đồng nghiệp ở cơ quan đều nói vui với chị Thu là “xem hàng xóm sát nhà chị có bán đất không để còn mua”. Vì đất ở đây phát về đường học hành, thi cử.

Cơn mưa buổi chiều bất ngờ ập xuống như trút nước, may là Đức Anh vừa đi tập gym về. Em cho biết đã làm thủ tục nhập học vào trường ĐH Y Hà Nội, mẹ cũng đã tặng em một con chiến cơ tàng tàng để đến trường. Thời gian này em dành cho thể thao. Vừa trở từ Quy Nhơn, Đức Anh vô cùng thích thú khi kể lại chuyến hành trình chỉ trong hai ngày ngắn ngủi với các nhà Vật lý hàng đầu của thế giới. Em được giao trọng trách làm lớp trưởng của tất cả 28 bạn trong đội tuyển các môn thi Olympic quốc tế của Việt Nam năm nay như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học. Quản lý một lớp với toàn các bộ óc siêu việt thật không dễ. “Vất vả lắm” là từ mà Đức Anh rút ra sau chuyến đi.

Chủ nhân 2 HCV Olympic Hóa: Trí tuệ người trẻ là tài nguyên đất nước ảnh 1

Ðức Anh tại lễ đón đoàn Olympic quốc tế Hóa học tại sân bay Nội Bài.

Điều thú vị nhất trong chuyến đi lần này đó là Đức Anh được nói chuyện với nhà Vật lý người Mỹ từng đoạt giải Nobel năm 1990, GS. Jerome Isaac Friedman. Nói chuyện với giáo sư Jerome Friedman mang đến cho Đức Anh những trải nghiệm bất ngờ. Lâu nay trong đầu em luôn trăn trở câu hỏi: các nhà khoa học ở nước ngoài họ có giàu không? Cuộc sống của họ thế nào? Qua câu chuyện của GS. Jerome Friedman, Đức Anh nhận thấy thiên đường không phải ở bên ngoài biên giới Việt Nam. Thì ra, để có tiền làm nghiên cứu khoa học, giáo sư Jerome cũng phải đi dạy thêm ở các trường ĐH khác rất nhiều. Ông kể,  là giáo sư của ĐH Standford nhưng để có tiền nghiên cứu ông phải sang tận ĐH MIT để dạy, kiếm thêm thu nhập.  Thậm chí trước đó, khi còn đang là nghiên cứu sinh, đề tài đang triển khai, chẳng may thầy mất, nghiên cứu dang dở, để tiếp tục có tiền học, giáo sư Jerome cũng phải đi làm thêm tại các nhà hàng.

Ngoài gia,  Đức Anh còn được gặp gỡ các nhà vật lý khác, được nói tiếng Anh và được giải đáp những kiến thức vật lý mà trước đây còn đang thắc mắc.

Đặc biệt là được gặp GS. Đàm Thanh Sơn. Điều thú vị là GS. Đàm Thanh Sơn cũng từng là học sinh của trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, cùng trường với Đức Anh. Đức Anh ngưỡng mộ GS. Đàm Thanh Sơn vì một Giáo sư có một lý lịch khoa học khá đặc biệt. Từng là học sinh chuyên Toán, được huy chương vàng Olympic Toán, nhưng làm tiến sĩ về vật lý hạt, rồi sau này làm nghiên cứu là  vật lý chất rắn.

Để minh chứng thêm cho nhận định “thiên đường” không ở xa,  Đức Anh cho biết kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm nay được tổ chức tại cộng hòa Séc. Tại trường học viện Hóa học nơi tổ chức kỳ thi, KTX
của họ còn không đầy đủ, tiện nghi như của một số trường ĐH Việt Nam.

