Chuyện của “nữ hoàng nail” Pang Mỹ Linh

Pang Mỹ Linh (thứ hai từ trái qua) và các giám khảo cuộc thi Nail châu Á năm 2016
Pang Mỹ Linh (thứ hai từ trái qua) và các giám khảo cuộc thi Nail châu Á năm 2016
TP - Trong chương trình Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ các cán bộ Hội và Phụ nữ tiêu biểu năm 2016 vừa diễn ra tại TPHCM, chia sẻ của chủ nhân hệ thống Kelly Pang về những ngày đầu khởi nghiệp cơ cực đã gây sự chú ý và cảm phục của nhiều người.

Rơi xuống vực thẳm

Pang Mỹ Linh sinh ra trong một gia đình giàu có ở Chợ Lớn (quận 5, TPHCM). Ba cô là chủ cơ sở nhựa Thịnh Phát nổi tiếng, chuyên sản xuất và cung cấp phụ tùng cho hãng xe đạp Hữu Nghị. Dép nhựa mang thương hiệu Thịnh Phát một thời được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và “làm mưa, làm gió” ở thị trường Lào, Campuchia…

Ðất nước thời hậu chiến bộn bề với nhiều khó khăn, trong lúc cả nước thiếu thốn do bao vây cấm vận, tiểu thư họ Pang và các em được sống trong nhung lụa, không thiếu bất kỳ thứ gì. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, với nhiều gia đình, xe máy là thứ tài sản xa xỉ ít người dám mơ tới. Trong lúc bạn bè đi xe đạp thì Linh vi vu đến trường trên chiếc xe máy Charly mới tinh khi vừa lên lớp 9.

“Cha tôi sản xuất dép nhựa, ai đặt hàng gì cũng làm, ai nói gì cũng cho qua. Chính vì bị gối đầu nhiều, không thu hồi được nợ nên cơ sở sản xuất của gia đình mới phá sản. Đó là bài học đắt giá cho tôi hiện tại: Không được tự mãn và ngủ quên trên chiến thắng”.

Pang Mỹ Linh

Giấc mơ màu hồng thời thiếu nữ chợt tắt lịm do vòng xoáy khắc nghiệt của cuộc khủng hoảng giai đoạn 1996-1997, hoạt động sản xuất kinh doanh của ba mẹ Linh gặp khó khăn, gia đình Linh lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần và cuối cùng là phá sản. Mười sáu tuổi, Linh đủ tỉnh táo để cảm nhận nỗi đau khi bố mẹ bán đổ bán tháo tài sản, nhà cửa, cơ sở sản xuất cho người ta để trả nợ. Chiếc xe máy của Linh cũng bị bán đi.

Linh tâm sự: “Từ cuộc sống sung túc, em cảm nhận rõ sự thay đổi của cuộc đời khi phải chạy ăn hàng ngày, lao vào kiếm tiền trả nợ. Ðó là khoảng thời gian em phải nỗ lực vượt qua những cảm xúc, sự chịu đựng. Song em nhận ra mình còn may mắn hơn nhiều người, nên biết chấp nhận và sớm thích nghi với hoàn cảnh”.

Trầy trật ngoi lên

Ðể chạy ăn hàng ngày, bố mẹ Linh quyết định khởi nghiệp lại với nghề làm  bánh bao bỏ mối cho các tiệm ăn. Từ một cô chủ nhỏ quen nhà cao cửa rộng, Linh chấp nhận thân phận Lọ Lem, mỗi ngày ngồi lột cả thau trứng cút, vo nhân rồi phụ mẹ đi giao bánh, nhưng rồi việc kinh doanh bánh bao cũng nhanh chóng thất bại.

Không nản chí, gia đình Linh quyết định bắt đầu lại với nghề bán mì Tàu, mì gà truyền thống. Nghề này phù hợp với hoàn cảnh lúc đó vì không phải bán thiếu, bị gối đầu. Là chị hai, cô quyết định gác lại ước mơ thi vào khoa báo chí Ðại học Khoa học xã hội và nhân văn cùng Cao đẳng Sân khấu Ðiện ảnh, lo kiếm tiền phụ bố mẹ nuôi các em. Lần này, may mắn đã mỉm cười. Tiệm Mì 279 của gia đình cô ngày càng đông khách và dần nổi tiếng ở khu Ðầm Sen (quận 11) bởi nấu ngon và nhân viên phục vụ là 5 cô gái xinh đẹp họ Pang.

