Sinh viên và những nẻo đường mưu sinh

Chứng khoán và những bài học ngoài sách vở

Chứng khoán và những bài học ngoài sách vở
Do không có nhiều tiền, nên mỗi thành viên góp tối thiểu 500.000 đồng để “lên sàn”. Theo sinh viên, cái được nhiều nhất là: Hiểu tâm lý của nhà đầu tư chứng khoán và vững vàng hơn khi vào cuộc. Đây là những điều sách vở không hề có.
Chứng khoán và những bài học ngoài sách vở ảnh 1

 Lên mạng giao dịch chứng khoán

Đúng với quy luật của tự nhiên, bước chân vào giảng đường đại học là mơ ước của biết bao bạn trẻ để rồi sau một thời gian chuẩn bị kiến thức, họ lại lo lắng tìm việc làm.

Nhưng tìm được một việc làm theo đúng ngành nghề mình được học đối với sinh viên vẫn là điều gì đó khá xa vời. Để có thêm tiền ăn học và mở mang kiến thức thực tế, nhiều sinh viên đã tham gia vào cuộc mưu sinh với những việc làm "thời thượng" khi còn đang ngồi trên giảng đường đại học.

Người ta vẫn nghĩ, phong trào chơi chứng khoán tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… thường chỉ dành cho những người nhiều tiền thì cánh sinh viên - những người còn đang được liệt vào loại "mài đũng quần" trên giảng đường cũng bắt đầu mon men gia nhập thị trường chứng khoán với hy vọng được đổi đời nếu gặp may và quan trọng là được trải nghiệm thực tế.

Chứng khoán sinh viên: từ ảo đến thật

Có sức hút lớn và nhiều người tham gia nhất có lẽ phải kể đến sinh viên các ngành kinh tế. Qua tìm hiểu tại một số sàn giao dịch lớn của Hà Nội như VCBS, ACBS, BSC… thì chúng tôi thấy có sự tham gia của sinh viên các trường kinh tế như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương…

Khác với những nhà đầu tư chứng khoán đã từng được báo chí gán cho cụm từ "nông dân" hầu như chỉ biết đến 2 từ "chứng khoán" chứ không có một chút kiến thức gì về lĩnh vực này thì cánh sinh viên vốn năng động, táo bạo, chịu khó tìm tòi lại chọn cách khởi đầu đầy chắc chắn.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, từ sự có mặt của các CLB chứng khoán, một loạt các sàn chứng khoán ảo được mở tại một số trường đại học do chính sinh viên tự điều hành dưới sự hỗ trợ của các thầy, cô giáo...

Nguyễn Hoàng Minh, sinh viên năm cuối Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội đến với chứng khoán cũng thật tình cờ. Khi thị trường chứng khoán ở Việt Nam sốt lên thì Minh bắt đầu tìm đọc qua sách báo, trên mạng Internet để tìm hiểu một cách bài bản về cổ phiếu.

Minh tâm sự: "Em chỉ đọc các tài liệu để biết về chứng khoán, còn chơi thì chưa vì chưa có tiền và năm nay là em thi tốt nghiệp".

Giống như Minh, nhiều bạn trong lớp cũng thường xuyên xem tin tức về chứng khoán rồi cùng thảo luận với nhau về những cổ phiếu mạnh đang tăng giá trần, các cổ phiếu trung bình đang đứng giá, mức độ tiềm năng của từng loại cổ phiếu...

Còn Quỳnh Trang, bạn học cùng lớp với Minh sau nhiều cuộc thảo luận đã lên sàn. Và trong dịp Tết này đã được lãi chút ít tiền, mua được thêm tài liệu để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp...

Khác với Minh, Việt Tiến, sinh viên Đại học Kinh tế Hà Nội thì đã tham gia khi phong trào ở lớp cậu lên cao. Theo Tiến thì tiền ít chơi ít, tiền nhiều chơi nhiều, thua có nhưng thắng lớn hơn nhiều và quan trọng là phải có máu liều, chịu chơi song không thể thiếu kiến thức cơ bản.

Tiến cho biết, đa phần sinh viên khi chơi cổ phiếu đều chọn loại OTC (cổ phiếu chưa lên sàn) mà theo Tiến là dễ chơi, lãi nhiều và một điều khác đang phổ biến trong giới đầu tư hiện nay là "ít phải đầu tư trí tuệ". Không lên sàn ồ ạt mà chỉ cần một cái máy tính nối mạng, các sinh viên này có thể tìm địa chỉ đối tác ngay trên mạng để giao dịch.

Để có kiến thức cơ bản về cổ phiếu, nhiều sinh viên hiện nay theo các lớp dạy cách làm giàu để học kiến thức và học chơi chứng khoán. Cũng chính vì thế mà các lớp dạy chứng khoán mọc ra ngày càng nhiều, tuỳ theo đẳng cấp chuyên gia trong hay ngoài nước, giá thường từ 1,5 đến 3,5 triệu đồng/khóa.

Túi tiền sinh viên thường mỏng, nhiều bạn muốn tham gia chơi chứng khoán đã gom góp học bổng, tiền làm thêm tiết kiệm để lập một tài khoản chung cùng nhau chơi chứng khoán. Sinh viên Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh có lớp 100% sinh viên cùng lên sàn.

Do không có nhiều tiền, lớp chia thành nhiều nhóm và mỗi thành viên góp tối thiểu 500.000 đồng. Theo nhiều sinh viên, cái được nhiều nhất là những kinh nghiệm thực tế lên sàn. Hiểu nhiều tâm lý của những nhà đầu tư mua bán chứng khoán và vững vàng hơn khi vào cuộc. Đây là những điều sách vở không hề có.

Lợi thì có lợi nhưng…

"Qua một đêm có thể giàu to mà cũng có thể trắng tay". Đó là câu nói thấm thía của không chỉ sinh viên mà của cả những người khi lao vào chứng khoán.

Còn với sinh viên, sự rủi ro đó là cao hơn khi thời gian của họ còn phải dành cho việc học. Vậy nhưng, không ít sinh viên đã lao vào chứng khoán như một con thiêu thân để rồi sao nhãng việc học hành.

Sau một thời gian trải nghiệm thực tế tại các sàn chứng khoán, nhiều sinh viên đã rút về "hậu trường" làm broker (môi giới chứng khoán), làm trung gian cho các nhà đầu tư để an toàn hơn vì độ may rủi quá nhiều khi các công ty không thể minh bạch chuyện tài chính.

Trên thực tế, một số chuyên gia về chứng khoán cho biết, những người môi giới thường có kinh nghiệm sách vở nhuần nhuyễn, thậm chí từng qua cơn sống chết thực tế và cần thời gian không ít chú ý lĩnh vực mới này mới may ra làm ăn được.

Nhiều mạo hiểm và dễ thất bại nếu không có sự thấu đáo, nhìn nhận nhanh nhạy. Bởi thực tế từ sàn ảo lên sàn thật vẫn là một bước khác hẳn. Nhiều sinh viên gắn bó với chứng khoán vì cuộc mưu sinh nếu ra trường chưa xin được việc làm. Và với sinh viên, để tìm một việc làm đúng với ngành nghề mình được học vẫn là một điều gì đó mong manh

Theo CAND

MỚI - NÓNG