“Con phải đi thi Olympic Hóa học quốc tế”

Trong câu chuyện của mình, Đức Anh bộc lộ là người rất thích đương đầu với thử thách. Dường như với em, thử thách càng cam go thì em càng thấy hứng thú. Năm lớp 11, khi thi học sinh giỏi quốc gia, Đức Anh giành giải nhất môn Hóa học. Mẹ Thu nói thế là đã đủ điều kiện tuyển thẳng ĐH Y Hà Nội. Nhưng Đức Anh trả lời mẹ rất thẳng thắn: “Không, con phải đi thi Olympic Hóa học quốc tế và phải đạt huy chương để mang vinh quang về cho đất nước”. Ngày tiễn Đức Anh đi thi Hóa học quốc tế năm 2017, anh trai chỉ dặn nhớ đổi màu huy chương cho anh. Thế là Đức Anh lên đường mang theo lời hứa và mang theo cả niềm tin chiến thắng của bản thân. Sau 10 ngày trở về, Đức Anh đã mang về tấm huy chương vàng cho đoàn Olymic Hóa học Việt Nam, thực hiện lời hứa với anh khi đang học lớp 11. Năm lớp 12, Đức Anh tiếp tục giành huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế. Một cú đúp hoàn hảo nhưng không bất ngờ đối với gia đình và thầy cô.

Chủ nhân 2 HCV Olympic Hóa: Trí tuệ người trẻ là tài nguyên đất nước ảnh 2

Ðức Anh tại Cộng hòa Séc tham dự Olympic Hóa học quốc tế 2018.

Nói về con đường mình đã chọn, Đức Anh cho biết sinh ra và lớn lên trong truyền thống gia đình làm ngành y. Bà nội em, mẹ em, anh trai em đều theo nghề này. Trong tâm trí em, nghề y là nghề có thể mang lại niềm vui cho rất nhiều gia đình. Em vẫn còn nhớ, sau khi thi xong Olympic Hóa học quốc tế 2017, trở về Việt Nam, em bị sốt xuất huyết. Em là một trong ba bệnh nhân nặng nhất của Bệnh viện Bạch Mai. Sự chăm sóc tận tình của bác sĩ Trà, khoa truyền nhiễm của bệnh viện khiến em không thể quên và tiếp thêm động lực để em đến với ngành y sau này.

Đức Anh cũng tin rằng với khả năng của mình, sau này em sẽ là một bác sĩ giỏi. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, em mong muốn sẽ được làm nghiên cứu. Với em, những vấn đề nào khó, phức tạp em lại càng muốn lao vào ví dụ như nghiên cứu về bệnh ung thư, về vấn đề tim mạch.

Là thế hệ 2K, nhưng có vẻ như Đức Anh già dặn hơn các bạn cùng lứa. Em không chỉ biết lao mình vào học mà em còn nhận thức rất rõ những diễn biến của xã hội đương thời. Trong câu chuyện của mình, em đã cảm nhận được những áp lực, thách thức của tương lai đối với thế hệ trẻ. Theo Đức Anh, “tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đã cạn, bởi vậy thời gian tới, tri thức, sức trẻ mới chính là tài nguyên của đất nước”.  Đức Anh tâm sự : Người Nhật sinh ra vốn đã không có gì trong tay, không tài nguyên thiên nhiên, trong khi đó, thiên tai lại triền miên, nên không còn cách nào khác họ phải luôn nỗ lực học tập và làm việc, tự có ý thức bảo vệ nhau để vươn lên. Còn ở Việt Nam, có bao nhiêu bạn trẻ nhận thức được một điều gì đó tương tự như vậy?

Đức Anh khẳng định, em sẽ luôn phấn đấu để trở thành một bác sĩ có chuyên môn giỏi, có tâm với nghề. Còn nếu được làm lãnh đạo, em luôn mong mình sẽ là một lãnh đạo có tâm và có tầm.

“Tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đã cạn, bởi vậy thời gian tới, tri thức, sức trẻ mới chính  là tài nguyên của đất nước”.

 Phạm Ðức Anh, 2 HCV Olympic Hóa học quốc tế 2017 và 2018 

Nói thêm về con trai út, chị Nguyễn Kim Thu cho rằng, huy chương Vàng quốc tế cũng chỉ là một thành tích ở một giai đoạn nào đó của mỗi con người. Với Ðức Anh, vàng hay huy chương gì đi chăng nữa, vào ÐH con cũng sẽ “không là gì” so với tất cả các sinh viên khác.  Chị cũng rất hài lòng khi hai con đều lựa chọn học Y. Phạm Anh Tuấn hiện đã là bác sĩ nội trú Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Còn Ðức Anh, sắp tới cũng là sinh viên năm thứ nhất của ÐH Y Hà Nội.
MỚI - NÓNG