Linh sớm nhận ra bán mì có thể trang trải cuộc sống hàng ngày nhưng khó vực dậy kinh tế của gia đình. Bước ngoặt của cuộc đời cô đến bất ngờ từ chuyến về thăm quê hương của người cô ruột và mợ đang sống tại Mỹ. Họ truyền cảm hứng và hướng dẫn cho Linh một số kiến thức cơ bản về nghề làm nail (trang điểm móng tay).

Chuyện của “nữ hoàng nail” Pang Mỹ Linh ảnh 1

Giám khảo Pang Mỹ Linh tại cuộc thi Nail châu Á năm 2016 diễn ra tại Singapore

Móng tay, móng chân của các cô em liên tục bị cô chị lôi ra để thực hành. Một lần qua Thái Lan, Linh đánh liều đăng ký học một buổi làm nail để củng cố kiến thức. Năm 2003, cô gom hết vốn liếng, vay mượn thêm để mở một tiệm làm nail, tạo mẫu tóc, massage mặt… trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận).

Những ngày đầu, tiệm vắng như chùa bà Ðanh. Linh kể: “Nhiều người gặp em, mắng xối xả: Bộ mày hết việc làm rồi sao mà lại chọn nghề sơn móng tay, móng chân. Ðịnh kiến của xã hội khi ấy cho rằng nghề này thấp kém, một phần do làm nail ở Việt Nam còn quá mới.

Ánh sáng cuối đường hầm

Trong dịp kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ (8/3) năm 2004, ngoài các học viên Nhà văn hóa Phụ nữ, có một cô gái lạ đến đăng ký tham dự cuộc thi “Trang trí móng mùa xuân” và giành giải nhất một cách thuyết phục. Cô gái đó là Pang Mỹ Linh. Giải thưởng đầu tiên này giúp tiệm nail của cô đông khách hơn. Người tìm đến học nghề ngày càng nhiều. Linh quyết định mở cơ sở đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu. Cô sang Nhật - quốc gia được đánh giá là chuyên nghiệp nhất về nghề nail để huấn nghiệp và được xếp trong Top 10 Nail châu Á tổ chức tại Osaka (Nhật) năm 2007. Trước đó, Linh được bầu chọn là một trong 20 gương mặt tiêu biểu của làng giải trí Việt Nam năm 2006 và được tạp chí News Weekly (Mỹ) vinh danh.

Chuyện của “nữ hoàng nail” Pang Mỹ Linh ảnh 2

Giám khảo Pang Mỹ Linh tại cuộc thi Nail thế giới năm 2016

Ấn tượng hơn, Pang Mỹ Linh đã xuất sắc giành cúp vàng, giải Nhất cuộc thi Nail châu Á tổ chức tại Malaysia năm 2008 và Singapore năm 2009. Tác phẩm dự thi của cô đoạt giải nhất trong Nails Asia Festival 2008 tại Malaysia được sáng tạo từ giấy bạc, sau đó đắp bột, tạo dáng, tô màu đã hoàn toàn thuyết phục ban giám khảo.

Chị em Pang Mỹ Linh đang là chủ nhân của hệ thống Kelly Pang với 4 trung tâm dạy nghề, mỗi ngày tiếp nhận từ 400 - 500 học viên. Linh là ủy viên Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 5, phó chủ tịch Hội Làm đẹp và phát triển miền Nam, được mời làm giám khảo các cuộc thi Nail quốc tế tổ chức tại nhiều quốc gia như Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…

Chuyện của “nữ hoàng nail” Pang Mỹ Linh ảnh 3

Ðược truyền cảm hứng từ người chị, em gái Linh là Pang Mỹ Nguyên cũng xuất sắc đoạt giải Nhất Nail châu Á 2009 tại Singapore. Nguyên cũng là gương mặt trẻ được bầu chọn là công dân trẻ tiêu biểu TPHCM trong các năm 2009, 2011 và nhận danh hiệu Người thợ trẻ giỏi toàn quốc 2011.

Theo Hội Làm đẹp và phát triển Việt Nam, thu nhập của nhân viên làm nail tại Việt Nam bình quân là từ 6 -10 triệu đồng/người/tháng. Hơn 2.000 tiệm nail tại Mỹ hàng năm tạo ra doanh thu khoảng 6 tỷ USD.

MỚI - NÓNG