Chuyện những người bỏ phố về quê

Anh Nguyễn Văn Hải (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho đàn dê ăn sau khi khai thác sữaẢNH: H.T
Anh Nguyễn Văn Hải (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho đàn dê ăn sau khi khai thác sữaẢNH: H.T
TP - Trong khi nhiều lao động nông thôn kéo nhau lên thành phố tìm kế sinh nhai, nhiều người trẻ bỏ phố về quê làm kinh tế. Họ không chỉ thành công mà còn tìm thấy được những giá trị sống cho bản thân.   

Lập nghiệp từ đàn dê

Đến trang trại của anh Nguyễn Văn Hải (ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), ai cũng ngỡ ngàng trước đàn dê hơn 100 con và đang tiếp tục sinh sôi nảy nở. Chăm chút đàn dê sau khi khai thác sữa, anh Hải cho biết, đã bỏ gần 4 tỷ đồng mua đất, xây dựng trang trại nuôi dê lấy sữa.

Để hoàn thiện quy trình nuôi dê, anh Hải mất gần 1 năm trời. “60 con dê giống mua gần 1 tỷ đồng nhưng hễ sinh con ra chết đến 40%. Đó là thứ học phí mà mình phải trả để đổi lấy kinh nghiệm”, anh Hải nói và cho biết đàn dê được quản lý trên phần mềm máy tính (mỗi con được đánh số thứ tự, tuổi, lịch sử thú y, cây phả hệ…).

Trải lòng về quyết định bỏ phố về quê, anh Hải cho hay, ở đâu cũng được, miễn có cơ hội làm kinh tế. Là kỹ sư công nghệ viễn thông (Trường Đại học Bách khoa TP HCM), anh Hải từng có 10 năm làm ông chủ công ty kinh doanh thiết bị công nghệ ở TP HCM, Campuchia, Miến Điện. Tuy nhiên, sóng gió thương trường khiến vợ chồng anh quyết định về quê hương khởi nghiệp. Đúng lúc (năm 2018), con anh bị dị ứng sữa công thức, phải dùng sữa dê thay thế. Nhận thấy giá trị dinh dưỡng và kinh tế của sữa dê, trong khi thị trường Việt Nam còn khá mới mẻ, anh cùng vợ quyết định về Đắk Lắk làm trang trại nuôi dê lấy sữa bán.

Anh Hải đến các trại nuôi dê ở Tiền Giang, Lâm Đồng, Bình Phước… mua con giống, tự học cách chăm sóc, tìm hiểu quy trình khai thác và bảo quản sữa tươi. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, anh học được bí quyết khử bớt mùi, để sữa được lâu mà không dùng chất bảo quản. Hiện, mỗi ngày đàn dê cho khoảng 10 lít sữa tươi, bán giá 100 nghìn đồng/lít, đủ trả tiền mua thức ăn, nhân công. Anh đang tính mở rộng quy mô đàn dê lên 1.000 con, nghiên cứu làm phô mai, sữa dê sấy nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Nhìn lại hành trình 3 năm về quê khởi nghiệp, anh Hải cho rằng quyết định của mình đúng đắn. “Ngay từ đầu, mình xác định về quê để làm kinh tế, chứ không phải trốn chạy vòng quay của cuộc sống phố thị. Vậy nên, vất vả, khó khăn, thử thách đều là động lực cho mình vượt qua”, anh Hải chia sẻ.

Trồng lan làm giàu

Mấy ngày nay anh Trần Liên Hiệp (SN 1994, ở thôn 12, xã Nam Dong, Cư Jút, Đắk Nông) tập trung chăm sóc các giống lan mới để kịp đưa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán. “Dịch COVID-19 xảy ra đúng thời điểm cây giống xuất bán, khiến đầu ra sản phẩm của em bị thu hẹp. Tuy nhiên, em vẫn cầm cự được. Đây cũng là phép thử cho lựa chọn bỏ phố về quê khởi nghiệp”, Hiệp nói.

Hiệp tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học (Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm TP HCM) năm 2016. Ra trường, Hiệp có thời gian đi làm cho các công ty chuyên sản xuất giống chuối cấy mô. Do cơ hội thăng tiến trong công việc không nhiều, Hiệp quyết định về quê khởi nghiệp. Được gia đình hỗ trợ cùng số tiền tiết kiệm, cậu đầu tư vườn ươm và phòng nuôi cấy mô hơn 500 triệu đồng. Ban đầu, cậu rót vốn nhân giống chuối ngoại nhưng vừa ra lò, người trồng quay lưng, Hiệp đành từ bỏ.

Không nản chí, Hiệp nghiên cứu hoa lan, đặc biệt giống lan bản địa. Nhận thấy mô hình nuôi lan cấy mô (nhân giống từ hạt hoặc bằng mầm ghép) nhiều tiềm năng, Hiệp quyết tâm chinh phục. Từ hạt giống nguyên bản, Hiệp áp dụng kỹ thuật, nuôi giống trong môi trường khép kín, cho ra hàng loạt cây con ổn định về mặt di truyền. Cuối năm 2019, Hiệp cho ra thị trường nhiều giống lan như hạc vĩ, hồ điệp, denro… Trung bình mỗi tháng, Hiệp xuất bán gần 10.000 cây giống lan cấy mô đủ loại với giá từ 5.000-10.000 đồng/cây. Mỗi giống lan chỉ có sức hút nhất thời, Hiệp luôn tìm tòi giống mới, phục vụ nhu cầu khách hàng.

Không chỉ mở rộng thị trường trong nước, anh Hiệp ấp ủ đưa lan nội xuất ngoại. “Các giống lan ngoại được tiêu thụ mạnh ở Việt Nam. Vậy tại sao không làm điều ngược lại? Hoa lan bản địa có màu sắc, hương vị đặc trưng, mấu chốt là cách lai tạo”, Hiệp nói.

Cũng như anh Nguyễn Văn Hải, với Hiệp ở phố hay về quê không quan trọng. “Dù ở đâu, điều quan trọng nhất là có cơ hội phát triển bản thân, theo đuổi được những cái mình thích và tìm thấy được những giá trị đích thực của mình”, Hiệp chia sẻ.

Chuyện những người bỏ phố về quê ảnh 1 Vườn lan do anh Trần Liên Hiệp (SN 1994, ở thôn 12, xã Nam Dong, Cư Jút, Đắk Nông) nhân nuôi bằng phương pháp cấy mô Ảnh: H.T

Chị Trần Thị Thúy Vân, Bí thư Huyện Đoàn Cư Jút (Đắk Nông) cho hay, nuôi lan cấy mô của Hiệp là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trên địa bàn. Huyện Đoàn luôn theo dõi, động viên cũng như hỗ trợ Hiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Tháng 8/2020, thông qua kênh của T.Ư Đoàn, Hiệp được vay 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất.

MỚI - NÓNG