Chuyện 'thần kỳ' về một cây kéo

Chuyện 'thần kỳ' về một cây kéo
TP - Bùi Đức Thịnh (22 tuổi) - chủ một cửa hàng cắt tóc bình dân ở Hải Phòng - đã nhận giải Vô địch trong Cuộc thi Tạo mẫu tóc Thế giới 2007 - World Style Contest 2007 tại Barcelona (Tây Ban Nha).

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, World Style Contest trao giải thưởng cao quý nhất của mình cho một người châu Á.

Chuyện 'thần kỳ' về một cây kéo ảnh 1
Bùi Đức Thịnh với bài dự thi

Quán quân vô danh

Bùi Đức Thịnh - thí sinh trẻ tuổi nhất, hoàn toàn vô danh, đoạt giải Nhất cuộc thi Tạo mẫu tóc Việt Nam 2007, rồi lại tiếp tục chinh phục ngôi vị quán quân châu Á - đã gây kinh ngạc lớn cho giới làm tóc chuyên nghiệp trong nước.

Nhà tạo mẫu tóc lừng danh thế giới Tim Harley đã hết lời khen ngợi sự sáng tạo đơn giản và hiệu quả của Thịnh trong cách sử dụng màu nhuộm và tạo dáng với thẩm mỹ sắc sảo.

Trong đêm chung kết trao giải của World Style Contest 2007 tại Barcelona, khi cái tên Bùi Đức Thịnh đến từ Việt Nam được xướng lên với danh hiệu Vô địch, Thịnh vui mừng đến không tin nổi. Cậu sướng quá, nhảy lên đến nỗi rách toạc cả quần. Thế là Thịnh nhận giải với một tay cầm Cup, một tay che mông!

Trước đó, tháng 6/2007, Thịnh có mặt trong 10 thí sinh dự chung kết cuộc thi tạo mẫu tóc quốc gia do Davines Việt Nam tổ chức. Đây là lần đầu tiên Thịnh tham gia một cuộc thi tạo mẫu tóc, trong cánh gà chờ đến lượt mình ra biểu diễn, cậu rất run.

Nhưng đứng dưới ánh đèn sân khấu, cây kéo trong tay, khay cắt quen thuộc trước mặt - Thịnh hoàn toàn bình tĩnh. “Bao giờ cũng vậy, khi chạm vào một mái tóc, làm cho nó thay đổi thành quyến rũ, sống động và độc đáo, em đều có một cảm giác rất say sưa”.

Chuyện 'thần kỳ' về một cây kéo ảnh 2

Vượt qua 9 thí sinh đều là những nhà tạo mẫu tóc tên tuổi, Thịnh cắt và làm màu, tạo kiểu hết sức điềm tĩnh tự chủ, có phần nào đơn giản.

Thịnh lý giải về thành công của mình: “Đầu tiên phải nắm rất chắc kỹ thuật, tính bài bản về hình học của mỗi bài cắt là nền móng chuẩn bắt buộc phải tuân theo. Nhưng không có nghĩa là dập khuôn theo kỹ thuật, phải biết linh động, phá cách.

Cảm hứng rất quan trọng, nó sẽ khiến người cầm kéo biết gương mặt này sẽ hợp và đẹp nhất với kiểu tóc như thế nào. Trong phong cách của em luôn đảm bảo hai điều: Kỹ thuật, cảm hứng và đam mê.

Nhà tạo mẫu tóc không chỉ làm cho khách hàng xinh đẹp, dễ ưa hơn với kiểu tóc mình thực hiện mà quan trọng là phải thể hiện được cá tính, phong cách, tạng chất tinh thần của người mang mái tóc.

Trước khi quyết định đưa nhát kéo, em dành thời gian trò chuyện với khách hàng của mình để tìm hiểu xem họ là tuýp người ưa sự cổ điển, lãng mạn hay thích khuynh hướng phá cách, bộc lộ cá tính mạnh. Kiểu tóc như thế nào sẽ phù hợp với môi trường công việc của họ”...

