Chuyện kể 'huyền thoại biển'

Ông Nhuận và bà Diễm ngày nay
Ông Nhuận và bà Diễm ngày nay
TP - Phóng viên Tiền Phong tìm gặp những người lính đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những câu chuyện kể vẫn còn tươi mới...

> BR-VT: Tri ân chiến sĩ tàu không số

Bài I - Chàng thủy thủ và nữ xã đội phó

Ông Nhuận hồi tưởng nhưng chuyến tàu không số Ảnh: Nguyễn Huy
Ông Nhuận hồi tưởng nhưng chuyến tàu không số. Ảnh: Nguyễn Huy.
 

Cựu thủy thủ tàu không số Hồ Thăng Nhuận (phường Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) nay đã 85 tuổi vẫn nhớ như in những hải trình trên biển. Đôi mắt tinh anh, những thớ gân tay vẫn săn chắc như chưa hề bị bào mòn bởi thời gian. Sinh ra trong gia đình nhà nông đông con ở huyện Hòa Vang, gần 10 tuổi, cậu bé Nhuận phải đi ở đợ, làm thuê.

Vài năm sau, ông làm du kích, gia nhập đơn vị tình báo K20 (Cục II, Bộ Quốc phòng). Sẵn quen nghề sông nước, ông Nhuận được giao nhiệm vụ chở cán bộ chiến sĩ từ Quảng Đà theo đường sông, biển ra phía Cửa Tùng (Quảng Trị). Chỉ trong đầu năm 1955, ông thực hiện 4 chuyến đi biển trót lọt.

Đến sáng 6-5-1955, cả đoàn bất ngờ bị địch tập kích. Ông Nhuận bị bắt giam ngay tại Hòa Quý (Đà Nẵng). Ông nhanh trí giả vờ đau bụng để đi vệ sinh, rồi đánh lạc hướng kẻ địch chạy thoát chỉ sau 1 tiếng bị bắt giam.

Sau đó ông được điều động ra Vĩnh Linh (Quảng Trị) nhận nhiệm vụ học tập, đào tạo lính hải quân. Đường Hồ Chí Minh trên biển mở năm 1961, ông vinh dự là lớp đầu tiên được đào tạo, sau đó trực tiếp tham gia với tư cách thủy thủ trưởng tại Đoàn 759 (Quân chủng Hải quân).

Ngày 14-5-1963, chuyến tàu không số đầu tiên do thuyền trưởng Vũ Tấn Ích chỉ huy, Hồ Thăng Nhuận làm thủy thủ trưởng rẽ sóng thẳng tiến vào Nam. Ai cũng biết ra đi sẽ đầy nguy hiểm nên lần nào cán bộ, chiến sĩ đều làm lễ truy điệu sống. “Với tôi, đó là cảm xúc khó tả. Lần đầu ai cũng hồi hộp, nhưng không hề sờn chí, lo sợ”, ông tâm sự.

Chuyến tàu chở tổng cộng 57 tấn vũ khí thuốc nổ. Đến khu vực ngang biển Quảng Trị, sóng bất ngờ đánh mạnh khiến tàu suýt chìm nếu không có sự nhanh trí của ông Nhuận… Chưa kịp bình tâm, tàu lại gặp phi cơ địch tuần tiễu, chỉ huy hạ lệnh anh em giả bộ ngư dân ngồi vá lưới để thoát khỏi sự nghi ngờ của địch.

“Nhớ nhất là khi mắc cạn ở Gành Hào (Bạc Liêu) lúc trời rạng sáng, tàu cách bờ chỉ 5 - 6 km. Chuyến đi đầu còn thiếu kinh nghiệm. Hơn nửa ngày chờ nước lên, anh em đếm từng giây phút. Nếu lúc đó gặp địch thì khó có thể đối phó”, ông Nhuận nhớ lại.

Mỗi chuyến đi biển với người lính tàu không số là những hải trình cân não, căng thẳng. Sau thành tích cứu tàu bị rò rỉ trong chuyến đi đầu, ông Nhuận được phong làm thuyền phó.

Đi tổng cộng 8 chuyến là 8 lần ông cùng anh em được truy điệu sống. Hết đi với anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, ông lại chỉ huy tàu cùng thuyền trưởng Trần Ngọc Ẩn. Cả 8 lần đều trót lọt.

“Ngoài kinh nghiệm còn cần sự may mắn. Mình phải chuẩn bị hàng loạt phương án: giả tàu ngư dân, thay biển số khác nhau từ những chuyến tàu thương nhân gặp trên biển để đánh lạc hướng địch. Trường hợp gay cấn phải hủy tàu để phi tang …”, ông Nhuận nói.

Ông Nhuận và bà Diễm ngày nay
Ông Nhuận và bà Diễn ngày nay.
 

Chuyện tình radio

Sau 3 chuyến tàu không số, ông Nhuận nhận nhiệm vụ về vùng Thái Thượng (Thái Thụy, Thái Bình) rà phá bom mìn, ngư lôi. Tại đây, trái tim chàng thủy thủ bị chinh phục bởi nữ Xã đội phó Nguyễn Thị Diễn nổi tiếng xinh đẹp, can trường.

Bà Diễn nay đã 70 tuổi cho biết hồi đó đã có đính ước từ lúc mới 12 tuổi với chàng trai trong xóm. Hơn một năm thầm yêu trộm nhớ, ông Nhuận không dám mở lời. Lặng lẽ với mối tình đơn phương, tưởng hết hi vọng vì Xã đội phó đã được đính ước.

“Chẳng biết duyên số thế nào, tôi nhận được giấy báo tử của anh Giang Văn Dương, người đính ước. Chưa một lần chạm mặt, nhưng hơn 2 năm trời, nỗi buồn thương trong tôi mới nguôi ngoai. Ông Nhuận mới có cơ hội...”, bà Diễn hồi tưởng.

“Điều gì làm bác ấn tượng về vị chỉ huy tàu không số?”, tôi hỏi. Bà Diễn cười: “Cái radio! Ngày ổng về công tác, đeo cái đài bên thắt lưng trông rất oách. Hồi đó, quanh huyện mấy ai có radio như ông. Sau này khi nên duyên vợ chồng, ông Nhuận vẫn giữ khăng khăng cái đài. Nghe đâu, ông mua trong một lần chuyển hàng vào Nam đến cả cây vàng”. Dù đang tán tỉnh bà Diễn, nhưng ông Nhuận vẫn đưa Xã đội phó ra kiểm điểm lên xuống vì một lần phá đầu đạn bị nổ do bất cẩn.

Năm 1968, đám cưới chàng chỉ huy tàu không số và cô Xã đội phó được tổ chức giản dị ở vùng quê Thái Thụy. Ông Nhuận trở lại tiếp tục những hải trình đường Hồ Chí Minh trên biển. Đúng dịp giải phóng miền Nam 1975, ông Giang Văn Dương đột nhiên trở về quê tìm người đã đính ước Nguyễn Thị Diễn.

“Cả ba gặp nhau, ai cũng bất ngờ. Bà Diễn cười ra nước mắt, ông Dương không biết mình có giấy báo tử… còn tôi chỉ biết đứng nhìn. Phải hồi lâu sau, mọi người ôm chầm lấy nhau, hiểu cơ sự. Không có bất cứ lời oán trách. Những năm tháng trong chiến tranh giúp chúng tôi xích lại và thấu hiểu tình yêu thương”, ông Nhuận bộc bạch. Sau này khi vào Đà Nẵng (từ 1978), hai ông trở thành tri kỷ.

_______

Bài 2: Người anh trong nhật ký Đặng Thùy Trâm

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG