Chuyện những người chọn “nghiệp” rong ruổi theo mùa hoa

Anh Phùng Quang Tuấn, đang chăm sóc đàn ong của mình tại khu rừng tràm xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương.
Anh Phùng Quang Tuấn, đang chăm sóc đàn ong của mình tại khu rừng tràm xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương.
Thấp thoáng dưới những cánh rừng tràm ngút ngàn, những đồi chè xanh biếc là hàng ngàn tổ ong xếp ngay ngắn của những người nuôi ong di động.

Cứ độ tháng 2-3 Âm lịch họ di chuyển đàn ong từ Tây Nguyên ra Bắc Giang lấy mật vải, tháng 4 chở đàn đi Hà Nam quay mật hoa nhãn, tháng 5 đến tháng 9 vào Nghệ An lấy mật cây tràm (keo), từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau trở lại khu vực Tây Nguyên, Miền Đông Nam Bộ lấy mật hoa cà phê, cao su. Đó là quãng đường hàng ngàn km mà những người nuôi ong lấy mật đã phải di chuyển trong một năm. Họ làm việc chăm chỉ như những chú ong thợ để cho ra đời những chai mật ngon, ngọt…

Ăn đường, ngủ rừng, đi hàng ngàn km

Tiếp chúng tôi trong căn chòi nhỏ dựng tạm giữa khu rừng tràm ở xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An là một thanh niên ngoài 20 tuổi, nói giọng miền Bắc.

Anh là Phùng Quang Tuấn, quê ở xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, Hải Dương. Anh Tuấn cho biết: “Gia đình tôi di chuyển đàn ong 300 tổ từ Bắc Giang vào Nghệ An từ đầu tháng 5 âm lịch. Sau khi thuê đất, chúng tôi dựng trại và đặt đàn ong tại một khu rừng tràm. Mùa này cây tràm phát triển lá mạnh, trên lá non vào buổi sáng và chiều tối tiết ra rất nhiều mật nên ong thợ rất dễ lấy mật. Mật tràm tốt hơn so với mật các loài cây khác vì ngọt và trong nên giá thành bán cao hơn”.

Cũng theo anh Tuấn sở dĩ nhiều người nuôi ong di động trên cả nước chọn khu vực tỉnh Nghệ An để đặt đàn ong lấy mật cây tràm là do nguồn cung cấp mật ở đây dồi dào. “Các tỉnh miền trung khác như Hà Tĩnh, Quảng Bỉnh, Quảng Trị… cây tràm cũng nhiều tuy nhiên nguồn mật từ cây tràm tiết ra không rộ và kéo dài như ở Nghệ An”, anh Tuấn cho biết thêm.

Chuyện những người chọn “nghiệp” rong ruổi theo mùa hoa ảnh 1

Anh Vũ Văn Ngọc, đang chăm sóc đàn ong Ý tại khu rừng tràm xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương.

Rời cơ sở nuôi ong của anh Tuấn, chúng tôi chạy xe dọc theo đường Hồ Chí Minh theo hướng từ Nam - Bắc. Đi khoảng 5km đến khu vực xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương chúng tôi bắt gặp khu lán trại nuôi ong của anh Vũ Văn Ngọc (huyện CưMgar, Đắc Lắk). Hơn 200 thùng (tổ) ong được xếp ngay ngắn trong một khu rừng tràm nằm sát đường Hồ Chí Minh. Trò chuyện với chúng tôi trong căn lán nhỏ tuềnh toàng, anh Ngọc cho biết: “Nghề nuôi ong di động vất vả lắm, phải di chuyển khắp nơi. Tháng 2-3 âm lịch di chuyển đàn ong từ Tây Nguyên ra Bắc Giang lấy mật vải, tháng 4 chở đàn đi Hà Nam quay mật hoa nhãn, tháng 5 đến tháng 9 vào Nghệ An lấy mật cây tràm (keo), từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau trở lại khu vực Tây Nguyên, Miền Đông Nam Bộ lấy mật hoa cà phê, cao su. Quanh năm suốt tháng đưa đàn ong đi lấy mật, tính ra một năm chỉ về nhà được khoảng 10 ngày”.

Được biết, anh Ngọc vừa di chuyển đàn ong từ Hà Nam vào Nghệ An được hơn 1 tháng, dự kiến anh cùng đàn ong sẽ ở lại Nghệ An khoảng 3 tháng sau đó sẽ di chuyển đàn vào Quảng Bình hoặc Quảng Trị ở lại khoảng 1,5 tháng sau đó di chuyển đàn ong vào Tây Nguyên. “Mỗi lần di chuyển đàn mình thuê ô tô chở đi 500 - 700 km tới những khu rừng mà có các loài hoa, cây mà ong có thể lấy mật để đặt đàn. Đi thường xuyên nên ăn uống cũng thất thường, trên đường gặp cái gì ăn cái đó”.

Chuyện những người chọn “nghiệp” rong ruổi theo mùa hoa ảnh 2 Chăm sóc ong di động không hề đơn giản chút nào.
Hàng ngày phải ở cùng đàn ong trong các khu rừng tràm, cao su, cà phê ít người qua lại nên cuộc sống của những người làm nghề nuôi ong di động đơn sơ, tạm bợ.      

Anh Trần Văn Đông (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), chủ một đàn ong khoảng 450 tổ chúng tôi bắt gặp tại một cánh rừng tràm ở xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, chia sẻ: “Làm nghề này suốt năm dựng lán ở trong rừng, cuộc sống không điện, không nước, có những vùng không có cả sóng điện thoại nữa. Quanh năm suốt tháng sống lủi thủi ở trong rừng chăm sóc đàn ong. Vất vả, buồn nhưng ở mãi rồi cũng quen”.

Giàu lên nhờ nghề nuôi ong di động

Để trở thành chủ một đàn ong di động người nuôi ít nhất phải đầu tư từ 150 triệu đến 500 triệu đồng ban đầu. Anh Phùng Quang Tuấn, chủ đàn ong tại khu rừng tràm tại xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương cho biết: “Đàn ong của tôi hiện tại có 230 tổ ong Ý, một tổ ong gồm ong giống, gỗ đóng thùng, các chi phí khác tổng tiền đầu tư hết khoảng 1 triệu đồng/một tổ. Tính ra 230 tổ ong gia đình phải đầu tư hết khoảng trên 200 triệu đồng”.

Cái khó của nghề nuôi ong theo anh Tuấn ngoài vốn đầu tư ban đầu lớn thì người nuôi phải có kinh nghiệm. Ong rất dễ mắc các loại bệnh như các bệnh như chấy cắn rụng cánh, thối ấu trùng, đau bụng... Người nuôi phải thường xuyên theo dõi, nếu thấy con ong có biểu hiện bất thường là đoán biết được bệnh của nó để chữa trị kịp thời.

Chuyện những người chọn “nghiệp” rong ruổi theo mùa hoa ảnh 3 Nuôi ong di động, nghề đi nhiều, thu nhập cũng tạm ổn.
Ngoài ra, việc chọn địa điểm đặt tổ ong cũng rất quan trọng, cần phải đặt nơi có nguồn mật dồi dào, xa nơi trồng hoa màu của dân vì người dân phun thuốc sâu sẽ anh hưởng đến chất lượng mật cũng như sức khỏe của ong thợ. Khi ong thiếu mật phải cho ăn thêm phấn hoa, đường.      

“Nuôi ong mà không có kinh nghiệm thì thua lỗ là cái chắc. Tôi cùng bố tôi phải đi nuôi ong thuê cho người khác đến cả chục năm, cách đây 2 năm mới dám đứng ra đầu tư tiền nuôi đàn ong”, anh Tuấn chia sẽ.

Ngoài vốn đầu tư, kinh nghiệm thì người nuôi ong di động cần phải có khả năng ngoại giao tốt. Với chính quyền địa phương, mình phải xin tạm trú, phải cam kết không làm mất an ninh trật tự, không để xảy ra cháy rừng... Đối với người dân mình phải gần gũi, hòa đồng thuyết phục họ cho mình đặt lán trại nuôi ong.

“Quanh năm sống ở đất khách quê người, nếu người dân không đồng ý, cứ dựng trại được ít hôm họ kéo đến đuổi đi thì vỡ nợ là cái chắc. Muốn sống được với nghề này thì cần phải hiểu tập tục của người dân ở vùng mình đặt trại ong, phải gần gũi, hòa đồng với người dân”, anh Ngọc chủ một đàn ong di động chia sẻ.

Vất vả, nhưng nghề nuôi ong dạo đem lại thu nhập khá cao. Bình quân một năm chủ một đàn ong có thể có thu nhập từ 200 triệu đến 500 triệu đồng tuỳ vào số lượng tổ ong cũng như thời tiết.

Anh Trần Văn Đông (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), chủ một đàn ong di động tại khu rừng tràm ở xã Thanh Hương cho biết: “Mùa này lấy mật tràm cứ bình quân từ 7- 9 ngày mình lấy mật một lần, 450 tổ ong cho khoảng 1,4 tấn mật. Với giá mật như hiện nay là 38.000kg thì mình thu được trên 50 triệu đồng”.

Cũng theo anh Đông nghề nuôi ong tuy vất vả vì phải nay đây mai đó quanh năm nhưng bù lại thu nhập cũng khá cao. “Những năm gần đây nghề nuôi ong lãi lớn, đàn ong 450 tổ của nhà tôi trừ tất cả các chi phí một năm cho lãi khoảng 500 - 600 triệu đồng”, anh Đông cho biết thêm.

Chuyện những người chọn “nghiệp” rong ruổi theo mùa hoa ảnh 4 Đàn ong được chăm sóc chu đáo, cẩn thận và tránh những lũ ong chần, ong vò vẽ tới sẽ cắn chết đàn ong của chính chủ.
Hiện tại mật ong của những người nuôi ong di động đều có các công ty đến thu mua tận nơi. Điều cấm kỵ nhất đối với người nuôi ong là không được bán mật ong cho người dân trong vùng.      

“Mình bán lẻ mật ong khiến những hộ dân người địa phương nuôi ong nhỏ lẻ không bán được mật, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng, họ có thể gây khó dễ và có thể kéo đến đuổi không cho mình đặt điểm nuôi ong trên địa bàn nữa”, ông Phùng Quang Hách (Hải Dương), chủ một điểm nuôi ong di động trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Thanh Chương, Nghệ An, cho biết.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Khởi tố vụ cán bộ CSGT tông chết người ở Gia Lai
Khởi tố vụ cán bộ CSGT tông chết người ở Gia Lai
TPO - Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Hồng Phong (41 tuổi, cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự, Công an huyện Chư Prông) để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.