Chuyện 'thần kỳ' về một cây kéo ảnh 3

Trong World Style Contest 2007, các thí sinh đến từ các châu lục đều là những cao thủ, trong đó có cả những hiệu trưởng và giám đốc kỹ thuật của các học viện thời trang tóc tiếng tăm trên thế giới.

Bùi Đức Thịnh đến từ Việt Nam không gây ấn tượng gì ngoài vẻ ngây thơ hiền lành. Vì hoàn toàn vô danh, vì đặt được chân vào vòng thi oách nhất thế giới đã là quá sức tưởng tượng của chính Thịnh nên cậu trình bày bài thi của mình hết sức thoải mái và ngẫu hứng.

Thịnh chinh phục Ban giám khảo bởi tính bay bổng trong những đường cắt và chi tiết phối màu, đặc biệt kiểu tóc Thịnh đưa ra được đánh giá cao bởi tính dự đoán cho xu hướng thời trang tóc năm sau.

Chuyện 'thần kỳ' về một cây kéo ảnh 4
Gần 80 tuổi, ông ngoại của Thịnh vẫn ngày ngày cắt tóc

Mê nghề tóc từ tiếng kéo của ông ngoại

Gia đình Thịnh đã ba đời làm nghề tóc. Ông ngoại Thịnh là cụ Nguyễn Văn Thành - tay kéo có tiếng từ thời Pháp. Hiện nay cụ vẫn cắt tóc dù đã gần 80 tuổi.

Thịnh kể: “Âm thanh vang suốt tuổi thơ em chính là tiếng kéo của ông ngoại. Tiếng kéo đanh, quyến rũ, từ đầu phố đã nghe rất rõ. Ông không cần treo biển hiệu mà khách vẫn tìm đến đông nghịt suốt nửa thế kỷ qua, cũng vì tiếng kéo đặc biệt này. Từ ông, em đã được nhận lòng tận tụy và đam mê nghề tóc - như một thứ bảo bối chân truyền”.

Hơn nửa thế kỷ cầm kéo của mình, cụ Thành chứng kiến từng thăng trầm của đời khách. Hàng chục năm mở tiệm, mỗi ngày cụ Thành đứng cắt từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm, chỉ nghỉ khi bị ốm liệt giường. Giờ đây, gần 80 tuổi cụ Thành hàng ngày vẫn làm từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối.

Nhìn cụ Thành cắt tóc, thấy đó đích thực là một nghệ thuật. Cụ ngắm vuốt từng sợi tóc, nâng niu từng nhát lược, đường kéo lưu loát, nhìn hoa cả mắt chỉ thấy ánh thép của lưỡi kéo lóa trên mái đầu xanh. Tiếng kéo vang, giòn tan, có giai điệu quyến rũ như tiếng bộ gõ vang dưới tay một nghệ sĩ đầy cảm hứng.

Tiệm tóc của cụ Thành chỉ cắt đầu nam. Khách đi xe con, xe máy, xe đạp, giám đốc ngồi cùng thợ thuyền, đều kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt mình. Cứ 15.000 đồng/đầu, ở tiệm tóc này không có ai sang ai hèn hơn ai.

Chuyện 'thần kỳ' về một cây kéo ảnh 5

Cụ Thành tự hào kể về đứa cháu cưng: “Tôi có 8 đứa con và 16 đứa cháu theo nghiệp tóc nhưng không ai được như Thịnh. Nhìn nhát kéo biết ngay được con người, phong thái của Thịnh như sinh ra để dành riêng cho nghề tóc: Cẩn thận, tinh tế, tay nghề Thịnh điêu luyện, mềm mại và thật thà. Thịnh không chỉ có tài năng, quý hơn là tâm đức của người làm nghề”.

