'Chữa cháy' cho nàng dâu mới

'Chữa cháy' cho nàng dâu mới
Hồi yêu, Lan đã được Thành cảnh báo: "Khi ra Hà Nội thì em dậy lúc nào cũng được nhưng ở quê nhớ đừng ngủ quá 6h". Vậy mà sau đêm tân hôn, Lan hốt hoảng khi nghe tiếng đập cửa buồng thình thịch lúc gần 9h sáng hôm sau.
'Chữa cháy' cho nàng dâu mới ảnh 1
Ảnh minh họa. Ảnh: Corbis.com.

Ngày đầu tiên làm dâu, Lan, biên tập viên một tờ tạp chí ở Hà Nội, đã gặp sự cố. Chẳng là, đêm tân hôn, hai đứa mệt quá, đến gần sáng chú rể mới đánh thức cô dâu dậy "tâm sự" nên sau đó cả hai ngủ quên. Sáng hôm sau, khi nghe tiếng gõ cửa buồng thình thịch, Lan mới choàng mở mắt thì đồng hồ đã chỉ 9 giờ kém 20.

Cô quáng quàng bước ra nhà ngoài. Lúc này, các anh chị chồng đều đã đến giúp thu dọn bát đũa, bàn ghế còn lại từ hôm trước. Mấy đứa cháu đang ngồi xem TV quay lại nhìn thím cười cười. Bố chồng Lan ngồi uống nước không nói gì còn bà mẹ đang lúi húi dọn đồ ăn sáng.

Cậu em chồng, vốn hơn tuổi cô, nhìn chị dâu cười đầy ẩn ý: "Tưởng con dâu mới thì phải dậy sớm chuẩn bị bữa ăn nóng sốt cho bố mẹ chồng chứ!". Lúc này, Lan thấy mặt mình nóng ran. Cô đáp lại bằng cái cười gượng rồi chạy ngay xuống bếp dọn dẹp.

Thanh, kế toán một ngân hàng quân đội ở Hà Nội, cũng vướng ngay tình huống khó xử khi mới về nhà chồng được vài bữa. Hôm đó, bố mẹ chồng mời mấy người bạn về ăn cơm và rất muốn cô dâu mới trổ tài nấu nướng.

Trước đây, hồi mới yêu, mấy lần đến nhà, Thanh cũng đã học trước hai ba món tủ để thể hiện trước mặt mẹ chồng tương lai nên ai cũng nghĩ cô rất khéo. Nhưng giờ, trước yêu cầu làm một mâm cỗ, trong đó có khâu cắt tiết, mổ gà mà cô chưa mó tay vào bao giờ, Thanh bối rối.

Mà hôm đó, chồng cô lại phải đưa ông bố đi có việc, chẳng giúp được gì. "Lúc này mà thú nhận là không biết làm thì ngượng quá, mà cố, lỡ không ra gì, khách họ cười vào mặt thì còn xấu hổ hơn", Thanh lo lắng.

Khi mới bước về làm dâu, sự thay đổi môi trường sống, nếp sinh hoạt khiến nhiều cô gái có tâm trạng bỡ ngỡ, lo lắng, sợ làm phật ý mọi người nhà chồng. Họ hay có cảm giác mình bị những ánh mắt lạ xét nét nên càng dễ rơi vào những tình huống khó xử.

Theo bà Trần Thị Hồng Hà, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tình yêu-hôn nhân-gia đình thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, dù ở bất kỳ tình huống nào, các cô dâu trẻ cũng nên bình tĩnh để ứng xử thông minh. Đôi khi, chỉ một nụ cười cầu hòa, một câu nói hóm hỉnh, nhẹ nhàng có thể "biến nguy thành may".

Chẳng hạn, với Lan, chỉ cần cô tươi cười: "Thôi chết, con vô ý quá! Tại hôm qua mãi 4 giờ mới ngủ được nên nay dậy muộn" đồng thời xăng xái vừa giúp mẹ chồng dọn đồ ăn vừa hỏi chuyện mọi người trong nhà thì giây phút ngượng ngùng sẽ qua nhanh và cả nhà sớm thông cảm.

Còn trong trường hợp của Thanh, giải pháp hợp lý nhất là thành thực thú nhận: "Mẹ ơi, con chỉ biết nấu vài món đơn giản thôi. Hồi trước, anh Toàn kể mẹ nấu ăn rất giỏi, con sợ bị mẹ chê nên.... Từ giờ, con sẽ cố gắng học, mẹ dạy con với nhé!". Trước sự thật thà và cầu thị của con dâu, dù có khó tính đến mấy, chắc bà mẹ chồng cũng không lỡ ghét bỏ hay mặc cô xoay sở với mâm cỗ.

Bà Hà cũng cho rằng, các cô dâu cũng không nên quá e ngại hay sợ vì ấn tượng đầu tiên không tốt mà gia đình chồng ác cảm với mình, rồi lảng tránh và đề phòng, khiến cho khoảng cách với mọi người ngày càng xa thêm.

Ngoài ra, dù không đồng tình với những thói quen, nề nếp nhà chồng, bạn cũng chớ phê phán hoặc tỏ ý muốn cải tổ mà nên thể hiện thái độ thiện chí, chân thành tiếp thu nếu có sai sót và cố gắng "nhập gia tùy tục".

Ngoài ra, điều tối kỵ khi gặp sự cố là các dâu trẻ xị mặt xuống hoặc lầm lỳ, không nói năng gì khiến mọi người cảm thấy khó chịu và có thể hiểu lầm họ có ý chống đối.

Tốt nhất, bạn nên chuẩn bị tâm thế trước khi bước về làm dâu. Trước lúc cưới, qua người yêu và những lần gặp gỡ, bạn hãy tìm hiểu về tính cách mỗi thành viên và cách sống của gia đình nhà chồng tương lai, nhờ anh làm cầu nối để bạn dễ dàng hòa nhập và gần gũi với mọi người hơn sau này.

Theo Minh Thùy
Vnexpress

MỚI - NÓNG