Chuyện của những tổng phụ trách Đội

Cô Thắm trao đổi công tác đội với các em học sinh ẢNH: NVCC
Cô Thắm trao đổi công tác đội với các em học sinh ẢNH: NVCC
TP - Thường xuyên đi sớm, về muộn, đi làm cả cuối tuần, ngày lễ, những giáo viên Tổng phụ trách (TPT) Đội nhận giải thưởng Cánh én hồng năm 2018, ngoài niềm đam mê với nghề, là cả những sự hy sinh thầm lặng, luôn đau đáu, trăn trở mang nụ cười đến với các em học sinh thân yêu.

Bài 1 : Bà mẹ của những học sinh nghèo

Đó là biệt danh mà đồng nghiệp đặt cho cô giáo TPT Đội Bùi Hồng Thắm, Trường THCS Quản Cơ Thành (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), người dành cả cuộc đời cho công tác Đội, luôn sẵn sàng đi “xin” học bổng, sách vở, quần áo, thậm chí cả gạo, nước mắm… cho học sinh nghèo. 

Bán vé số cho học sinh nghèo
Trống trường điểm vào giờ học, một học sinh hớt hải chạy vào lớp ấp úng: “Cô ơi, cho con xin nghỉ học tiết 1 ạ”. “Con xin nghỉ để làm gì?”, cô Thắm ngạc nhiên hỏi lại. “Con đi bán cho hết vé số, nếu không chiều nay con phải bồi thường cho người ta…”. 

“Con bán còn bao nhiêu vé?”, cô Thắm hỏi lại. “Dạ... còn 13 vé”, cậu học sinh ấp úng. “Con cứ lên lớp học đi, đưa vé số đây cô bán giúp cho, tan học con đến gặp cô nhận tiền”. Nghe cô giáo nói, cậu học trò nghèo tròn mắt ngạc nhiên, trao cho cô 13 tờ vé số, quay đầu chạy một mạch về lớp. 

Cậu học trò trên là Lê Trung Tín. Cô Thắm biết Tín từ lâu. Cậu mồ côi cả cha, lẫn mẹ, ở với cậu mợ, một buổi đi học, buổi còn lại phải đi bán vé số. Cô Thắm mang những tờ vé số lên phòng giáo viên, nhờ đồng nghiệp mua giúp, chỉ một loáng hết sạch. “Tôi nghĩ nếu là cậu bé đó bán thì em phải chạy ngược, chạy xuôi mời người này, mời người kia, có khi còn bị ăn mắng nữa... còn thời gian, tâm trí đâu mà học hành”, cô Thắm trăn trở. Cô xin ý kiến Ban giám hiệu trường trích Quỹ nuôi heo đất của Chi đội lớp Tín, hỗ trợ cho em mỗi tháng 200 nghìn đồng, vận động mạnh thường quân hỗ trợ mỗi tháng 20 kg gạo. Nhờ sự hỗ trợ đó, Tín không phải đi bán vé số nữa, trở thành học sinh ngoan, chăm chỉ của lớp. 

Đó chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện hỗ trợ, tiếp sức cho học sinh nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn của cô giáo TPT Đội Bùi Hồng Thắm, người được đồng nghiệp đặt biệt danh là “bà mẹ của những học sinh nghèo”. Giờ bảo cô Thắm thống kê đã xin được cụ thể bao nhiêu suất quà, giúp đỡ được bao nhiêu học sinh, cô không nhớ nổi. Nhưng hỏi hoàn cảnh từng học sinh thì cô nhớ vanh vách, dù cho những học sinh đó đã ra trường từ lâu. “24 năm làm giáo viên TPT Đội, niềm đau đáu lớn nhất của tôi là làm sao cho tất cả các em được cắp sách đến trường, không bị gánh nặng cơm áo sớm đè lên vai”, cô Thắm bộc bạch.

Đồng hành với học sinh nghèo
Nhiều mạnh thường quân ở huyện Châu Thành (An Giang) đã quen mặt cô giáo Thắm. Để hỗ trợ cho học sinh nghèo, cô đến tận nơi “xin” các mạnh thường quân hỗ trợ từ tiền mặt, cặp, sách vở, xe đạp đến gạo, dầu ăn, nước mắm... Học sinh bỏ học vì nhà nghèo, phụ huynh bị mất xe đạp không có chở con đi học, hay không có đủ tiền nộp học cho con… tất tật những việc đó, cô Thắm đều dang tay giúp đỡ. 

Ngoài việc xin hỗ trợ từ các mạnh thường quân, cô cũng phát động trong toàn liên đội nhiều hoạt động gây quỹ vì học sinh nghèo: Nuôi heo đất; thu gom chai nhựa bán gây quỹ; góp gạo giúp bạn… Những hoạt động này không chỉ hỗ trợ học sinh nghèo mà qua đó còn góp phần giúp các em học sinh sống biết yêu thương, biết san sẻ, quan tâm tới những người xung quanh mình.

Cứ dịp đầu năm học, cô Thắm cùng Ban chỉ huy Đội của trường đến từng nhà học sinh có hoàn cảnh khó khăn hỏi thăm, tìm hiểu cụ thể, để có sự hỗ trợ kịp thời cho các em tự tin bước vào năm học mới. “Hỗ trợ các em nhưng mình không làm a dua, phải tìm hiểu cặn kẽ, giúp đúng người. Nếu mình giúp không đúng đối tượng, chỉ một lần thôi là sẽ đánh mất niềm tin của các mạnh thường quân, thầy cô giáo, cũng như các em học sinh”, cô Thắm nói. 

Nhớ những ngày đầu mới vào nghề, thương học sinh vùng sâu, vùng xa thiếu thốn, không có ti vi để xem, cũng chẳng bao giờ được xem văn nghệ; dịp nghỉ hè cô tổ chức đội văn nghệ của trường về vùng sâu, vùng xa biểu diễn 4 buổi/tuần. Đêm nào cũng 11-12 giờ đêm mới về đến nhà, vì biểu diễn xong, cô phải đích thân đưa từng học sinh trong đội văn nghệ về tận nhà, đảm bảo an toàn. 

Với đặc thù nghề giáo viên TPT Đội, cô Thắm thường xuyên đi sớm, về muộn, cuối tuần lại tổ chức các hoạt động, chương trình cho các em học sinh tham gia. Cô đam mê với nghề, hạnh phúc riêng của bản thân vẫn bị bỏ ngỏ.
(Còn nữa)

“Không chỉ nhiệt huyết, tận tâm và có nhiều sáng kiến tốt trong công việc, cô Thắm được xem như người mẹ thứ 2 của các em học sinh, luôn quan tâm, lo lắng cho các em, đặc biệt là học sinh nghèo”. 
Cô Lê Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THCS Quản Cơ Thành 

MỚI - NÓNG