Hơn 10 tuổi Thịnh đã ra cửa hàng phụ ông, do gia cảnh khó khăn Thịnh phải dừng việc học văn hóa giữa chừng, cùng mẹ lo lắng mưu sinh cho gia đình.

Năm 16 tuổi cậu bị hỏng một mắt do tiêm nhầm thuốc. Chạy chữa khắp nơi không khỏi, Thịnh tủi thân và ngại gặp người lạ, cậu chỉ quanh quẩn trong cửa hàng cùng ông cắt tóc. Và trong tuyệt vọng ấy, nghề tóc đã đem đến cho Thịnh an ủi và ý nghĩa cuộc sống.

Mẹ Thịnh có một gian gội đầu trong chợ Hải Phòng, người đàn bà tần tảo này là trụ cột kinh tế của gia đình.

Đông cũng như hè, cứ 5 giờ sáng mẹ Thịnh dậy đun nước lá thơm để chuẩn bị đón khách là những bà đi chợ sớm.

Hàng ngày đứng cặm cụi gãi đầu cho khách đến 9 giờ tối, cột sống mẹ Thịnh luôn đau đớn.

Tay ngâm trong nước nóng, bồ kết, quất chua, hóa chất từ năm này sang năm khác - những ngón tay mẹ Thịnh nứt nẻ, da bị ăn nát. Thịnh thương mẹ, ao ước mình làm được điều gì đó để mẹ bớt khổ, để hàng sáng mùa đông mẹ không phải ngâm bàn tay rớm máu vào thùng nước gội đầu, để mẹ không phải đứng với cái lưng nhức buốt và đôi chân tê dại.

17 tuổi, Thịnh đứng thợ chính. Nhưng cậu không hài lòng, cậu muốn đi xa hơn ông ngoại, tóc nam ít sáng tạo, những phá cách và thay đổi sẽ khó có đất thể hiện. Thịnh quyết chí vay mượn đi học nghề từ một bậc thầy.

Nhà tạo mẫu tóc Hoàng Minh Tâm, giải Nhì tạo mẫu tóc châu Á 2002, đã truyền dạy cho Thịnh một khoa học thật sự về nghề tóc. Từ thầy Tâm, Thịnh nhận ra nghiệp mình chọn lựa không phải là thợ tóc như ông, như mẹ quan niệm - mà Thịnh có quyền năng của  một người sáng tạo.

Kết thúc cuộc thi tại Barcelona, từ Nội Bài, Thịnh bắt xe khách về Hải Phòng tiếp tục công việc hàng ngày đợi mình. Khách hàng chỉ ưng khi chính tay Thịnh cắt cho họ. Tiệm tóc nhỏ của Thịnh ở sâu trong ngõ phố An Đà.

Thịnh nhận hẹn qua điện thoại, bao giờ lịch đặt cũng kín trước 10 ngày. Thịnh cắt từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, sau đó dạy học đến 11 giờ khuya. Thịnh thường xuyên nhịn bữa trưa vì không đủ thời gian, mẹ Thịnh nấu sẵn một nồi cháo để chắt nước cho con trai uống cầm sức làm việc.

Thịnh luôn dặn các học trò của mình: Không có bằng khen nào hơn bằng sự bằng lòng của khách hàng. Sự hài lòng của mỗi người khách khi đứng lên khỏi ghế cắt, đối với Thịnh cũng có giá trị như bất kỳ giải thưởng nào. Thịnh nói: “Em muốn mình làm nghề với đức khiêm nhường, tận tụy như ông ngoại”.

Vô địch World Style Contest 2007, Bùi Đức Thịnh được nhận phần thưởng mà bất cứ nhà tạo mẫu tóc nào cũng ao ước: Được mời làm thành viên BGK của World Style Contest 2008.

Và trong đêm chung kết, Thịnh sẽ trình diễn show khai mạc, mẫu tóc Thịnh thực hiện trong đêm đó sẽ được chọn là xu hướng thời trang tóc năm 2009 của thế giới.

MỚI - NÓNG