Chuyện của thế hệ 'sandwich'

Chuyện của thế hệ 'sandwich'
TP - Đó là thế hệ bị “kẹp giữa” trách nhiệm với cha mẹ và chăm sóc con cái chưa trưởng thành. Không phải ai cũng hiểu những khó khăn mà người Việt thế hệ “sandwich” sống ở nước ngoài gặp phải trong dạy bảo con cái giữ gìn tiếng Việt và văn hoá Việt Nam.

Ông Phạm Văn Thắng, một người Việt từng 20 năm sống ở Đức kể một câu chuyện buồn: Một bà mẹ ở Đức khi gọi điện về nói chuyện với gia đình ở Việt Nam đã bảo cậu con trai:

“Con lại đây nói chuyện với ông ngoại con đi, ông ngoại là người sinh ra mẹ đấy”. Đứa nhỏ hồn nhiên trả lời: “Con có biết gì về ông ấy đâu mà nói chuyện”. Bà mẹ lặng người, rơi nước mắt.

Lại có những gia đình, bố mẹ nói tiếng Việt, con cái trả lời bằng tiếng bản xứ. Điều này dễ lý giải: Ngay từ lúc học mẫu giáo, rồi học tiểu học, lũ trẻ lớn lên cùng các bạn  người bản xứ, nói tiếng bản xứ, rồi chúng nghe đài, đọc báo, xem ti vi... bằng tiếng bản xứ.

Cách đây chưa lâu, tờ báo Ba Lan Newsweek Polska đã viết về những người Việt trẻ tuổi tại Ba Lan, khi được hỏi là người Việt hay người Ba Lan, một cô bé người Việt tên Hương đã đắn đo một lúc rồi mới trả lời: “Người Việt, có lẽ vậy”.

Không thể khẳng định những cô bé, cậu bé trong những trường hợp kể trên là những đứa trẻ hư, vấn đề là sợi dây kết nối bọn trẻ với quê hương, với những người thân trong gia đình quá mong manh.

Một cặp vợ chồng Việt sống ở Mỹ, con cái họ sẽ đến trường của Mỹ, thứ ngôn ngữ con cái họ dùng hàng ngày là tiếng Anh, và ngay từ bé, chúng đã học về lịch sử nước Mỹ.

Hàng ngày, môi trường đứa trẻ ấy sống là nền văn hóa phương Tây. Truyền thống văn hóa Việt chỉ được biết đến trong sinh hoạt tại gia đình, tất nhiên truyền thống ấy đã bị phôi phai ít nhiều.

Nếu sinh ra trong một gia đình sinh hoạt theo truyền thống văn hóa Á Đông, đứa trẻ ấy sẽ mang phong cách Á Đông rõ nét hơn, tuy nhiên, lối sống của người Á Đông giữa môi trường văn hóa phương Tây sẽ khiến chúng trở nên khó hòa nhập với cộng đồng.

Người phương Tây gọi thế hệ trẻ Á Đông sống ở đất nước họ là thế hệ “banana” (quả chuối) - tức là chỉ còn lại “cái vỏ” màu da vàng. Còn bố mẹ của những đứa trẻ ấy, được họ ví với chiếc bánh sandwich kẹp thịt - thế hệ bị “kẹp” giữa trách nhiệm với cha mẹ và con cái chưa trưởng thành.

Người Việt thế hệ “sandwich” sống ở nước ngoài luôn đau đầu là làm thế nào để những đứa trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc trong khi vẫn phải hòa nhập với cuộc sống cộng đồng sở tại.

Đưa bọn trẻ về thăm Việt Nam là một giải pháp được nhiều người đưa ra. Nhưng việc thực hiện lại không đơn giản như người ta nghĩ, việc đưa lũ trẻ về thăm Việt Nam cũng nhiều vướng mắc: Chúng còn phải học hành, chưa kể đến việc các bậc phụ huynh cũng rất bận rộn trong việc làm ăn.

Thành ra các chuyến thăm quê cũng nháo nhào, chưa kịp nhớ mặt họ hàng, chưa kịp quen với món ăn Việt Nam, chưa kịp tìm hiểu về truyền thống văn hóa của Việt Nam thì đã phải lên đường.

Không phải ai cũng vậy!

Bà Nguyễn Đình Minh Trang, một Việt kiều định cư lâu năm tại Mỹ kể rằng, mặc dù cháu chắt bà sinh ra ở Mỹ nhưng chúng đều nói tiếng Việt rất sõi. Một Việt kiều Mỹ khác, ông Bùi Kiến Thành, định cư ở Mỹ 53 năm nhưng cả gia đình ông đều nói rất sõi tiếng Việt.

Họ đều cho rằng, khi con cái họ đã giỏi tiếng Việt, thì việc tìm hiểu về Việt Nam, xây dựng ý thức là người Việt Nam hết sức thuận lợi.

Những ví dụ trên cho thấy, không phải gia đình nào cũng gặp phải sự bất thuận giữa lưu giữ truyền thống và hòa nhập với cộng đồng. Bà Minh Trang cho biết, bà luôn giữ nếp sống thuần Việt khi về gia đình, từ bữa cơm thân mật cho đến lời ăn tiếng nói.

Một số ông bố bà mẹ khác thì lờ đi không nghe thấy khi con cái nói tiếng nước ngoài với mình khiến bọn trẻ thấy nói tiếng Việt là cần thiết. Cách dạy con của một Việt kiều khác là lên mạng tìm những câu chuyện cổ của nước mình rồi kể cho con cái như ngày xưa bà, mẹ kể cho mình.

Chị cho biết, chính chị phải học lại kiến thức về đất nước mình để nói chuyện với con. Đó là những khởi đầu để những đứa trẻ hiểu hơn về quê hương đất nước. Theo chị, hoàn cảnh là một trở ngại đáng kể, nhưng chị vẫn luôn cố gắng dành thời gian cho con.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.